Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh: Luật BHYT ra đời (năm 2008) và sửa đổi, bổ sung (năm 2014) đã đánh dấu một bước quan trọng trong hệ thống pháp luật về BHYT, là cơ sở pháp lý thể chế hóa quan điểm, định hướng của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện chính sách tài chính y tế công thông qua BHYT toàn dân, thực hiện mục tiêu chăm sóc sức khỏe cho người dân theo định hướng công bằng, hiệu quả và phát triển. Thực hiện Luật BHYT 5 năm qua, số người tham gia BHYT ở nước ta đã không ngừng tăng lên nhanh chóng, hiện tỷ lệ bao phủ đã đạt 90% dân số. Tính riêng từ năm 2015 đến năm 2019, toàn quốc tăng khoảng 15 triệu người tham gia BHYT. Chất lượng khám chữa bệnh (KCB) BHYT ngày càng được cải thiện, nhiều loại thuốc mới, kỹ thuật, dịch vụ y tế hiện đại khi đưa vào Việt Nam đều nhanh chóng được quỹ BHYT chi trả, tạo điều kiện cho người bệnh tiếp cận thuận lợi, đảm bảo nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia. Chính sách BHYT đã góp phần giảm chi trực tiếp từ tiền túi hộ gia đình cho dịch vụ y tế. Thống kê đến năm 2018, tỷ lệ này đã giảm xuống còn 37%, góp phần tạo nên sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe, nhất là với nhóm người nghèo, cận nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn phát biểu tại hội nghị
Bên cạnh đó, theo báo cáo của Bộ Y tế, 5 năm qua, việc thực hiện chính sách BHYT có sự vào cuộc, phối hợp của cả hệ thống chính trị ở Trung ương và địa phương. Cải cách TTHC trong lĩnh vực BHYT được đẩy mạnh, người dân ngày càng thuận lợi do số cơ sở y tế ký hợp đồng KCB BHYT tăng hàng năm cùng với việc nâng cao chất lượng. Người tham gia cũng được tạo điều kiện trong KCB BHYT ban đầu tại bất kỳ cơ sở y tế tuyến xã trong phạm vi tỉnh và tuyến huyện trong phạm vi toàn quốc. BHXH Việt Nam, BHXH các địa phương đã chủ động và tích cực cải cách hành chính trong lĩnh vực BHYT như ứng dụng CNTT trong khai báo, lập danh sách, tổ chức đại lý, thanh toán trực tiếp chi phí, phản hồi, cung cấp thông tin… đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.
Những năm qua, công tác tuyên truyền BHYT với nhiều hoạt động và nội dung phong phú đem lại hiệu quả tích cực. Tổ chức hệ thống và đội ngũ cán bộ làm công tác BHYT được củng cố và phát triển. Đặc biệt, chính sách BHYT đã góp phần củng cố và phát triển hệ thống y tế (nhất là y tế cơ sở), nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu. Ngoài ra, BHYT còn giúp khôi phục và phát triển hệ thống y tế trường học, góp phần ổn định hệ thống an sinh xã hội…
Có thể thấy những kết quả, thành tựu trong thực hiện Luật BHYT 5 năm qua là rất lớn, tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng nhận định, thực tiễn quá trình thực hiện Luật BHYT vẫn còn một số tồn tại, bất cập trong quy định và trong tổ chức thực hiện Luật. Các văn bản hướng dẫn còn thiếu cụ thể, thiếu đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác, gây ra những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước cũng như tổ chức thực thi pháp luật. Công tác tổ chức thực hiện vẫn còn hạn chế do năng lực, cơ sở vật chất, đội ngũ nhân viên chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn phát sinh. Một số vấn đề trọng tâm trong chính sách BHYT cũng cần được nghiên cứu, đánh giá và có các giải pháp phù hợp với thực tiễn như: phát triển đối tượng tham gia BHYT; quyền lợi của người tham gia BHYT; tổ chức khám chữa bệnh BHYT; phương thức thanh toán chi phí KCB BHYT; công tác giám định; quản lý và sử dụng quỹ BHYT…
“Vì vậy, ngày 22/5/2018, Bộ Y tế ban hành Kế hoạch số 453/KH-BYT xây dựng dự án Luật BHYT sửa đổi để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật BHYT sửa đổi phù hợp với tình hình mới. Tháng 12/2018, Bộ Y tế đã thành lập Ban soạn thảo để xây dựng dự án Luật BHYT sửa đổi”- Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn thông tin.
Về dự thảo Luật BHYT sửa đổi được Bộ Y tế xây dựng có 12 chương, 61 điều. Mục tiêu sửa đổi nhằm: khắc phục các tồn tại, bất hợp lý sau 10 năm thực hiện Luật BHXH; đổi mới chính sách, pháp luật về BHYT trên cơ sở có kế thừa chọn lọc những quy định hiện hành về chính sách BHYT, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, học tập bài học kinh nghiệm về BHYT trên thế giới; đồng bộ với những quy định tại các luật có liên quan.
Tại Hội nghị, các đại biểu, chuyên gia đã thảo luận, góp ý về nhiều nội dung trong Dự thảo luật như: Điều chỉnh quyền lợi BHYT; kiểm soát chi phí KCB BHYT; điều chỉnh mối quan hệ giữa cơ sở cung ứng dịch vụ và cơ quan BHXH; về tổ chức hệ thống giám định BHYT và thành lập Hội đồng tư vấn quốc gia BHYT. Một số vẫn đề kỹ thuật cũng được thảo luận để đảm bảo tính chính xác, đẩy đủ của các khái niệm, thuật ngữ được nêu trong Dự thảo luật như: gói dịch vụ y tế cơ bản, BHYT xã hội, BHYT bổ sung, đánh giá công nghệ y tế (HTA)…
TT