Kiến nghị xem xét bãi bỏ các thủ tục hợp quy thức ăn chăn nuôi

12:13 19/04/2021

Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh Thuốc thú y Việt Nam cho rằng các quy định hợp quy thức ăn chăn nuôi hiện tồn tại rất nhiều bất cập, gây ảnh hưởng tiêu cực tới doanh nghiệp và bà con nông dân.

Mới đây, Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh Thuốc thú y Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn kiến nghị sửa đổi những điểm bất cập trong thủ tục hợp quy thức ăn chăn nuôi.

Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh Thuốc thú y Việt Nam cho rằng thủ tục hồ sơ đăng ký sản phẩm mới và hợp quy sản phẩm thức ăn chăn nuôi bổ sung và hỗn hợp hoàn chỉnh sản xuất trong nước đang tồn tại nhiều bất cập

Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh Thuốc thú y Việt Nam cho rằng thủ tục hồ sơ đăng ký sản phẩm mới và hợp quy sản phẩm thức ăn chăn nuôi bổ sung và hỗn hợp hoàn chỉnh sản xuất trong nước đang tồn tại nhiều bất cập. (Ảnh: minh họa)

Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh Thuốc thú y Việt Nam cho rằng, hiện sản phẩm thức ăn chăn nuôi bổ sung và hỗn hợp hoàn chỉnh sản xuất trong nước, thủ tục hồ sơ đăng ký sản phẩm mới và hợp quy đang tồn tại nhiều bất cập, khiến doanh nghiệp và người dân vấp phải những trở ngại không đáng có trong quá trình hoạt động.

Vì lẽ đó, Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh Thuốc Thú Y Việt Nam kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét bãi bỏ các thủ tục hợp quy thức ăn chăn nuôi bổ sung, thức ăn chăn nuôi hỗn hợp hoàn chỉnh và thức ăn chăn nuôi nhập khẩu nhằm giảm thiểu thủ tục hành chính theo đúng tinh thần chỉ đạo cải cách của Chính phủ.

Một nội dung đáng chú ý là Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh Thuốc Thú Y Việt Nam đưa ra kiến nghị trong thời gian chưa bãi bỏ được, rất mong Bộ và các cơ quan ban ngành nghiên cứu lùi thời hạn thực hiện hợp quy và cải cách các thủ tục cho phù hợp với thực tế sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Cụ thể, trong văn bản doanh nghiệp vừa nộp hồ sơ đăng ký lưu hành tại Cục Chăn nuôi, vừa nộp hồ sơ hợp quy tại Tổ chức chứng nhận hợp quy và lại phải nộp hồ sơ xin thông báo tiếp nhận hợp quy tại Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn).

Thực tế này cho thấy doanh nghiệp khi tiến hành làm thủ tục hồ sơ đăng ký sản phẩm mới và hợp quy bị mất rất nhiều thời gian và công sức. Do đó, Hiệp hội kiến nghị cắt giảm bớt thủ tục thông báo tiếp nhận hợp quy tại Chi cục Chăn nuôi và Thú y.

Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh Thuốc Thú Y Việt Nam kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét bãi bỏ các thủ tục hợp quy thức ăn chăn nuôi nhằm giảm thiểu thủ tục hành chính theo đúng tinh thần chỉ đạo cải cách của Chính Phủ

Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh Thuốc Thú Y Việt Nam kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét bãi bỏ các thủ tục hợp quy thức ăn chăn nuôi nhằm giảm thiểu thủ tục hành chính theo đúng tinh thần chỉ đạo cải cách của Chính Phủ. (Ảnh: minh họa)

Về thời hạn Giấy chứng nhận hợp quy: quy định hiện hành có thời hạn là 3 năm cùng với tần suất đánh giá giám sát ít nhất 12 tháng 1 lần, trong khi hiệu lực Giấy chứng nhận lưu hành là 5 năm nên dẫn tới việc cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý khó kiểm soát.

Trước bất cập này, Hiệp hội đưa ra kiến nghị về thời gian hợp quy cần khớp với thời gian tái đăng ký lưu hành là 5 năm. Bên cạnh đó, nên áp dụng đánh giá giám sát bằng phương pháp hậu kiểm trên thị trường.

Theo Khoản 2, Điều 4 Thông tư số 05/VBHN-BKHCN ngày 28/8/2017 công bố về hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quy định về dấu hợp quy, nếu thực hiện in dấu hợp quy theo quy định này sẽ gây tổn thất về kinh tế vô cùng lớn cho doanh nghiệp, bởi với sản phẩm sản xuất trong nước việc in dấu hợp quy theo quy định khiến doanh nghiệp phải hủy bỏ tất cả bao bì nhãn mác cũ, in lại nhãn mác mới có dấu hợp quy.

Chi phí thay đổi trục lô, nhãn mác rất cao, trong khi tất cả bao bì đã được in số đăng ký riêng cho từng sản phẩm, nhằm đảm bảo chắc chắn các doanh nghiệp đã tuân thủ qui trình đăng ký và đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định.

Về dấu hợp quy: quy định hiện nay yêu cầu in dấu hợp quy lên nhãn sản phẩm. Tuy nhiên, dấu hợp quy có phải in trực tiếp lên nhãn sản phẩm hay chỉ cần trong tài liệu kĩ thuật hiện chưa rõ, đồng thời dấu hợp quy có bắt buộc phải có mã số và tên tổ chức chứng nhận hay không cũng chưa có hướng dẫn cụ thể.

Do đó, Hiệp hội kiến nghị không cần phải in dấu hợp quy trực tiếp trên sản phẩm mà chỉ cần xác nhận online (dấu hợp quy số). Nếu bắt buộc phải có dấu hợp quy thì không cần có mã và tên tổ chức hợp quy.

Theo quy định, thời hạn doanh nghiệp phải hoàn thành hợp quy cho tất cả các sản phẩm đang lưu hành là tháng 7/2021. Thế nhưng do các tổ chức hợp quy và doanh nghiệp đều chưa có kinh nghiệm, chưa hiểu rõ ràng về quy định hợp quy, số lượng mẫu của tất cả các doanh nghiệp cùng gửi tới các trung tâm được chỉ định sẽ quá tải nên việc triển khai khó có thể đáp ứng kịp với thời gian được quy định. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần thời gian để chuyển đổi nhãn mác, trục in, nhân sự để triển khai nên Hiệp hội kiến nghị hoãn thời hạn thực hiện áp dụng hợp quy đến tháng 7/2024.

Về quy định lấy mẫu kiểm nghiệm: quy định hiện hành yêu cầu doanh nghiệp vừa phải lấy mẫu kiểm nghiệm khi đăng ký lưu hành sản phẩm, vừa phải lấy mẫu kiểm nghiệm hợp quy. Về nội dung này, Hiệp hội kiến nghị tích hợp mẫu kiểm nghiệm đăng ký và mẫu hợp quy cho sản phẩm đăng ký lần đầu, doanh nghiệp gửi mẫu tới cơ quan được chỉ định.

Về thử nghiệm, đánh giá hợp quy thức ăn nhập khẩu: hiện phải tiến hành thử nghiệm, đánh giá hợp quy theo từng lô hàng. Song, việc đánh giá cơ sở sản xuất hoàn toàn có thể thực hiện dựa trên các giấy chứng nhận ISO, GMP, HACCP, FAMI-QS đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi, đây là cơ sở để vận dụng cách thức cấp Giấy chứng nhận hợp quy có thời hạn 3-5 năm chứ không nên cấp Chứng chỉ hợp quy theo từng lô hàng, rất bất cập cho doanh nghiệp trong việc thực hiện.

Với thức ăn chăn nuôi nhập khẩu: Hiệp hội kiến nghị áp dụng xác nhận mã hợp quy qua online (dấu hợp quy số). Với lô hàng giảm kiểm, hiện nay vẫn phải làm hợp quy với lô hàng này nên việc giảm kiểm không có ý nghĩa, vì vậy cần miễn hợp quy với những lô hàng giảm kiểm cho đúng tinh thần phân luồng hàng hóa và cải cách hành chính.

Phương Ngân