Bài liên quan |
Lào Cai đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP 2025 trên 10% |
Lào Cai đón hơn 56.000 lượt khách du lịch trong kỳ nghỉ Tết Dương lịch |
Các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam đang chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ với hàng loạt dự án giao thông trọng điểm, trong đó có tuyến đường kết nối nghìn tỉ giữa Lào Cai và Lai Châu, cùng nhiều dự án cải tạo, nâng cấp hạ tầng khác, được kỳ vọng hoàn thành vào năm 2025.
Tuyến đường nghìn tỉ này nằm trong dự án kết nối các tỉnh miền núi phía Bắc với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Chính phủ Australia tài trợ. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 6.018 tỉ đồng, bao gồm hai tuyến đường chính: tuyến số 1 dài 147 km, nối Lai Châu với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, và tuyến số 2 dài 53 km, nối thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) với cao tốc này. Mặc dù khởi công từ năm 2021, đến nay khối lượng công việc mới đạt khoảng 40%.
Theo đại diện Ban Quản lý Dự án 2 (Bộ Giao thông Vận tải), các nhà thầu đang phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư để tháo gỡ những khó khăn phát sinh, cam kết hoàn thành toàn bộ tuyến vào ngày 30/6/2025.
Lào Cai: Nhiều dự án giao thông sẽ hoàn thành trong năm 2025 |
Song song với dự án lớn này, tỉnh Lào Cai đang đẩy nhanh tiến độ nhiều dự án giao thông quan trọng khác. Tỉnh lộ 160, đoạn từ Quốc lộ 279 đến Xuân Thượng, huyện Bảo Yên, với chiều dài 22 km, được khởi công cuối năm 2023 và có tổng mức đầu tư 138 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành vào tháng 4/2025.
Hiện tại, các hạng mục như thi công nền đường, hệ thống cống và tường chắn taluy đang được tiến hành khẩn trương. Một dự án khác là tuyến đường Bản Xèo – Dền Sáng – Y Tý, dài 33,58 km, có tổng vốn đầu tư 200 tỉ đồng từ ngân sách Trung ương và địa phương, cũng đang được thi công gấp rút để hoàn thành trong năm 2025. Đặc biệt, tuyến đường vành đai 2 tại Bắc Hà, với vốn đầu tư hơn 300 tỉ đồng, dù khởi công từ năm 2019, nhưng do gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng nên phải lùi thời gian hoàn thành đến tháng 5/2025. Những ngày đầu năm 2025, tại hiện trường các dự án, không khí làm việc vô cùng khẩn trương, với sự tham gia của hàng loạt máy móc và công nhân.
Những thách thức lớn nhất trong việc triển khai các dự án giao thông tại khu vực này là công tác giải phóng mặt bằng, điều kiện địa hình phức tạp và ảnh hưởng từ thời tiết.
Tuy nhiên, chính quyền địa phương đã nỗ lực đưa ra các biện pháp đồng bộ như tuyên truyền, vận động người dân bàn giao đất sớm và hỗ trợ tích cực cho các nhà thầu. Đồng thời, các ban quản lý dự án đã chỉ đạo đơn vị thi công tranh thủ thời tiết thuận lợi, huy động tối đa nguồn lực để đảm bảo tiến độ. Khi hoàn thành, các dự án này không chỉ tạo nên hệ thống giao thông đồng bộ, kết nối các tỉnh miền núi với vùng đồng bằng, mà còn mở ra cơ hội lớn cho việc phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, thúc đẩy du lịch và cải thiện đời sống người dân. Đây sẽ là bước đột phá hạ tầng, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của khu vực miền núi phía Bắc.