Theo báo chí Lào, mặc dù diện tích trồng và doanh thu từ ngành cao su mang lại tương đối lớn, tuy nhiên 100% cao su sản xuất tại nước này đến nay đều được xuất khẩu dưới dạng thô do không có nhà máy chế biến trong nước. Lào cũng không tuân theo bất kỳ tiêu chuẩn cụ thể nào về chất lượng cao su, do nước này vẫn chưa có phòng thí nghiệm để kiểm tra và chứng nhận xem cao su xuất khẩu có đạt các tiêu chuẩn do Bộ Khoa học, Công nghệ Lào đề ra hay không.
Để góp phần giải quyết vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội Cao su Lào, ông Bounthong Buahom và Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam, ông Trần Ngọc Thuận cuối tuần qua đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) nhằm giúp ngành cao su của cả hai nước phát triển và đạt được các mục tiêu bền vững.
Theo MOU nêu trên, hai hiệp hội cao su sẽ chia sẻ các bài học về kinh nghiệm phát triển; hỗ trợ các công ty cao su Việt Nam hoạt động tại Lào sản xuất cao su trên cơ sở bền vững, hướng tới đạt được chứng nhận bền vững và tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực đã thống nhất để mỗi bên đều có lợi.
Hai bên cũng cho rằng, Hiệp hội Cao su Lào cần tăng cường hỗ trợ và thu hút thêm nhiều công ty chế biến mủ cao su theo tiêu chuẩn, nhằm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu cho Việt Nam và các nước khác. Việc trồng cây cao su ở Lào đã phát triển nhanh chóng từ năm 2000-2010, khi giá trị của cây cao su cao và chính phủ khuyến khích đầu tư nước ngoài.
Đến nay, Lào có khoảng 300.000ha cao su, 46% trong đó do các công ty nước ngoài điều hành theo thỏa thuận nhượng quyền, 24% theo thỏa thuận hợp tác với các cá nhân và 30% thuộc sở hữu của người dân địa phương.
Đến nay, khoảng 85% tổng số cây cao su trồng ở Lào đã có thể thu hoạch. Các thị trường xuất khẩu cao su chính của Lào là Trung Quốc và Việt Nam. Cao su là một trong bốn dự án lớn của Chính phủ Lào, được đưa vào Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội quốc gia giai đoạn 2016-2021 và tầm nhìn 2025-2030. Hiện, cao su đang là một trong 10 mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Lào. Năm 2022, xuất khẩu từ mặt hàng này đã đem lại nguồn thu trên 650 triệu USD cho đất nước Lào.
Ngọc Phi (TH)