Khơi dòng vốn ngoại: Cơ hội đang rất rõ

00:00 12/10/2020

Quy mô tăng mạnh, doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, cơ hội được nâng hạng và đặc biệt là hiệu ứng từ cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên... là những yếu tố giúp TTCK Việt Nam tăng sức hút đối với nhà đầu tư nước ngoài, tạo kỳ vọng đón hàng tỷ USD vốn ngoại. Thế nhưng để biến cơ hội thành dòng chảy vốn thực, chứng khoán Việt còn nhiều việc phải làm.

 Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Năm 2018, Việt Nam hút ròng 3 tỷ USD vốn FII

Năm 2018, trong bối cảnh dòng vốn đầu tư gián tiếp trên thế giới rút ròng khỏi các thị trường mới nổi thì Việt Nam vẫn thu hút được một lượng vốn lớn. Chia sẻ tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2019, bà Nguyễn Thị Hồng - Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong năm qua, tính riêng vốn đầu tư gián tiếp (FII), Việt Nam hút ròng khoảng 3 tỷ USD.

Bên cạnh các yếu tố vĩ mô như sự ổn định của nền kinh tế, GDP duy trì đà tăng trưởng cao, cơ cấu dân số trẻ..., cơ hội được nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi cũng là yếu tố quan trọng giúp Việt Nam thu hút dòng vốn ngoại.

Nhiều tổ chức dự báo, Việt Nam có thể được tổ chức MSCI xem xét nâng hạng vào năm 2021. Nếu sự kiện này xảy ra, không tính yếu tố tăng trưởng dòng vốn ngoại nhờ sự hấp dẫn tự thân của thị trường, dòng vốn mới (đến từ những quỹ đầu tư chỉ đầu tư vào thị trường mới nổi) có thể sẽ tăng mạnh. Theo ước tính của các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, dòng vốn này có thể lên tới hàng chục tỷ USD. 

Cần cải thiện chất lượng minh bạch, quản trị và gỡ vướng về room

Chia sẻ về câu chuyện vốn ngoại, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital cho rằng, sở hữu nước ngoài là vấn đề đang gây cản trở đối với nhà đầu tư ngoại, là rào cản trong việc nâng hạng thị trường theo tiêu chuẩn của MSCI.

“Cần xem xét lại Ðiều 23 - Luật Ðầu tư, bởi quy định doanh nghiệp có từ 50,1% vốn nước ngoài là doanh nghiệp nước ngoài như hiện nay là bất hợp lý, gây phân biệt cho doanh nghiệp và nhà đầu tư, nhất là những doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng vốn nhưng phải huy động vốn nước ngoài.

Ðó là chưa kể những bất cập khi tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài thay đổi hàng ngày do giao dịch trên thị trường. Mặt khác, trong bối cảnh các ngân hàng đang chuẩn bị vốn theo Basel II, nên cho phép nâng tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài từ 30% lên 49% tại các ngân hàng Việt", ông Dominic Scriven kiến nghị.

Bên cạnh vấn đề về room, chất lượng minh bạch thông tin và quản trị doanh nghiệp cũng là điểm doanh nghiệp Việt Nam cần phải cải thiện. Theo ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HÐQT CTCP Chứng khoán SSI (SSI) thì nhà đầu tư nước ngoài không sợ đầu tư lỗ. Họ chỉ sợ không minh bạch.

Mặc dù có nhiều thương vụ đầu tư nước ngoài lớn vào Việt Nam thành công, nhưng nhà đầu tư nước ngoài dường như vẫn còn e ngại về vấn đề minh bạch thông tin, trong khi nhiều doanh nghiệp chưa thực sự coi nhà đầu tư là người đồng hành với sự phát triển của doanh nghiệp.

Chủ tịch SSI cho rằng, nhà đầu tư ngoại thường quan tâm nhiều hơn đến các doanh nghiệp quy mô vốn hóa lớn, có ảnh hưởng đến các chỉ số chứng khoán. Do đó, cần phải có những tiêu chuẩn khắt khe hơn với các doanh nghiệp này, chẳng hạn có thể yêu cầu phải kiểm toán bởi Big4, phải công bố thông tin bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt và đặc biệt, phải kiểm toán công bố thông tin.

Ðồng quan điểm, bà Hà Thu Thanh - Chủ tịch HÐTV Deloitte Việt Nam cho biết, kiểm toán hoạt động công bố thông tin là điều rất cần thiết, bởi những thông tin công bố trong bản cáo bạch, công bố thông tin… dù không phải thông tin trong báo cáo tài chính, nhưng đôi khi còn quan trọng hơn báo cáo tài chính.

Phó thủ tướng Chính phủ Vương Ðình Huệ ủng hộ việc doanh nghiệp cần cải thiện chất lượng minh bạch và cho rằng, cần có tiêu chuẩn kiểm soát khắt khe hơn đối với các doanh nghiệp quy mô lớn.

“Với doanh nghiệp, ngoài các báo cáo phải kiểm toán theo quy định, cũng cần kiểm toán cả công bố thông tin để nhà đầu tư có thể tiếp cận thông tin một cách đầy đủ hơn. Với đơn vị kiểm toán, nếu có sai phạm, cần công bố công khai thông tin sai phạm của kiểm toán viên cũng như đơn vị kiểm toán, để từ đó cảnh tỉnh và nâng cao chất lượng kiểm toán”, Phó thủ tướng chỉ đạo.

Mới đây, báo cáo về xây dựng chiến lược đầu tư của một công ty quản lý quỹ có uy tín trên thế giới, thay vì nói về cơ hội từ Việt Nam như các báo cáo khác, họ đã phân tích, mổ xẻ một DN với nhiều điểm tiêu cực về chất lượng quản trị. Chuyện tuy nhỏ nhưng lại là không nhỏ nếu TTCK Việt Nam thực sự mong muốn sớm được nhà đầu tư quốc tế đánh giá tích cực, để đủ tiêu chuẩn nâng hạng của MSCI.         

Trúc Chi