Bà Trương Lý Hoàng Phi, Giám đốc điều hành Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp(BSSC) trong Chương trình Cafe khởi nghiệp số 24
Trương Lý Hoàng Phi là cái tên khá quen thuộc trong cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam. Trong vai trò điều hành BSSC, bà Phi đã tham gia thẩm định và tư vấn cho hơn 4.000 doanh nghiệp nhỏ và mô hình khởi nghiệp sáng tạo đa lĩnh vực; trợ giúp cho hơn 800 dự án khởi nghiệp thuộc mọi ngành nghề về tài chính, cơ sở vật chất, tư vấn, xúc tiến thương mại.
Bà Trương Lý Hoàng Phi cho rằng, khởi nghiệp liên quan rất nhiều đến sự thấu cảm, theo nghĩa đặt mình vào hoàn cảnh của khách hàng để hiểu khách hàng hơn, để chạm đến cảm xúc của khách hàng.
“Với khởi nghiệp, sự thấu cảm có ảnh hưởng đặc biệt trong việc cảm nhận và hình thành ý tưởng kinh doanh”, bà Phi chia sẻ.
Thông thường, một ý tưởng khởi nghiệp đến với start-up từ nhiều cách thức khác nhau. Thứ nhất, có thể từ những thông tin trên Internet khiến start-up trăn trở và cảm thấy có giải pháp để giải quyết. Thứ hai, sâu sắc hơn, start-up đã nhìn thấy vấn đề và cố gắng đưa giải pháp, đưa công nghệ vào cho khách hàng của mình…
“Khi khởi nghiệp dựa trên những gì mà đã trải qua, thì người khởi nghiệp sẽ có nhiều cảm xúc thực tế và nhờ đó, giải pháp dường như sâu sắc hơn”, bà Phi chia sẻ quan điểm.
Thực tế cũng cho thấy, đa phần các nhà khởi nghiệp thành công đều bắt đầu từ chính chuyên môn, nghề nghiệp mà họ đã trải qua. Tất nhiên, kinh nghiệm nghề nghiệp, chuyên môn chỉ là một điều kiện, để các ý tưởng thực sự có giá trị, cần có thời gian nuôi sự trải nghiệm, cảm xúc, đôi khi phải trải qua khó khăn, thất bại nhất định.
Bên cạnh việc trải qua thực tế để thấu cảm trong việc hình thành ý tưởng kinh doanh phù hợp, theo bà Phi, đôi khi có người tự đẩy mình vào các tình huống mà khách hàng có thể trải qua, để tìm kiếm sự đồng cảm, từ đó đưa ra giải pháp tốt nhất cho khách hàng của mình.
“Cùng với việc trải nghiệm để cảm nhận sự thấu cảm, đôi khi chúng ta cần đến môi trường để có thể thử nghiệm được những việc mà mình muốn làm”, bà Phi nói.
Có thể nhìn thấy thực tế này trong một số cuộc thi dành cho giới khởi nghiệp. Mới đây, tại cuộc tìm kiếm các giải pháp sản phẩm IoT trong nông nghiệp, nhiều giải pháp của các kỹ sư đưa ra thử nghiệm trong nông trại bị thất bại trước một số sản phẩm do chính người nông dân đề xuất. Lý do đơn giản là vì sản phẩm của người nông dân, được tạo ra trong môi trường nông nghiệp thực tế, qua quá trình trải nghiệm và thấu cảm.
“Những người nông dân đó thành công vì họ tạo ra sản phẩm từ mong muốn của người dùng”, bà Phi lý giải.
CAFÉ KHỞI NGHIỆP là chương trình dành cho những người trẻ nhiệt huyết, đam mê và có hoài bão ghi dấu ấn của mình trên thương trường. Chương trình là nơi các Start-up đã, đang và sắp thành công gặp gỡ, chia sẻ về những chông gai trên con đường thực hiện mơ ước của cuộc đời.
Chương trình do HTV7 phối hợp cùng TV Hub Entertainment & Media độc quyền sản xuất và được phát sóng vào 7 giờ sáng thứ 6 hàng tuần trên kênh HTV7. Website chương trình tập 24: https://www.youtube.com/watch?v=L0sKAo_Pu4U Baodautu.vn là đơn vị bảo trợ thông tin Chương trình CAFÉ KHỞI NGHIỆP.
Phương Anh