Bài liên quan |
Khủng hoảng ngân hàng toàn cầu: Liệu Việt Nam có bị nguy hiểm? |
Làn sóng đổi mới của các ngân hàng toàn cầu hướng đến môi trường |
Trong báo cáo triển vọng ngành ngân hàng toàn cầu năm 2025, Moody's Ratings đã thay đổi đánh giá triển vọng từ tiêu cực sang ổn định. Theo ông David Yin, Phó trưởng Ban kiêm Giám đốc tín dụng cấp cao của Moody's Ratings, sự điều chỉnh này phản ánh kỳ vọng về tăng trưởng kinh tế ổn định và chính sách nới lỏng tiền tệ, những yếu tố sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động ngân hàng. Các áp lực về chất lượng tài sản được dự báo giảm, trong khi tăng trưởng tiền gửi có cơ hội phục hồi.
Tuy vậy, Moody's cũng cảnh báo về những rủi ro từ xung đột địa chính trị, căng thẳng thương mại, và các chính sách thay đổi sau cuộc bầu cử tại Mỹ. Những yếu tố này có thể tạo ra bất ổn và gây khó khăn cho hệ thống ngân hàng. Trong bối cảnh này, Moody's dự đoán hầu hết các ngân hàng trung ương lớn sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ khi áp lực lạm phát hạ nhiệt, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tín dụng. Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã cắt giảm lãi suất tổng cộng 75 điểm cơ bản trong năm 2024, xuống còn 4,5-4,75%, là một ví dụ điển hình. Theo Moody's, Fed có thể tiếp tục giảm lãi suất xuống mức 3,5-3,75% vào giữa năm 2025 trước khi tạm dừng để đánh giá tình hình kinh tế.
Moody's Ratings đưa dự báo triển vọng ngân hàng toàn cầu từ tiêu cực sang ổn định. |
Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) cũng đã thực hiện bốn lần cắt giảm lãi suất, đưa mức lãi suất xuống 3%, nhằm đối phó với sự suy yếu của tăng trưởng kinh tế và giảm lạm phát. Xu hướng cắt giảm lãi suất của ECB dự kiến sẽ tiếp tục đến giữa năm 2025. Tại Trung Quốc, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đang duy trì chính sách lãi suất thấp để kích thích tăng trưởng kinh tế, và điều này dự kiến sẽ kéo dài trong bối cảnh tăng trưởng chậm lại. Trong khi đó, Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) có cách tiếp cận thận trọng hơn. Sau khi bất ngờ tăng lãi suất vào tháng 7/2024, BOJ dự kiến sẽ có thêm một đợt tăng nhẹ vào năm 2025, nhưng với tốc độ rất hạn chế để không gây xáo trộn thị trường.
Moody's cũng nhận định rằng, trong bối cảnh địa chính trị phức tạp, các chính phủ và doanh nghiệp đang tập trung xây dựng chuỗi cung ứng đa dạng nhằm tăng cường khả năng chống chịu trước những cú sốc mới. Tuy nhiên, các rủi ro khó lường từ căng thẳng địa chính trị vẫn là mối lo ngại lớn.
Về chất lượng tài sản, Moody's dự đoán sự ổn định ở hầu hết các hệ thống ngân hàng tại Bắc Mỹ và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, với mức tăng nhẹ về tỷ lệ nợ xấu. Riêng tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, việc cắt giảm lãi suất được kỳ vọng sẽ cải thiện khả năng trả nợ của người vay. Rủi ro từ các khoản vay bất động sản giảm ở Việt Nam và Hàn Quốc, nhưng vẫn ở mức cao tại Trung Quốc và Hồng Kông. Ngược lại, tại Tây Âu, chất lượng tài sản có xu hướng giảm nhẹ do tình hình suy yếu của các khoản vay doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như bất động sản thương mại.
Moody's cũng dự đoán biên lãi ròng (NIM) sẽ chịu áp lực do lãi suất giảm, bởi lãi suất cho vay có xu hướng giảm nhanh hơn lãi suất tiền gửi. Dù vậy, sự phục hồi tăng trưởng tín dụng nhờ điều kiện kinh tế thuận lợi và việc nới lỏng tiêu chuẩn bảo lãnh có thể phần nào bù đắp áp lực này. Những hệ thống ngân hàng ở các nước có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao như Indonesia và Philippines sẽ đối mặt với áp lực nghiêm trọng hơn đối với biên lãi ròng. Trong khi đó, các ngân hàng trong khu vực có thể tận dụng chính sách tiền tệ thuận lợi để duy trì đà tăng trưởng và cải thiện chất lượng tài sản trong năm 2025.