Với vị trí địa lý thuận lợi, Lào Cai có vai trò đặc biệt quan trọng trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh-Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng, là “cửa ngõ, cầu nối” hàng hóa hai chiều từ Trung Quốc sang Việt Nam, các nước ASEAN và ngược lại. Bên cạnh lợi thế địa lý để phát triển kinh tế cửa khẩu, Lào Cai cũng có nhiều điều kiện thuận lợi về phát triển giao thông, du lịch và dịch vụ.
![]() |
Hoạt động xuất - nhập khẩu hàng hóa qua Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành. Ảnh Báo Lào Cai. |
Hệ thống cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lào Cai gồm: Cửa khẩu quốc tế đường bộ Lào Cai (Cầu Hồ Kiều 2 bắc qua sông Nậm Thi) có chức năng giải quyết thủ tục xuất nhập cảnh cho công dân của hai nước Việt Nam, Trung Quốc (khách du lịch, cư dân biên giới) và giải quyết thủ tục xuất, nhập cảnh cho công dân của nước thứ ba. Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành (cầu Kim Thành bắc qua sông Hồng) có chức năng chính thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu giữa thương nhân hai nước Việt Nam – Trung Quốc. Đây chính là cửa khẩu chủ lực về xuất nhập khẩu của tỉnh Lào Cai. Những năm qua, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn này luôn chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, Lào Cai còn có cửa khẩu quốc tế đường sắt kết nối từ ga Lào Cai đến ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc) với chức năng xuất nhập khẩu hàng hóa; cửa khẩu Bản Vược, Mường Khương và các lối mở biên giới.
Khu Kinh tế cửa khẩu Lào Cai, được thành lập vào năm 2008, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc. Với tổng diện tích gần 15.929,8 ha, khu kinh tế này bao gồm các phân khu chức năng như khu phi thuế quan, khu cửa khẩu, khu công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, khu giải trí, du lịch và đô thị. Khu Kinh tế cửa khẩu Lào Cai nằm trên hành lang kinh tế Côn Minh - Hà Nội - Hải Phòng, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu và dịch vụ logistics. Hiện tại, khu kinh tế có 61 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kho bãi với tổng diện tích 72,7 ha, trong đó có 5 trung tâm logistics lớn.
Tỉnh Lào Cai đã xác định kinh tế cửa khẩu luôn là 1 trong 4 trụ cột phát triển kinh tế quan trọng của địa phương, bên cạnh công nghiệp chế biến, du lịch và nông nghiệp. Cùng với đẩy nhanh triển khai các quy hoạch trong Khu Kinh tế cửa khẩu, tạo quỹ đất mới và tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng tại cửa khẩu tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp cắt giảm thủ tục hành chính, giải quyết thủ tục nhanh gọn, thông thoáng nhằm phục vụ tốt thông quan hàng hóa. Cùng với đó, Lào Cai xác định đẩy mạnh xúc tiến thương mại trong và ngoài nước với 53 hoạt động được triển khai trong năm 2024 có sự tham gia tích cực của các cơ quan, đơn vị liên quan như Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh Hợp tác xã, Hội Nông dân...
![]() |
Lực lượng chức năng tại Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành trực giải quyết thủ tục hải quan cho doanh nghiệp. Ảnh Báo Lào Cai. |
Theo ông Vương Trinh Quốc, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Lào Cai, trong những năm qua, hoạt động xuất - nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lào Cai tăng trưởng mạnh và ổn định. Kinh tế cửa khẩu luôn đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy giao lưu kinh tế, thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc - ASEAN và ngược lại, đặc biệt là đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lào Cai.
Năm 2024, kinh tế - xã hội của Lào Cai ghi nhận nhiều điểm sáng. Tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 7,38%, cao hơn so với năm 2023 (5,11%). GRDP bình quân đầu người đạt 97,5 triệu đồng, tăng 8,9 triệu đồng so với năm trước. Tổng giá trị XNK qua các cửa khẩu ước đạt 3,625 tỷ USD, tăng 68% so với năm 2023. Theo thông tin từ Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai, trong hơn một tháng đầu năm 2025, XNK hàng hóa qua cửa khẩu Lào Cai khá ổn định, kim ngạch XNK làm thủ tục tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai đạt gần 135 triệu USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 50,6 triệu USD; kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 84 triệu USD.
Ngày 22/12/2024, trong chương trình công tác tại Lào Cai, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai, đánh giá tình hình, kết quả triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu tỉnh Lào Cai tập trung phát triển kinh tế cửa khẩu như một điểm đột phá, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phấn đấu đạt mức tăng trưởng GRDP trên 10% từ năm 2025. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh cần duy trì và đổi mới các động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu, đồng thời tạo đột phá trong các lĩnh vực mới như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số và kinh tế xanh. |
Theo quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì tỉnh Lào Cai được mở và nâng cấp 2 cặp cửa khẩu Mường Khương (Lào Cai) - Kiều Đầu (Vân Nam), Bản Vược (Bát Xát) - Pả Sa (Vân Nam) thành cửa khẩu quốc tế; mở 6 lối thông quan - đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa giữa Lào Cai và Vân Nam, gồm Bản Quẩn - Sơn Yêu, Na Lốc - Mã Hoàng Pao, Lồ Cô Chin - Lao Kha, Hóa Chư Phùng - Seo Pả Chư, Lũng Pô - Lũng Pô Chải và lối thông quan Y Tý - Ma Ngán Chải. Cùng với đó, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, cửa khẩu thông minh giúp nâng cao năng lực thông quan, giảm chi phí logistics qua các cửa khẩu. Đặc biệt, tỉnh Lào Cai đang hướng tới việc hình thành Cảng cạn Kim Thành, Cảng cạn quốc tế Bản Vược, cùng các trung tâm logistics hiện đại trên biên giới. Điều này không chỉ giúp tối ưu hóa chuỗi cung ứng mà còn tạo thuận lợi cho hàng hóa lưu thông qua biên giới Việt - Trung.
![]() |
Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai là khu kinh tế duy nhất ở phía Bắc có cửa khẩu quốc tế nằm trong thành phố. Ảnh: Mạnh Dũng. |
Tỉnh Lào Cai xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế cửa khẩu năm 2025 và những năm tiếp theo là đầu tư xây dựng cửa khẩu thông minh gắn với hệ thống kho ngoại quan và cảng tập kết, lưu giữ hàng hóa xuất - nhập khẩu công nghệ cao; khu phức hợp kho ngoại quan thương mại điện tử và kho bưu chính quốc tế để nâng cao năng lực thông quan hàng hóa, giảm thời gian thông quan, nâng cao hiệu quả logistics cho doanh nghiệp. Cùng với đó, việc thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới cũng là nhiệm vụ quan trọng góp phần tinh giản thủ tục, công khai, minh bạch để giảm chi phí thông quan cho doanh nghiệp xuất - nhập khẩu.
Tại Hội nghị tổng kết công tác quản lý năm 2024; triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2025 của Ban chỉ đạo Phát triển Khu Kinh tế cửa khẩu và Khu công nghiệp tỉnh Lào Cai, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hoàng Quốc Khánh nhấn mạnh: Năm 2025 được dự báo hoạt động thương mại, xuất - nhập khẩu sẽ khởi sắc hơn, công tác thu hút đầu tư sôi động hơn và có nhiều cơ hội tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược đến với Lào Cai, vì vậy các ngành, đơn vị, địa phương cần quyết tâm hơn nữa, đề xuất các giải pháp khắc phục khó khăn trong triển khai, thực hiện nhiệm vụ. Mục tiêu là đưa Lào Cai trở thành trung tâm kết nối ASEAN và Tây Nam Trung Quốc; phấn đấu giá trị kim ngạch xuất - nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn đạt 9 tỷ USD và giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) đạt 24.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 40% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh năm 2025).