Lý do gì khiến hàng trăm thương hiệu điện thoại thông minh rời khỏi thị trường?

10:32 26/09/2023

Từ hơn 700 thương hiệu năm 2017, năm 2023, con số này chỉ còn gần 250. Gần như tất cả các thương hiệu đã biến mất đều nằm ở Ấn Độ, Trung Đông, châu Phi, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Báo cáo mới nhất của hãng nghiên cứu Counterpoint cho thấy, ở thời kỳ đỉnh cao 2017, thị trường smartphone có hơn 700 thương hiệu cạnh tranh nhau với doanh số 1,5 tỷ máy.

Từ hơn 700 thương hiệu năm 2017, năm 2023, con số này chỉ còn gần 250. Gần như tất cả các thương hiệu đã biến mất đều nằm ở Ấn Độ, Trung Đông, châu Phi, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Chỉ sau 6 năm, đã có khoảng 500 thương hiệu điện thoại rời bỏ thị trường.

Counterpoint Research cho biết, chất lượng thiết bị được cải thiện, chu kỳ thay thế máy dài hơn, những trở ngại về kinh tế, tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng và những chuyển đổi công nghệ 4G sang 5G đã dần giảm bớt số lượng thương hiệu đang hoạt động.

Có gần 500 thương hiệu điện thoại biến mất trên thị trường trong 7 năm.
Có gần 500 thương hiệu điện thoại biến mất trên thị trường trong 7 năm. (Ảnh: Counterpoint).

Trước đây, các thương hiệu điện thoại thông minh từng được hưởng lợi từ việc tận dụng sự chuyển đổi của thị trường từ 2G sang 3G/4G ở những khu vực như Châu Á - Thái Bình Dương, châu Mỹ, Trung Đông và châu Phi. Ngoài ra, thị trường điện thoại thông minh đã phát triển vượt qua sự đáp ứng của các thương hiệu nhỏ, khi định vị ở phân khúc giá thấp và tầm trung.

Cụ thể, các thương hiệu điện thoại thông minh nhỏ, từng được mệnh danh là “ông vua nội địa”, như Micromax ở Ấn Độ và Symphony ở Bangladesh, đã mất thị phần đáng kể hoặc thậm chí bị loại khỏi thị trường trong 5 năm qua. 

Báo cáo cũng chỉ ra rằng những thương hiệu smartphone bị đào thải trong 7 năm qua có thể kể đến như Intex và Karbonn của Ấn Độ; InnJoo và Xtouch ở Trung Đông và châu Phi; Meizu, Meitu, Gionee và Coolpad ở Trung Quốc,... Trong khi đó, số lượng các thương hiệu toàn cầu như Samsung, Apple…vẫn ổn định ở mức trên 30 thương hiệu.

Ngoài ra, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến các thương hiệu điện thoại địa phương nhỏ cũng như tình trạng thiếu linh kiện sau đó, dẫn đến nhiều doanh nghiệp trong số đó phải phá sản hoặc rời khỏi thị trường điện thoại thông minh. Counterpoint cũng lưu ý rằng các thương hiệu nhỏ hơn không thể đầu tư nhiều vào những thứ như R&D (nghiên cứu và phát triển) cũng như không thể trả tiền cho sự chứng thực của người nổi tiếng như một số đối tác lớn hơn của họ.

Những tiến bộ công nghệ cũng dẫn đến việc một số thương hiệu lớn hơn của Trung Quốc như Vivo và Xiaomi cung cấp điện thoại thông minh với mức giá hấp dẫn, điều này làm mất đi lợi thế giá rẻ mà một số thương hiệu nhỏ hơn mang lại.

Mọi người cũng không mua nhiều điện thoại thông minh nữa. Vào tháng 7, Counterpoint lưu ý rằng lượng xuất xưởng điện thoại thông minh đã giảm trong quý thứ ba liên tiếp so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung, doanh số bán điện thoại thông minh đã giảm 24% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó các thiết bị Android bị ảnh hưởng đặc biệt. TCL-Alcatel chứng kiến mức giảm mạnh nhất ở mức 69% trong khi Samsung giảm 37% và Motorola giảm 17%. Điện thoại iPhone có khả năng phục hồi tốt hơn một chút nhưng vẫn chứng kiến doanh số giảm 6%.

Vào thời điểm đó, Counterpoint lưu ý rằng khách hàng ngần ngại nâng cấp thiết bị của họ do tình hình kinh tế không khả quan.

Không chỉ phải cạnh tranh với các dòng smartphone giá rẻ mới, các thương hiệu smartphone chỉ hoạt động ở thị trường nội địa còn gặp khó khi cạnh tranh với dòng điện thoại tân trang, những mẫu điện thoại đã qua sử dụng, được sửa chữa lại và bán ra với giá rẻ hơn.

Trong năm 2021, doanh số bán smartphone tân trang đã tăng 14% trong khi mức tăng của doanh số bán smartphone mới chỉ là 5%. Sự khác biệt còn được thể hiện rõ ràng hơn vào năm 2022 khi smartphone tân trang tăng 5% còn smartphone đời mới tăng trưởng -12%.

Nằm trong số các thương hiệu gây nuối tiếc nhất khi biến mất là LG. Sau 6 năm thua lỗ gần 4,5 tỷ USD, LG buộc phải đóng cửa bộ phận smartphone vào hai năm trước bất chấp sở hữu không ít thiết bị sáng tạo.

Counterpoint dự đoán sẽ có nhiều cái tên khác phải giải thể theo thời gian, trao thêm quyền lực vào tay những "gã khổng lồ" thế giới. Dù vậy, những thương hiệu nhỏ có thể sống sót khi đi vào ngách, chẳng hạn Doro phục vụ người dùng cao tuổi, còn Fairphone tập trung vào khả năng sửa chữa dễ dàng.

Minh Tú (T/h)