Lời khuyên cho doanh nghiệp xuất khẩu thanh long sang Ấn Độ năm 2022

10:42 15/01/2022

Ấn Độ - đất nước đông dân bậc nhất thế giới đang có nhu cầu nhập khẩu Thanh Long của Việt Nam với những nguyên do cả khách quan lẫn chủ quan.

Quả Thanh Long ở Ấn Độ

Quả Thanh Long ở Ấn Độ. (Ảnh: Health & Healthier)

Cụ thể, Ấn Độ là thị trường gần 1,4 tỷ dân; tỷ lệ người ăn chay rất nhiều và thói quen ăn uống với trái cây là một phần quan trọng trong khẩu phần ăn hàng ngày của người dân Ấn Độ. Trong năm tài chính 2020 - 2021, Ấn Độ nhập khẩu hoa quả, hạt tươi khoảng 3,2 tỷ USD và xuất khẩu 1,34 tỷ USD. Trong 7 tháng đầu năm tài chính 2021-2022, Ấn Độ nhập khẩu 2,17 tỷ USD, tăng 26,71% so với cùng kỳ. Về trái thanh long, Ấn Độ nhập khẩu 95% từ Thái Lan, Malaysia, Việt Nam và Sri Lanka, trong đó Việt Nam chiếm tỷ lệ chủ yếu. Người Ấn Độ đánh giá khá tốt trái thanh long, vì có lợi cho sức khỏe, hương vị thơm, nhiều dinh dưỡng. Năm 2019-2020 xuất khẩu thanh long từ Việt Nam sang thị trường Ấn Độ tăng gần 100% so với năm trước ở mức 11,758 nghìn tấn, kim ngạch 9,86 triệu USD, năm 2020-2021 kim ngạch xuất khẩu giảm khoảng 25% so với năm trước. Trong 7 tháng đầu năm tài chính 2021-2022, Ấn Độ nhập khẩu thanh long từ Việt Nam đạt kim ngạch 5,98 triệu USD (trong số 6,85 triệu USD từ các nước), tăng 211,31% so với cùng kỳ.

Chính phủ Ấn Độ đã mở cửa thị trường cho phép sản phẩm thanh long được nhập khẩu và tiêu thụ tại thị trường nội địa, tuy nhiên thách thức lớn nhất ở thời điểm hiện tại là Ấn Độ cũng đã triển khai trồng và bắt đầu xuất khẩu trái thanh long. Do đại dịch Covid làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, chi phí vận chuyển tăng cao (tăng gần 10 lần kể từ trước đại dịch), dẫn đến các mặt hàng nông sản có giá trị thấp làm giảm sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Đảm bảo yêu cầu về chất lượng hàng hóa là điều kiện tiên quyết để giữ được khách hàng và mở rộng thị trường. Hiện tại đại dịch Covid 19 đang bùng phát trở lại tại Ấn Độ, doanh nghiệp cần thường xuyên liên hệ với đối tác Ấn Độ để cập nhật diễn biến về tình hình dịch bệnh Covid- 19 tại Ấn Độ và các biện pháp phong tỏa của chính quyền địa phương; gần đây một số địa phương đã ban hành lệnh phong tỏa cục bộ vào các ngày cuối tuần. Cùng với đó, kiểm tra tình trạng giao nhận hàng hóa, tiến trình thực hiện hợp đồng thương mại, việc thực hiện giãn cách xã hội và làm việc tại nhà có thể ảnh hưởng đến hoạt động thông quan hàng hóa. Với các hợp đồng đã có, cần trao đổi với đối tác đàm phán lại các điều khoản hợp đồng, điều kiện giao hàng, thanh toán và ghi rõ các trường hợp bất khả kháng.

Đối với các đơn hàng mới xem xét áp dụng các điều khoản thanh toán an toàn, có lợi cho doanh nghiệp, thường xuyên giữ liên lạc với đối tác, đơn vị vận chuyển…tuyệt đối không sử dụng các phương pháp thanh toán trả chậm, DA/DP… Tăng cường sử dụng các giao dịch điện tử nhưng cũng cần ký kết hợp đồng mua bán đầy đủ, đúng quy định, tránh chỉ sử dụng bằng Email, tin nhắn đã thực hiện hợp đồng kinh doanh.

Đỗ Nhung