Lộ diện người tư vấn
Quá trình thu thập tài liệu để xây dựng tuyến bài về thoái vốn nhà nước đối với Công ty CP Đầu tư Phát triển Nhà và Xây dựng Tây Hồ (gọi tắt là Công ty Tây Hồ), PV đã thu thập được bản Hợp đồng tư vấn số 03/2020/HĐTV/FAITH-TH ký kết ngày 29/9/2019 giữa bên cung cấp dịch vụ là Công ty Luật TNHH FIATH và bên thuê dịch vụ là Công ty Tây Hồ. Theo hợp đồng này, Bên A là Công ty Luật TNHH FIATH do ông Luật sư Phan Quốc Thắng là người được ủy quyền đại diện, có trách nhiệm tư vấn, soạn thảo văn bản cho Bên B là Công ty Tây Hồ và khách hàng nhận chuyển nhượng dự án các thủ tục chuyển nhượng hạ tầng dự án; hợp đồng kinh tế; hợp đồng chuyển nhượng; hợp đồng hợp tác đầu tư, đại diện cho Bên B làm việc với các cơ quan nhà nước và giải quyết các quan hệ phát sinh trong quá trình chuyển nhượng hạ tầng dự án, các việc liên quan sau khi chuyển nhượng hạ tầng dự án và hợp tác đầu tư với bên thứ ba.
Hợp đồng tư vấn trị giá 2 tỷ đồng không qua khâu chào hàng cạnh tranh.
Công ty Tây Hồ là doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, hiện đang có 50,09% cổ phần của Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội-CTCP (thuộc Bộ Xây dựng). Ngày16/6/2020, Bộ Xây dựng đã có văn bản số 2887/ BXD-QLDN về việc chủ trương thoái vốn của Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội-CTCP tại Công ty Tây Hồ. Theo đó, toàn bộ vốn của Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội-CTCP tại Công ty Tây Hồ sẽ được thoái toàn bộ (tương đương 50,09% vốn điều lệ của Công ty Tây Hồ) bằng phương thức đấu giá công khai trên Sàn Giao dịch chứng khoán theo quy định của pháp luật hiện hành, đảm bảo hiệu quả, công khai, minh bạch, không làm thất thoát tài sản, vốn của doanh nghiệp. Mặc dù có văn bản chỉ đạo nêu trên của Bộ Xây dựng do Thứ trưởng Bùi Phạm Khánh ký chưa kịp ráo mực, Công ty Tây Hồ đã ký kết Hợp đồng Hợp tác đầu tư số 01/2020/HĐHTĐT ngày 29/7/2020, Hợp đồng Hợp tác đầu tư số 02/2020/HĐHTĐT ngày 04/8/2020 với Công ty Cổ phần Phát triển và Đầu tư Thăng Long Land (gọi tắt là Công ty Thăng Long Land) với tổng giá trị của cả 2 hợp đồng này là 180 tỷ đồng.
Theo đó, Công ty Tây Hồ thu về 171,1 tỷ đồng chỉ để lại 8,9 tỷ đồng tương đương 5% vốn góp trong hợp đồng hợp tác đầu tư. Việc ký kết này, Công ty Tây Hồ không xin ý kiến Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội-CTCP là trái với Quy chế hoạt động của Người đại diện Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội-CTCP tại doanh nghiệp, không được Chủ tịch HĐQT công ty đồng thuận và không thông qua Đại hội đồng cổ đông là trái với Điều lệ công ty... nên hai hợp đồng này bị đánh giá là không đủ pháp lý.
Mặt khác, hình thức hợp đồng là hợp tác đầu tư nhưng các điều khoản cụ thể lại thể hiện đầy đủ những dấu hiệu cơ bản của việc chuyển nhượng dự án, các quyền cơ bản như: việc quyết định về đầu tư tiếp; chấm dứt đầu tư; chuyển nhượng hạng mục đầu tư và các quyền tại dự án; rút vốn; hợp tác đầu tư; khai thác kinh doanh; huy động vốn; đơn phương chấm dứt hợp đồng…(điểm e khoản 11.1 Điều 11 Hợp đồng) đều do bên Công ty Thăng Long Land quyết định (do chiếm 95% cổ phần sau khi góp vốn). Pháp nhân dự án, quyền tổ chức quản lý, quyết định mọi việc liên quan đến đầu tư xây dựng, hạch toán tài chính (khoản 5.2 Điều 5 của Hợp đồng) … đều bị rơi vào tay Công ty Thăng Long Land. Thậm chí, Công ty Thăng Long Land còn quyền có đem quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền đầu tư khai thác, quyền kinh doanh, quyền đối với tài sản hình thành trong tương lai... để đưa thế chấp, bảo đảm cho vay vốn (khoản 5.1 Điều 5 của Hợp đồng).
Điều đáng nói, hai bên chỉ góp vốn vào phần tổng giá trị đầu tư tại hạng mục đầu tư (180 tỷ đồng) nhưng phía Công ty Thăng Long Land lại được quyền quyết định đến QSD đất và là Pháp nhân dự án. Với những điều khoản như vậy, rõ ràng đây là Hợp đồng rất bất lợi cho Công ty Tây Hồ.
Hai bản hợp đồng nêu trên được ký kết có dấu hiệu gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng là rất nghiêm trọng, và không thể không tính tới trách nhiệm của đơn vị đã tư vấn cho Công ty Tây Hồ và Công ty Thăng Long Land ký kết, thực hiện hai Hợp đồng Hợp tác đầu tư số 01 và 02 nêu trên. Hiện Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Bắc Ninh đang xem xét hàng loạt vụ việc có dấu hiệu vi phạm xảy ra tại Công ty Tây Hồ, trong đó có vụ việc này.
Hợp đồng tư vấn pháp luật không chuẩn về luật?
Như trên đã nêu, Hợp đồng tư vấn số 03/2020/HĐTV/FAITH-TH ký kết ngày 29/9/2019 giữa Công ty Luật TNHH FIATH và Công ty Tây Hồ có nội dung quy định thù lao Luật sư là 2 tỷ đồng. Căn cứ nội dung Hợp đồng tư vấn này cho thấy, đây là loại hợp đồng cung cấp dịch vụ pháp lý, nhưng đáng tiếc, khi xem xét về khía cạnh pháp lý lại phát hiện thấy hợp đồng này có nhiều dấu hiệu chưa tuân thủ quy định của pháp luật.
Công ty Tây Hồ là doanh nghiệp có sử dụng vốn nhà nước, để thuê dịch vụ tư vấn bắt buộc phải thực hiện khâu lựa chọn nhà thầu. Mặt khác, hợp đồng này có giá trị 2 tỷ đồng là vượt quá gấp 4 lần hạn mức chỉ định thầu quy định tại khoản 1 Điều 54 Nghị Định 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thực hiện một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu. Do đó, trường hợp này phải thực hiện phương pháp “chào hàng cạnh tranh” mới đúng quy định của Điều 23 Luật Đấu thầu.
Được biết, người thay mặt Công ty Luật TNHH FAITH ký kết hợp đồng cũng đồng thời là người thực hiện các phần công việc theo hợp đồng này là ông Phan Quốc Thắng. Ông Phan Quốc Thắng cũng chính là người được ông Nguyễn Tấn Hoàng- Chủ tịch HĐQT ký quyết định bổ nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc Công ty Tây Hồ mới đây khi chưa có ý kiến của Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội- CTCP như các bài báo doanhnghiephoinhap,vn đã đăng tải.
Nhóm Phóng viên PL