Lưu ý khi áp dụng nghĩa vụ hạn chế thiệt hại của bên bị vi phạm hợp đồng

16:35 31/03/2022

Theo quy định của pháp luật khi một bên chủ thể trong hợp đồng vi phạm nghĩa vụ thì sẽ phải chịu những chế tài pháp lý như buộc thuộc hiện đúng hợp đồng, phạt vi phạm hợp đồng, buộc bồi thường thiệt hại, tạm dừng thực hiện hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng, hủy bỏ hợp đồng.

Tuy nhiên, cũng theo pháp luật quy định thì bên có quyền bị vi phạm có nghĩa vụ hạn chế tổn thất. Do đó khi thực hiện hợp đồng, các bên chủ thể cần làm gì nếu xảy ra tổn thất hoặc xảy ra trường hợp một trong hai bên vi phạm nghĩa vụ hợp đồng để có thể nhằm ngăn chặn hoặc giảm thiểu tối đa rủi ro cho mình. Những phân tích, đánh giá của Luật sư Bùi Văn Thành - Trưởng VP Luật sư Mặt Trời Mới, Trọng tài viên, Trung tâm Trọng tài Quốc tế VN đưa ra trong bài phỏng vấn dưới đây sẽ giúp độc giả có cái nhìn tổng quan hơn xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, nghĩa vụ hạn chế tổn thất đối với bên bị vi phạm hợp đồng hiện nay được quy định cụ thể trong pháp luật Việt Nam và quốc tế như thế nào? Và ý nghĩa cũng như cơ sở áp dụng của nghĩa vụ này là gì ông có thể phân tích để các doanh nghiệp nắm được?

Luật sư Bùi Văn Thành: Nghĩa vụ hạn chế tổn thất đối với bên bị vi phạm hợp đồng được quy định tại điều 362 Bộ Luật dân sự 2015 và tại điều 305 Luật thương mại 2005, dẫn chiếu cụ thể như sau: “Điều 362. Nghĩa vụ ngăn chặn, hạn chế thiệt hại:Bên có quyền phải áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để thiệt hại không xảy ra hoặc hạn chế thiệt hại cho mình.”. “Điều 305. Nghĩa vụ hạn chế tổn thất: Bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải áp dụng các biện pháp hợp lý để hạn chế tổn thất kể cả tổn thất đối với khoản lợi trực tiếp đáng lẽ được hưởng do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra; nếu bên yêu cầu bồi thường thiệt hại không áp dụng các biện pháp đó, bên vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu giảm bớt giá trị bồi thường thiệt hại bằng mức tổn thất đáng lẽ có thể hạn chế được”. 

Ảnh minh họa

Nội dung chủ yếu của các điều luật trên là, trường hợp chủ thể trong hợp đồng bị thiệt hại phát sinh từ hành vi vi phạm hợp đồng của chủ thể khác, thì bên bị vi phạm có nghĩa vụ áp dụng các biện pháp cần thiết và hợp lý để ngăn chặn thiệt hại xảy ra, hoặc để hạn chế thiệt hại cho mình, kể cả thiệt hại đối với khoản lợi trực tiếp đáng lẽ được hưởng do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra. Nếu bên bị vi phạm không áp dụng các biện pháp đó, thì khi đưa ra yêu cầu bồi thường đối với bên vi phạm hợp đồng, bên vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu giảm bớt giá trị bồi thường thiệt hại bằng mức tổn thất đáng lẽ bên bị vi phạm có thể hạn chế được.

Vậy nếu bên bị vi phạm không thực hiện nghĩa vụ hạn chế tổn thất thì họ có thể phải chịu những hệ lụy như thế nào hoặc có bị phát sinh trách nhiệm pháp lý hay không thưa ông?

Luật sư Bùi Văn Thành: Nghĩa vụ hạn chế tổn thất của bên bị vi phạm không phải là hậu quả pháp lý của bên đó phát sinh từ hoặc liên quan đến hành vi vi phạm hợp đồng của bên vi phạm. Chủ thể khác trong hợp đồng không có quyền yêu cầu bên bị vi phạm phải chịu bất kỳ hậu quả pháp lý nào từ hành vi vi phạm hợp đồng của bên vi phạm. Trường hợp bên bị vi phạm hợp đồng mà không áp dụng nghĩa vụ hạn chế tổn thất, thì bên bị yêu cầu (tức bên vi phạm hợp đồng) có quyền yêu cầu giảm bớt giá trị bồi thường thiệt hại bằng mức tổn thất đáng lẽ có thể hạn chế được.

Và thực tế cho thấy là không phải hành vi vi phạm hợp đồng nào cũng có thể hạn chế tổn thất được, phải không ạ? Vậy ông có thể làm rõ những vi phạm nào cần áp dụng nghĩa vụ hạn chế tổn thất và ngược lại?

Luật sư Bùi Văn Thành: Đúng. Không phải mọi hành vi vi phạm hợp đồng đều có thể hạn chế tổn thất. Tuy nhiên, khi được bên vi phạm thông báo về hành vi vi phạm hợp đồng hoặc bên bị vi phạm tự mình phát hiện ra hành vi vi phạm hợp đồng của bên kia, đối với những vi phạm có thể hạn chế tổn thất, thì cần chủ động, kịp thời áp dụng các biện pháp cần thiết và hợp lý để ngăn chặn thiệt hại xảy ra hoặc để hạn chế thiệt hại xảy ra đối với mình. Không nên đưa ra yêu cầu bồi thường đối với thiệt hại không có đủ yếu tố yêu cầu bồi thường, tránh trục lợi trong yêu cầu bồi thường do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra. Ngoài căn cứ pháp luật phải áp dụng, đây còn là đạo đức kinh doanh và thiện chí của bên bị vi phạm trong việc hợp tác với bên bị vi phạm trong việc ngăn chặn tổn thất hoặc hạn chế tổn thất đối với những tổn thất có thể ngăn chặn hoặc có thể hạn chế được.

Trường hợp bên bị vi phạm rà soát, đánh giá tổn thất là không thể áp dụng các biện pháp cần thiết và hợp lý để ngăn chặn hoặc để hạn chế tổn thất, thì cũng nên thông báo kịp thời cho bên vi phạm. Trong cả hai trường hợp này, doanh nghiệp cần kịp thời chuẩn bị căn cứ, tài liệu chứng minh các yếu tố phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại, chứng minh tổn thất, mức độ tổn thất do hành vi vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm

Và cuối cùng LS Bùi Văn Thành có thể đưa ra một số tư vấn, khuyến nghị giúp doanh nghiệp hạn chế được rủi ro cũng như tranh chấp khi xảy ra xung quanh vấn đề này?

Luật sư Bùi Văn Thành: Doanh nghiệp khi đàm phán, giao kết hợp đồng, cần nhận diện đầy đủ, toàn diện các rủi ro có thể phát sinh trong nội dung các điều khoản thương mại và điều khoản pháp lý. Đánh giá về tính khả thi (bao gồm năng lực của đối tác) khi giao kết và thực hiện hợp đồng. Thực hiện đúng nghĩa vụ trong hợp đồng và quản trị tốt rủi ro có thể xảy ra khi thực hiện hợp đồng, là những biện pháp hữu hiệu để hạn chế tranh chấp có thể xảy ra.

Trong quá trình hành nghề luật sư giúp doanh nghiệp đàm phán, soạn thảo, giao kết hợp đồng, hoặc giải quyết tranh chấp theo phương thức ngoài tòa án (thương lượng, hòa giải, trọng tài), kể cả khi tham gia giải quyết các vụ án kinh doanh thương mại tại tòa án, tôi luôn đề cao nguyên tắc tự thỏa thuận, kể cả việc tự thỏa thuận, tự quyết định về việc giải quyết tranh chấp.

Xin cảm ơn ông!

Theo TPO