Huyện Krông Năng nằm ở phía đông Bắc tỉnh Đắk Lắk, cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột 55 km, có 12 đơn vị hành chính, gồm 11 xã và 1 thị trấn, có 31 dân tộc anh em cùng chung sống, với dân số 130.000 người. Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong huyện đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu khai thác tốt tiềm năng và lợi thế trên địa bàn để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh, làm thay đổi diện mạo từ vùng trung tâm huyện đến các vùng nông thôn, trở thành một trong những địa phương phát triển năng động, vượt bậc của tỉnh Đắk Lắk.
Cải cách hành chính để phục vụ người dân ngày càng tốt hơn luôn được Đảng bộ, chính quyền huyện Krông Năng đặc biệt quan tâm. |
Năm 2024, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Krông Năng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các mặt công tác, qua đó đạt được những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Trong số 16 chỉ tiêu mà Nghị quyết (NQ) Đảng bộ huyện đề ra, có 14 chỉ tiêu đạt và vượt. Nổi bật là tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất (theo giá so sánh năm 2010) đạt 12,67% (NQ đề ra 7-8%); tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 2.950 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu đề ra 17,06%; tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm 2,06% (NQ đề ra 1,5 - 2%) theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025; phát triển đảng vượt kế hoạch tỉnh giao 8%.
Công tác kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo được tăng cường. Văn hóa - xã hội tiếp tục được quan tâm thực hiện tốt, nhất là thực hiện các chính sách đối với người có công, an sinh xã hội, dân tộc, tôn giáo. Quốc phòng, an ninh được củng cố. Trật tự an toàn xã hội giữ vững. Hoạt động của chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực…
Những năm gần đây, huyện Krông Năng đã đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng phát huy lợi thế của địa phương gắn với nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt là chú trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: cà phê, sầu riêng, mắc ca, hồ tiêu, cao su v.v…
Hiện nay, trong số 42.715 ha cây lâu năm hiện có, thì cà phê chiếm 24.885 ha, năng suất bình quân đạt 30 tạ/ha, sản lượng đạt hơn 65.000 tấn/năm; hồ tiêu có gần 4.000 ha, sản lượng mỗi năm đạt hơn 8.000 tấn; cao su có hơn 2.900 ha, sản lượng đạt khoảng 2.800 tấn/năm. Riêng diện tích cây ăn quả phát triển khá nhanh trong những năm gần đây với 12.456 ha, sản lượng mỗi năm đạt khoảng 11.000 tấn. Đặc biệt, cây Macca đã có hơn 2.450 ha, đứng đầu tỉnh Đắk Lắk về diện tích, trong đó gần 1.000 ha đã cho thu hoạch, năng suất bình quân đạt gần 18 tạ/ha, sản lượng hàng năm đạt khoảng 1.700 tấn. Sản phẩm hạt Macca của huyện, nhất là của Công ty cổ phần DAMACA Nguyên Phương đã có mặt ở nhiều thị trường trong và ngoài nước, như: Pháp, Nhật Bản, Ca Na Đa, Đài Loan, Hàn Quốc và sắp tới là thị trường Mỹ.
Sản phẩm hạt Mắc ca mang nhãn hiệu “Mắc ca Krông Năng” được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản từ cuối năm 2022. |
Ông Nguyễn Văn Mỹ, nguyên Phó bí thư Huyện ủy, nguyên Chủ tịch UBND huyện Krông Năng cho biết: “Để nông nghiệp phát triển bền vững, huyện đã tăng cường ứng dụng công nghệ vào sản xuất; xây dựng và nhân rộng mạnh mẽ các mô hình tổ chức theo chuỗi giá trị. Đáng chú ý là Chương trình Compact đã được triển khai đồng bộ trên địa bàn huyện, với quy mô 23.132 ha cà phê, 3.665 ha hồ tiêu, 5.167 ha cây ăn quả các loại và 8.108 ha rừng, với 19.250 hộ tham gia. Chương trình này hướng đến hình thành vùng nguyên liệu bền vững quy mô lớn huyện Krông Năng (VSA) vào năm 2025 và là một phần trong mục tiêu tổng thể “Vùng nguyên liệu bền vững quy mô lớn tỉnh Đắk Lắk” do Tổ chức sáng kiến thương mại bền vững (IDH/Hà Lan) hỗ trợ”.
Nhờ triển khai thực hiện quyết liệt các chương trình mục tiêu quốc gia, như: xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cùng với việc huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, đến nay huyện đã có 6/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Giao thông đi lại từ trung tâm huyện đến các xã vùng sâu, vùng xa đã thuận tiện hơn trước, với 99% đường huyện và 75% đường xã đã được nhựa hóa hoặc cứng hóa. Số hộ dân trong huyện được sử dụng điện đạt 99%; số thôn, buôn có điện đạt 90% v.v…
Thời gian qua, để kinh tế - xã hội phát triển, huyện Krông Năng đã thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế của địa phương, tăng nguồn thu cho ngân sách. Theo đó, UBND huyện đã bổ sung danh mục thu hút đầu tư trên địa bàn giai đoạn 2021-2025, với 8 dự án, tổng diện tích trên 500ha, dự kiến tổng vốn đầu tư 920 tỷ đồng. Trong đó có Dự án đầu tư xây dựng Điểm du lịch thác Thủy Tiên, xã Ea Púk khoảng 50 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng chợ xã Ea Tóh khoảng 100 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng Khu tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ tại thôn Lộc Tân, xã Phú Lộc khoảng 50 tỷ đồng v.v…
Hiện nay, huyện Krông Năng đang có hơn 310 doanh nghiệp hoạt động, thu hút và tạo việc làm cho gần 3.000 lao động, trong đó có 3 doanh nghiệp nhà nước, gồm: Công ty TNHH MTV Cao su Krông Búk; Công ty TNHH MTV Cà phê 49; Nông trường Cà phê Đliêya (thuộc Công ty TNHH MTV Cà phê Ea Sim). Các doanh nghiệp thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Bên cạnh đó, kinh tế tập thể, kinh tế trang trại tiếp tục được quan tâm hỗ trợ và đầu tư phát triển. Toàn huyện đang có 75 hợp tác xã hoạt động, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 1.500 lao động có mức thu nhập bình quân khoảng 50 triệu đồng/người/năm.
Theo Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Krông Năng nằm trong tiểu vùng phía Bắc (gồm thị xã Buôn Hồ và các huyện Ea H’leo, Krông Năng, Krông Búk, Ea Súp) là tiểu vùng kinh tế đóng vai trò quan trọng trong liên kết phát triển giữa tỉnh Đắk Lắk với các tỉnh Bắc Tây Nguyên, đồng thời là cửa ngõ quan trọng của tỉnh kết nối với các tỉnh vùng Duyên hải miền Trung gắn với hành lang kinh tế Bắc - Nam.
Huyện Krông Năng còn nhiều dư địa và tiềm năng cho các doanh nghiệp đầu tư để phát triển. |
“Với lợi thế, tiềm năng và vị thế đó, Krông Năng đang kỳ vọng có những bứt phá trong thời gian tới để cùng cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Vì vậy, từ năm 2025, huyện sẽ tiếp tục phát huy sức mạnh đoàn kết, tập trung huy động, sử dụng tốt các nguồn lực và thu hút mạnh đầu tư vào địa bàn để phát triển hiệu quả, nhất là phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao giá trị gia tăng. Huyện cũng sẽ thực hiện tốt hơn nữa công tác cải cách hành chính và chuyển đổi số để phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng hiệu quả hơn. Tất cả nhằm nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân”. Bà Nguyễn Thị Thu An - Bí thư Huyện ủy Krông Năng khẳng định./.