Kiểm toán Nhà nước cũng đã kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 130 văn bản pháp luật không phù hợp. Bên cạnh đó, ngành cũng phát hiện và kiến nghị chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm kịp thời đối với những tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công của các đơn vị được kiểm toán.
Về nhiệm vụ năm 2022, Tổng kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh đây là năm có ý nghĩa quan trọng về thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và các Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2021-2025. Theo đó, Kiểm toán Nhà nước triển khai kiểm toán đối với niên độ ngân sách đầu tiên của giai đoạn 5 năm với nhiều kế hoạch, chương trình, chủ trương, chính sách lớn được Đảng, Quốc hội và Chính phủ ban hành.
Tổng kiểm toán Nhà nước chỉ đạo toàn ngành xác định phương hướng nhiệm vụ: “Bám sát các nghị quyết, chủ trương của Đảng và Nhà nước, triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ công tác năm, thực hiện hiệu quả, chất lượng “Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển kiểm toán Nhà nước đến năm 2030,” phát huy vai trò Kiểm toán Nhà nước là công cụ hữu hiệu của Đảng, Nhà nước trong kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và phòng, chống tham nhũng” với chủ đề của năm là “Chất lượng kiểm toán và đạo đức công vụ.”
Người đứng đầu ngành kiểm toán cũng chỉ ra bối cảnh năm 2022 còn nhiều khó khăn do dịch COVID-19 rất phức tạp và khó lường. Do vậy, nhiệm vụ đặt ra đối với Kiểm toán Nhà nước là rất thách thức, đòi hỏi toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động phát huy tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, chung sức, đồng lòng, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương để nỗ lực phấn đấu hoàn thành toàn diện kế hoạch công tác đề ra./.
P.V