Diễn ra từ ngày 15-21/8, Ngày hội Văn hóa-Thể thao và Du lịch các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam lần thứ XX năm 2023 có sự tham gia của hơn 2.000 vận động viên, diễn viên, nghệ nhân đến từ 9 huyện miền núi và 2 đoàn vận động viên thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Công an tỉnh. Ngày hội có chủ đề: "Sắc màu văn hóa miền núi Quảng Nam".
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam- Hồ Quang Bửu cho biết: “Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam được tổ chức định kỳ 4 năm một lần. Ngày hội thực sự đã trở thành hoạt động có ý nghĩa chính trị, văn hóa sâu sắc; là dịp để giới thiệu, tôn vinh và quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, đặc sắc của đồng bào các dân tộc 9 huyện miền núi đến với cả nước và bạn bè quốc tế”.
Ngày hội cũng là dịp để các cơ quan, đoàn thể phát hiện tài năng, năng khiếu văn hóa, văn nghệ, thể thao để bồi dưỡng phát triển phong trào cơ sở; tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện tập trung, nâng cao trình độ chuyên môn, bổ sung lực lượng nòng cốt của tỉnh tham gia biểu diễn, thi đấu tại khu vực, quốc gia, quốc tế trong thời gian tới.
Tại Lễ khai mạc, đại biểu, người dân và du khách được thưởng thức chương trình nghệ thuật với chủ đề “Sắc màu văn hóa vùng Tây Quảng Nam – Khát vọng phát triển”. Chương trình nghệ thuật giới thiệu bức tranh đa màu sắc thể hiện những nét văn hóa truyền thống độc đáo, giàu bản sắc, những phong tục tập quán, lối sống sinh hoạt hàng ngày của người dân miền núi…
Ngày hội Văn hóa-Thể thao và Du lịch các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam lần thứ XX năm 2023 còn là dịp để đồng bào các dân tộc giao lưu, học hỏi và cùng nhau giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, lịch sử cách mạng. Đây cũng là cơ hội để nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh thể hiện những giá trị đặc trưng độc đáo, sự đa dạng và phong phú của các loại hình văn hóa thông qua những bộ trang phục, làn điệu dân ca, phong tục, lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống như Lễ mừng lúa mới, Lễ khai năm mới tạ ơn rừng, Lễ cúng đất lập làng, Lễ cúng máng nước, Nghi lễ dựng cây nêu, Nghi lễ cầu mưa cùng với các làng nghề, các môn thể thao dân gian của đồng bào các dân tộc thiểu số Cơtu, Giẻ Triêng, Xơ Đăng, Cor, Bhnoong... sinh sống dưới chân dãy Trường Sơn hùng vĩ.
Đây cũng là dịp để các địa phương miền núi có cơ hội quảng bá, giới thiệu các điểm đến, sản phẩm du lịch, những món ăn truyền thống, những trò chơi dân gian… điểm du lịch, sản phẩm du lịch được du khách trong nước và quốc tế đón nhận như Làng du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu, Làng dệt Zơra (huyện Nam Giang), Làng du lịch Bhờ Hôồng, Đhrôồng (huyện Đông Giang), Làng văn hóa du lịch Làng cổ Lộc Yên (huyện Tiên Phước), Làng du lịch cộng đồng Đại Bình (huyện Nông Sơn), Làng Văn hóa Cao Sơn, Làng Mường (huyện Bắc Trà My), Làng du lịch cộng đồng Mô Chai (huyện Nam Trà My), Làng Văn hóa cộng đồng Ta Lang, Làng Pơ’ning (huyện Tây Giang), Khu du lịch bảo tồn văn hóa Bhnong (huyện Phước Sơn), Khu di tích Phước Trà (Hiệp Đức), Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang.
Thông qua Lễ hội cũng là dịp để địa phương giới thiệu, quảng bá đến bạn bè trong và ngoài nước về tiềm năng, thế mạnh phát triển VHTTDL và văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc miền núi trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển; góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị bản sắc văn hóa truyền thống; nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Nam đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.
Trọng Tâm