Kỷ nguyên cảu mạng xã hội
Khi Myspace ra đời năm 2003, mạng xã hội này đã mau chóng thu hút được 1 triệu rồi 25 triệu người dùng trong hai năm tiếp theo để trở thành nền tảng thống trị cả thế giới, có hơn 100 triệu người dùng mỗi tháng ở giai đoạn đỉnh cao.
Nhưng những người làm ra nó đã không thể ngờ rằng, trong khuôn viên trường Harvard, một mạng xã hội được lập trình bởi vài sinh viên đã âm thầm ra mắt. Và cũng chỉ ít năm sau, cả thế giới nhắc đến Facebook của nhóm Mark Zuckerberg, còn Myspace dần lụi tàn và chỉ còn là cái bóng mờ của quá khứ.
Ngày nay, không thể phủ nhận Facebook đã đem đến cơ hội kết nối cho cả tỷ người trên hành tinh xanh, nhưng nó cũng trở thành nơi lan truyền mạnh mẽ nhất của tin giả, thuyết âm mưu, vi phạm bản quyền, ngôn ngữ thù hằn dưới sự áp chế riêng về mặt luật chơi gọi là Tiêu chuẩn cộng đồng.
Facebook có toàn quyền quyết định và thay đổi các tiêu chuẩn này, tái định nghĩa những chuẩn mực trên mạng xã hội mà có thể đi ngược lại những giá trị chuẩn mực đạo đức căn bản, thậm chí là thách thức cả những nhà lập pháp phương Tây khi bị cáo buộc thao túng nền dân chủ và chính trị nơi đây.
Và thay vì cải thiện tính công khai minh bạch cũng như tuân thủ luật pháp, những điều mà Facebook làm trong những năm qua lại là tranh thủ thu thập càng nhiều thông tin người dùng càng tốt để phục vụ mục đích bán quảng cáo, dựa trên quan điểm của CEO Mark Zuckerberg từng chia sẻ hồi năm 2010: “Quyền riêng tư không còn là một chuẩn mực xã hội”.
Theo thời gian, người dùng các nền tảng công nghệ nói chung đã quen dần với việc quyền riêng tư trở thành thứ gì đó rất dễ xâm phạm trên môi trường Internet. Nhưng phải đến khi những vụ bê bối lớn như Cambridge Analytica bị phanh phui năm 2018, tầm quan trọng của việc bảo vệ dữ liệu cá nhân mới được quan tâm đúng mực.
Nhận thức này đang có sự tiến bộ từng ngày ở các nước phương Tây. Thật vậy, Facebook đang đối mặt với tương lai bất ổn hơn bao giờ hết khi Apple thay đổi chính sách cảnh báo thu thập thông tin người dùng trên các dòng sản phẩm iOS. Bản thân Apple cũng đang phải đối mặt với vụ kiện về quyền riêng tư ở châu Âu, dựa trên những quy định mới của Liên minh châu Âu (EU).
Điều này cho thấy, các gã khổng lồ công nghệ thế giới sẽ khó có thể mặc sức sử dụng thông tin cá nhân của người dùng một cách vô điều kiện, vô thời hạn và xuyên biên giới được nữa.
Sử dụng mạng xã hội có chọn lọc
Từ thực tiễn đó, một đòi hỏi về mạng xã hội thế hệ mới là điều tất yếu sẽ phải xảy ra. Trên thực tế, điều này đang âm thầm diễn ra khi hàng triệu người dùng dần dần rời bỏ chốn xô bồ Facebook để tìm đến các mạng xã hội nhỏ hơn, gọi là các mạng xã hội thay thế (alt-tech). Và đến một thời điểm đủ sức bật, những mạng xã hội tư duy cũ sẽ phải thay đổi hoặc thoái trào.
Điều này nghĩa là, mỗi nhà phát triển nền tảng đều có thể tạo ra mạng xã hội thế hệ mới, miễn là nó có tư duy mới, mở, đặt lợi ích người dùng lên trên hết và công khai luật lệ, tuân thủ pháp luật. Một vài ứng viên nổi lên thời gian gần đây như MeWe, Uhive, Stallios hay SocialX đang cho thấy sự đi đầu trong việc đặt ra những chuẩn mực mới của mạng xã hội.
Chẳng hạn, các nền tảng này đặt mục tiêu bảo vệ quyền riêng tư lên hàng đầu bằng cách không thu thập thông tin người dùng để bán quảng cáo, tin nhắn cá nhân không được lưu trữ trên server, người dùng được trả tiền chứ không phải bị bào tiền… Nói cách khác, mạng xã hội thế hệ mới phải đặt người dùng ở trung tâm của sự sáng tạo và chia sẻ sòng phẳng lợi ích với người dùng, đồng thời vẫn phải tuân thủ chặt chẽ luật pháp bản xứ và tạo niềm tin về sự minh bạch cho người dùng.
Tất nhiên, những mạng xã hội mới này cũng sẽ không tránh khỏi việc trở thành nơi tuyên truyền quan điểm sai trái hay lan truyền tin giả. Bởi xét cho cùng, chính sự đóng góp, kiến tạo (cả về mặt kỹ thuật lẫn phi kỹ thuật) của người dùng mới là thứ định hình nên mạng xã hội, không phải điều ngược lại đang xảy ra. Những thứ này khi được tập hợp một cách có chiều sâu, toàn vẹn, nguyên bản sẽ tạo nên giá trị độc nhất cho các mạng xã hội thế hệ mới.
Và vai trò chính yếu của các nhà phát triển nền tảng là phải kiểm soát được người dùng, thông tin hoặc những thay đổi gây hại cho cộng đồng. Nhưng kiểm soát như thế nào chính là câu hỏi mà các nhà phát triển nền tảng phải trả lời được trước khi nghĩ đến việc tạo ra mạng xã hội thế hệ mới.
Đó có thể là sử dụng AI, Big Data, công nghệ blockchain hay bất cứ công nghệ nào giúp định hình một mạng xã hội văn minh, chuẩn mực, nơi ứng xử giữa người với người được tôn trọng, và mọi người sử dụng đều thượng tôn pháp luật như đang sống trong một xã hội thật.
Myspace đã thất bại vì trượt dài bởi chủ sở hữu mới, những người tìm mọi cách bán quảng cáo mà không quan tâm đến công nghệ và người dùng. Và giờ đây khi bánh xe lịch sử vẫn tiếp tục quay, những mạng xã hội cả cũ lẫn mới phải mau chóng bắt kịp hoặc bị bật ra khỏi thế giới công nghệ vẫn đang thay đổi từng ngày.
Mạng xã hội Việt Nam bắt kịp xu thế
Theo số liệu của Tổ công tác thúc đẩy hệ sinh thái số Việt Nam (Bộ TT&TT), tính đến cuối năm 2018, các nền tảng mạng xã hội phổ biến tại Việt Nam là Facebook, YouTube, Instagram, Zalo và Mocha. Trong đó, chỉ có 2 doanh nghiệp Việt là Zalo và Mocha có quy mô đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.
Ở thời điểm đó, mạng xã hội lớn nhất là Facebook có 60 triệu người sử dụng tại Việt Nam. Cùng thời gian, Zalo có khoảng 40 triệu người dùng còn Mocha có khoảng 4,5 triệu người sử dụng.
Đến thời điểm hiện tại, ngoài những doanh nghiệp kể trên, các nền tảng mạng xã hội phổ biến tại Việt Nam giờ đây đã xuất hiện thêm 2 cái tên mới là Gapo, Lotus (cùng ra mắt năm 2019).
Theo thống kê của VietNamNet, tính đến tháng 11/2020, Zalo hiện là mạng xã hội nội địa lớn nhất Việt Nam với khoảng 60 triệu người dùng. Xếp sau nền tảng này lần lượt là Mocha (12 triệu thành viên), Gapo (6 triệu thành viên) và Lotus (2,5 triệu thành viên).
Đây không phải tổng số tài khoản đăng ký (account) mà là tổng số người dùng hoạt động hàng tháng (Monthly Active Users - MAU). Chỉ số này là công cụ đo lường phổ biến cho thấy mức độ tương tác của người dùng đối với một một sản phẩm trên môi trường Internet.
Như vậy, chỉ sau hơn 2 năm, Việt Nam giờ đây đã có 4 nền tảng mạng xã hội có trên 1 triệu thành viên. Đây là quy mô tối thiểu để một mạng xã hội trong nước được xem là có đủ tiềm lực cạnh tranh với các nền tảng ngoại.
Ngoài số lượng mạng xã hội có tiềm lực mạnh đã tăng lên gấp đôi, còn một vấn đề đáng lưu tâm khác khi nhìn vào số liệu tăng trưởng của các mạng xã hội Việt Nam.
Chỉ sau có 2 năm, mạng xã hội Zalo đã tăng thêm 20 triệu thành viên, gấp 1,5 lần năm 2018. Với Mocha, tuy lượng người sử dụng chưa hẳn đã nhiều, thế nhưng quy mô của nền tảng này đã tăng tới 2,67 lần so với chỉ 2 năm trước đó. Những nền tảng còn lại như Gapo, Lotus cũng đã ít nhiều cho thấy tiếng nói của mình chỉ sau hơn 1 năm hoạt động.
Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới hàng trăm diễn đàn như Tinhte (16 triệu lượt truy cập/tháng), Voz (11 triệu lượt truy cập/tháng), Webtretho (7 triệu lượt truy cập/tháng) hay Otofun (2 triệu lượt truy cập/tháng),... Đây là những đại diện tiêu biểu cho sức sống bền vững của các nền tảng mạng xã hội truyền thống.
Những số liệu kể trên đã cho thấy, trong năm 2020, các mạng xã hội Việt Nam không chỉ tăng trưởng về lượng mà đã có sự thay đổi mạnh cả về chất. Đây chính là tiền đề quan trọng cho sự phát triển của các doanh nghiệp nội và xa hơn là cả nền kinh tế số Việt Nam.
Lối đi nào cho mạng xã hội Việt Nam trong năm tới
Các mạng xã hội Việt ra mắt thời gian gần đây như Lotus hay Gapo đang phát triển theo hướng đi ngách và đã thu hút được lượng người dùng nhất định nhờ những chính sách tuân thủ luật pháp, tôn trọng người dùng, kiểm duyệt nội dung xấu độc…
Nhưng khi vị thế của Facebook bị lung lay dữ dội trong thời gian qua, chính TikTok mới nổi lên là ứng viên thay thế chứ không phải mạng xã hội nào khác. TikTok là nơi đã tạo ra các trào lưu gây bão toàn cầu để phá vỡ thế độc quyền của Facebook hay YouTube và buộc các ông lớn công nghệ thi nhau tạo ra các tính năng ‘nhái’.
Tại Việt Nam, số liệu thống kê chưa đầy đủ cho thấy TikTok có khoảng 12 triệu người dùng, tập trung chủ yếu vào nhóm Gen Z (thế hệ sinh ra trong khoảng năm 1996-2005). Điều này cho thấy, người Việt chưa chắc sẽ chọn sản phẩm Việt nếu Facebook thoái trào trên toàn cầu.
Có nhiều lý do dẫn tới thực trạng này, nhưng nếu chỉ chăm chăm nhìn vào những đối thủ lớn và coi đó là đối thủ cạnh tranh trực tiếp, mạng xã hội Việt sẽ khó đương cự được với dòng tiền khổng lồ được đối thủ bơm vào để chi phối thị phần.
Như lời Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã chia sẻ trước Quốc hội, mạng xã hội trong nước sẽ tiếp tục đánh mạnh vào các thị trường ngách với bốn điểm khác biệt, từ đó tạo ra một hệ sinh thái số đáp ứng yêu cầu người sử dụng. Bốn điểm khác biệt của mạng xã hội Việt trong thời gian tới là: Mạng xã hội đóng vai trò là nền tảng nên sẽ chia sẻ doanh thu với người dùng; Mạng xã hội có công cụ chọn lọc ngay từ đầu, đảm bảo nền tảng sạch; Mạng xã hội công khai thuật toán với người dùng; Mạng xã hội sẽ cho phép phát triển các nền tảng con trên nền tảng mẹ, để có thể phát triển các cộng đồng nhỏ mang tính văn hóa riêng biệt.
Do đó, chỉ có hướng đi tắt đón đầu phát triển mạng xã hội thế hệ mới, từ đó tạo ra khác biệt để thu hút người dùng cũng như các nhà đầu tư, mạng xã hội Việt mới có thể tạo ra bứt phá. Nếu không, cuộc chơi mạng xã hội ở Việt Nam sẽ mãi thuộc về những vị khách không mời mà đến.
TH