Lạm phát, nợ xấu và chi phí vốn 'kìm' lãi suất giảm sâu

00:00 12/10/2020

Từ tháng 2 đến nay, lãi suất huy động và cho vay ở tất cả các kỳ hạn liên tục được các ngân hàng điều chỉnh giảm. Tuy nhiên, theo giới phân tích, lãi suất sẽ khó giảm sâu do lạm phát, nợ xấu và chi phí vốn ở các ngân hàng có nguy cơ tăng.

lai-suat-9230-1586153786.jpg

Việc giảm lãi suất cho vay có thể sẽ diễn ra trên diện rộng trong thời gian tới (Ảnh minh hoạ: Internet)

Sau động thái giảm mạnh lãi suất cho vay, kể từ cuối tuần qua, hàng loạt ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất huy động ở hầu hết các kỳ hạn, trong đó ở kỳ hạn dài trên 12 tháng, có nơi giảm tới 0,55% so với tháng 3.

Giảm mạnh lãi huy động

Biểu lãi suất huy động mới công bố của 4 ngân hàng có vốn nhà nước đã có sự thay đổi ngay trong đầu tháng 4. Đơn cử Vietcombank, lãi suất kỳ hạn 36 tháng - 60 tháng giảm từ 6,8%/năm xuống còn 6,5%/năm; kỳ hạn 12 tháng giảm từ 6,8%/năm xuống 6,6%/năm, kỳ hạn 6 tháng giảm 0,2%/năm xuống còn 5,1%/năm.

Tương tự, tại VietinBank, lãi suất kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng giảm mạnh xuống còn 5,1%/năm, các kỳ hạn 12, 24 đến dưới 36 tháng vẫn được duy trì mức 6,8%/năm. Tại BIDV, lãi suất kỳ hạn 13 tháng - 36 tháng giảm xuống còn 6,6%/năm, chỉ có kỳ hạn 364 ngày và 12 tháng có mức lãi suất cao nhất 6,8%/năm.

Xu hướng giảm lãi suất huy động cũng diễn ra tại các ngân hàng tầm trung và nhỏ. Từ 3/4, Techcombank áp dụng mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm mới, ở mức cao nhất 6,1%/năm đối với kỳ hạn 18 tháng. Các kỳ hạn còn lại tối đa chỉ 6%/năm với khách hàng thường, 6,1%/năm với khách hàng ưu tiên.

ACB cũng vừa công bố biểu lãi suất mới, áp dụng từ ngày 6/4, trong đó lãi suất cao nhất khi gửi tại quầy chỉ còn 7,35%/năm, giảm 0,45%/năm so với hồi giữa tháng 3. Kỳ hạn 12 tháng chỉ duy trì mức lãi suất 6,7-7,0%/năm, giảm 0,3 điểm phần trăm so với lần điều chỉnh gần nhất.

Đáng lưu ý, nhóm ngân hàng thường xuyên niêm yết lãi suất huy động cao nhất thị trường (có thời điểm đạt 8,6-8,8%/năm), trong đợt điều chỉnh này cũng đã giảm mạnh lãi suất kỳ hạn dài xuống dưới 7,5%/năm. Chẳng hạn, lãi suất huy động của VietCapitalBank chỉ là 7,5%/năm đối với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên; kỳ hạn 6 - 11 tháng dao động từ 7 - 7,2%/năm.

Đối với lãi suất tiền gửi online, các ngân hàng cũng điều chỉnh giảm, nhưng biên độ giảm hẹp hơn tiền gửi tại quầy. Nếu như trước kia, chênh lệch tiền gửi tại quầy và online chỉ khoảng 0,1%/năm thì thời điểm này, nhiều ngân hàng đã áp dụng lãi suất tiền gửi online cao hơn khoảng 0,3%/năm so với tiền gửi tại quầy. Việc nới rộng mức chênh lệch này là nhằm khuyến khích khách hàng chuyển sang giao dịch bằng kênh online, hạn chế lây lan dịch Covid-19.

Yêu cầu cấp thiết của thị trường

Theo thông tin hoạt động ngân hàng mới nhất được Ngân hàng Nhà nước công bố, hiện lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,1-0,5%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,3-4,75%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,3-6,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,6-7,4%/năm.

Như vậy, so với đầu tháng, lãi huy động tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng tăng khoảng 0,3 điểm phần trăm. Các khoản tiền gửi kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng cũng tăng 0,25 điểm phần trăm, Với các khoản tiền gửi từ 6 tháng đến dưới 12 tháng, lãi suất phổ biến cao hơn từ 0,5 điểm phần trăm.

Theo đánh giá của các chuyên gia, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, các ngân hàng phải cắt giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân bị ảnh hưởng. Vì vậy, lãi suất huy động giảm là điều tất yếu của thị trường.

Giảm lãi suất huy động là để các nhà băng có thêm dư địa giảm lãi cho vay. Cùng với đó, giảm lãi suất đầu vào cũng là cách giảm áp lực cho các chi phí khác vốn rất khó giảm như: lương nhân viên, chi phí quản lý, chi phí công nghệ thông tin…

Chưa kể, hệ số NIM (chênh lệch giữa thu nhập lãi và chi phí lãi phải trả) ở các ngân hàng đang giảm do các ngân hàng thời gian qua giảm nhanh lãi suất cho vay, nên nếu lãi suất huy động không giảm nhanh sẽ khó đảm bảo ổn định hệ số NIM.

Các chuyên gia cho rằng việc các ngân hàng liên tục giảm lãi suất huy động ở các kỳ hạn từ đầu năm đến nay có thể sẽ tạo ra mặt bằng lãi suất mới trong năm nay, nhưng mức giảm sẽ không nhiều. Chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định lãi suất tại Việt Nam sẽ khó giảm sâu.

Ông Hiếu phân tích: nếu lạm phát năm 2020 của Việt Nam giữ ở mức 3% là quá tốt và thông thường, lãi suất huy động được cộng thêm biên độ khoảng 2% từ mức lạm phát để giữ chân khách hàng. Ngoài ra, nhiều ngân hàng vẫn còn "nuôi" khoản nợ xấu từ nhiều năm trước chưa giải quyết xong...

"Tôi cho rằng trong vòng 3 tháng tới, lãi suất tiền gửi của các ngân hàng thương mại tại Việt Nam cũng chỉ giảm bình quân 0,5%, vì chi phí vốn của các nhà băng cũng không thể giảm mạnh", ông Hiếu nói.

Hoàng Hà