Theo truyền thuyết kể lại rằng, vua Hùng Định Vương thứ IX có nàng công chúa Quế Mỵ Nương, hiền thục, nết na, nhân hậu. Nàng được nhiều vương tôn, công tử đến cầu hôn nhưng đều từ chối bởi nàng đam mê du ngoạn, đặc biệt là đến thung lũng Huyền Đinh – Yên Tử.
Một lần, trong chuyến du ngoạn đến đất Nghĩa Phương, chứng kiến nơi này đất đai khô nẻ, dân tình đói rách, công chúa đã rất đau lòng. Vào một ngày đầu xuân, khi đặt chân xuống thung lũng, nàng đã dùng năm đầu ngón tay ấn xuống từng phiến đá và lạ thay, một dòng nước mát ào ạt chảy ra thành suối, đưa nước tưới cho đồng ruộng. Từ đó, đất đai vùng này trở nên màu mỡ, trù phú, đời sống người dân cũng trở nên no đủ hơn xưa. Ghi nhớ công ơn của công chúa Quế Mỵ Nuơng, dân làng đặt tên con suối ấy là Suối Mỡ hay còn gọi là Suối Mẫu, lập ba ngôi đền thờ kế tiếp nhau dọc theo bờ suối là đền Hạ, đền Trung, đền Thượng và suy tôn nàng là Thánh mẫu thượng ngàn.
Cũng chính từ Suối Mỡ, Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn đã cùng các tướng lĩnh thân tín lập đại bản doanh để chặn đứng mũi tiến quân của bọn xâm lược Nguyên Mông từ Ải Chi Lăng, kéo về đánh chiếm Vạn Kiếp nhằm tiến về kinh thành Thăng Long. Để ghi nhớ chiến công hiển hách này, người dân đã lập đền Trần. Tại đây còn khu di tích Ba Dinh Bẩy Nền, Bãi Quần Ngựa, Thao Trường Luyện Kiếm....
Đây là con suối bắt nguồn từ khu vực Đá Vách và Hố Chuối rồi xuôi dòng. Dòng suối lớn dần, chảy len lỏi theo khe núi. Do sự kiến tạo của địa chất tự nhiên, những phiến đá lớn xếp chồng lên nhau theo nhiều dạng, nhiều cấp độ đã làm cho lòng suối thay đổi độ dốc đột xuất tạo ra nhiều thác nước lớn, nhỏ khác nhau. Đặt chân đến Suối Mỡ, cảnh tượng đầu tiên tràn vào mắt du khách là dòng nước trong trẻo uốn mình như một dải lụa từ trong núi chảy ra. Hai bên bờ suối chảy róc rách là rừng cây bạt ngàn xanh tươi. Trên những dãy núi này, nhiều loại cây như Tùng, Bách, Thông được trồng xen kẽ tạo thành một thảm cỏ xanh. Tất cả như hoà quyện với nhau làm cho không khí ở đây trở nên rất trong lành và thoáng đãng.
Đến với suối Mỡ, du khách sẽ được lễ chùa bái phật hàng năm vào ngày 30 tháng 3 và 1 tháng 4 âm lịch, khu du lịch tổ chức hội đền với phần lễ trang trọng và phần hội với nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn. Phần lễ có hoạt động lễ rước từ các làng đến các đền trong quần thể di tích Suối Mỡ. Từ sáng sớm, dân làng tổ chức tế lễ ở đình làng Dùm. Tế xong xin rước sắc và bài vị ra đền suối. Đám rước qua đền cây Xanh rồi tới đền Hạ. Cùng thời điểm, dân làng Quỷnh cũng rước từ đình Quỷnh ở phía Tây Suối Mỡ rước lên, qua nghè Hàn Lâm để vào đền Trung làm lễ. Khi đám rước tới đền Hạ thì tế an vị.
Vũ Tiến