Trong cập nhật của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) thì sau 1 năm hứng chịu tác động mạnh từ El Nino, đến nay khi hiện tượng này dần suy yếu thì thế giới có khả năng sẽ đối mặt với hiện tượng La Nina vào nửa cuối năm 2024.
Theo cơ quan Dịch vụ Thời tiết Quốc gia Mỹ (NWS) cho biết, La Nina (nghĩa là "Cô bé" trong tiếng Tây Ban Nha) đề cập đến sự giảm nhiệt định kỳ của nhiệt độ bề mặt đại dương ở vùng xích đạo và phía đông Thái Bình Dương. Thông thường, các sự kiện La Nina xảy ra khoảng 3 đến 5 năm một lần, nhưng đôi khi có thể xảy ra trong nhiều năm liên tiếp. Trong khi đó, El Nino (nghĩa là "Cậu bé" trong tiếng Tây Ban Nha) năm 2023-2024 đã gây thời tiết nóng, khô ở châu Á; và gây mưa lớn bất thường, lũ lụt ở nhiều vùng của châu Mỹ.
Mặc dù thời tiết thế giới hiện đang ở trạng thái trung lập, xác suất hiện tượng La Nina sẽ xuất hiện vào khoảng từ tháng 8 đến tháng 10 lên tới 70%, với dự đoán nó sẽ kéo dài đến mùa đông ở Bắc bán cầu. Khi đó, vùng nhiệt đới Thái Bình Dương sẽ mát hơn bình thường, gây ra một loạt các tác động tiềm tàng, từ mưa lớn hơn ở châu Á đến điều kiện khô hạn ở một số khu vực của Nam Mỹ.
Không có bất kỳ mô hình thời tiết toàn cầu nào mang lại lợi ích hoàn toàn, và sức mạnh cũng như thời điểm của sự kiện vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, nếu La Nina hình thành, nó có khả năng đảo ngược các xu hướng thời tiết của những năm trước đã gây thiệt hại cho một số thị trường hàng hóa chính của thế giới, từ lũ lụt khủng khiếp ở Nam Mỹ đến hạn hán tàn khốc ở châu Phi. Đặc biệt, đối với vụ mùa cacao, mô hình mới có thể mang lại một số điều kiện tích cực cho người nông dân.
Theo ông Jonathan Parkman, trưởng bộ phận kinh doanh nông sản tại công ty môi giới hàng hóa Marex Group: "Hiện có mối quan hệ khá chặt chẽ giữa El Nino và các mùa vụ kém, và giữa La Nina và các mùa vụ tốt hơn… Trước đây đã có tiền lệ cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ về nông nghiệp trong những năm chuyển đổi từ El Nino sang La Nina”.
Dưới đây là cách mô hình thời tiết La Nina sẽ định hình các thị trường cây trồng quan trọng trên thế giới trong năm tới:
Cacao
Sự thâm hụt sản lượng cacao vừa qua được ghi nhận là tồi tệ nhất trong lịch sử với sự kết hợp của tình trạng hạn hán khắc nghiệt và lượng mưa thất thường đã làm tê liệt các nhà sản xuất chính ở Tây Phi. Tuy nhiên, mô hình La Nina có thể giúp xoa dịu tình trạng này.
Theo Cade Groman, một nhà dự báo tại Commodity Weather Group, nếu La Nina xảy ra vào tháng 8 hoặc tháng 9, lượng mưa tăng lên sẽ có tác động tích cực tới cây trồng ở châu Phi trước khi thu hoạch. Các thị trường đã thể hiện kỳ vọng vào một vụ mùa tiếp theo khả quan hơn, với việc hợp đồng tương lai cacao ở New York đang được giao dịch thấp hơn khoảng 40% so với mức cao kỷ lục được thiết lập vào tháng 4. Công ty Marex dự đoán các thị trường cacao sẽ chuyển từ ba năm liên tiếp thâm hụt sang thặng dư trong mùa tới.
Tuy nhiên, thời gian vẫn là một yếu tố chưa xác định. Ông Groman cho rằng, nếu mô hình La Nina phát triển muộn hơn, lượng mưa gần với mùa đông có thể làm chậm tiến độ thu hoạch. Tác động của kiểu hình thời tiết cũng có thể nhẹ hơn so với các dự báo, và điều này sẽ ít có lợi hơn cho các loại cây trồng ở Tây Phi.
Trong khi đó, La Nina lại mang lại rủi ro khô hạn cho một số khu vực của Ecuador, nước trồng cacao lớn thứ ba trên thế giới. Dù vậy, ông James Quiroz, một nhà nông học tại viện nghiên cứu quốc gia INIAP, cho biết quốc gia này có khả năng tiếp cận hệ thống tưới tiêu tốt hơn so với Tây Phi, do đó có thể hạn chế được những tác động tiêu cực.
Cà phê
La Nina có thể làm chậm những cơn mưa ở nước sản xuất cà phê lớn nhất thế giới Brazil, đe dọa sản lượng hạt arabica cao cấp được các chuỗi cà phê như Starbucks ưa chuộng. Điều này gây ra nguy cơ đẩy giá lên cao nữa, sau khi gần đây giá hạt cà phê đã tăng lên mức cao nhất trong hơn hai năm.
Ở chiều hướng ngược lại, La Nina thường mang lại lượng mưa cao hơn cho Việt Nam. Nước ta hiện là nơi trồng cà phê lớn thứ hai thế giới. Độ ẩm cao sẽ tạo điều kiện phát triển thuận lợi cho giống cà phê robusta, loại hạt thường được sử dụng để làm cà phê hoà tan. Giá hạt robusta gần đây đã tăng lên mức cao nhất kể từ những năm 1970 do sự gián đoạn nguồn cung.
Tuy nhiên, cũng như cacao, tính thời điểm đóng vai trò quan trọng: Nếu La Nina đến muộn trong mùa vụ của Việt Nam, nó có thể làm gián đoạn quá trình thu hoạch. Trường hợp lý tưởng nhất là mưa sẽ đến sớm hơn trong mùa, điều này sẽ thúc đẩy sự phát triển của cây cà phê và giúp tăng sản lượng thu hoạch.
Đường
Nhà xuất khẩu đường lớn nhất thế giới, Brazil, đã phải đối mặt với tình trạng khô hạn ở các khu vực trồng mía quan trọng, làm giảm hàm lượng đường trong cây trồng ở khu vực miền Trung và miền Nam. La Nina có thể đe dọa làm cho tình hình tồi tệ hơn.
Nếu mô hình xuất hiện, nó có thể làm chậm những cơn mưa cần thiết thường đến vào tháng 9 và đầu tháng 10, Marco Antonio dos Santos, nhà khí tượng học của Rural Clima, cho biết. Cụ thể, bà Trish Madsen, nhà nông học cao cấp tại Green Pool Commodity Specialists, cho biết lượng mưa giảm ở Nam Mỹ do La Nina có thể làm chậm quá trình trồng trọt và làm giảm năng suất cho mùa tiếp theo.
Trong khi đó, La Nina có thể có lợi cho sản xuất đường ở nước trồng mía lớn thứ hai thế giới, Ấn Độ, bằng cách tăng cường lượng mưa mùa gió mùa. Đây sẽ là điều tích cực cho nước này khi theo bà Madsen, diện tích trồng mía ở một số khu vực quan trọng đang giảm đi. Quốc gia này cũng dự kiến sử dụng một phần sản lượng mía của mình để sản xuất ethanol thay vì đường, điều có thể khiến cho xuất khẩu đường của Ấn Độ bị hạn chế trong ngắn hạn.
Giá hợp đồng tương lai đường đã đạt mức cao nhất trong 12 năm vào tháng 11 trước khi giảm nhờ mưa có lợi và việc sử dụng mía để sản xuất đường thay vì ethanol ở Brazil.
Các loại cây trồng quan trọng khác
Các năm La Nina xuất hiện có thể mang lại những thay đổi lớn đối với thời tiết ở cả Brazil và Mỹ, hai nhà cung cấp lớn nhất thế giới của các loại hàng hóa nông nghiệp quan trọng.
Ở Mỹ, các năm La Nina có thể gây ra hạn hán và nhiệt độ mùa đông cao hơn ở một số bang miền nam và mưa lớn ở vùng Tây Bắc Thái Bình Dương. Nó cũng có thể dẫn đến một mùa bão tồi tệ hơn cho vùng Caribe và vùng Vịnh Hoa Kỳ. Một số khu vực của Western Corn Belt có thể đối mặt với tình trạng khô hạn, và năng suất đã thấp hơn ở nhiều bang trồng bông ở miền nam trong các năm La Nina trước đây, với các xu hướng ít rõ ràng hơn ở Texas. Ở các vùng sản xuất đậu tương quan trọng, đặc biệt là ở phía bắc, có thể mát hơn và ẩm ướt hơn bình thường.
Ở Brazil, bà Leticia Pizzo, một nhà phân tích cho công ty giao dịch hàng hóa Czarnikow, cho biết thời tiết khô hơn và nóng hơn có khả năng ảnh hưởng đến hầu hết các khu vực sản xuất ngô và đậu tương quan trọng ở Midwest từ tháng 9 trở đi. Điều đó khả năng có "tác động đáng kể đến năng suất", bà viết trong một báo cáo. Cũng có thể có lượng mưa thấp hơn mức trung bình ở Argentina, mặc dù tác động ở đó dự kiến sẽ ít hơn.
Đồng thời, lượng mưa có thể cao hơn ở các khu vực phía Bắc và Đông Bắc Brazil. Bà Pizzo nói: "Ở Brazil, tất cả các khu vực đều bị ảnh hưởng theo những cách khác nhau, khiến việc dự đoán tác động và cường độ mà mỗi bang sẽ bị ảnh hưởng trở nên khó khăn".
Tác động của La Nina:
Hiện tượng La Niña sẽ gây nhiều bão tố trên Đại Tây Dương nhưng lại làm giảm nguy cơ bão ở Thái Bình Dương. Ở Mỹ, nhiệt độ mùa đông ấm hơn mức thông thường ở vùng Đông Nam và lạnh hơn ở vùng Tây Bắc. Nhiệt độ hạ xuống thấp đáng kể nên sẽ gây ra những trận rét đậm rét hại cho khu vực chịu ảnh hưởng.
Riêng với Việt Nam, sự xuất hiện của La Nina có thể khiến bão, áp thấp nhiệt đới xuất hiện nhiều hơn. Tại miền Trung và miền Nam của chúng ta sẽ đối mặt với mưa lớn và lũ lụt thường xuyên hơn.
Được biết, các đợt La Nina điển hình xảy ra vào năm 1998-2000, 2007-2008, 2010-2011 và 2020-2022.
Trong đó, đợt rét đậm, rét hại 38 ngày vào tháng 1-2/2008 đã làm 180.000 ha lúa, gần 110.000 vật nuôi bị chết, thiệt hại ước tính 400 tỷ đồng.
Thời kỳ La Nina 2020-2022 cũng ghi nhận nhiều thiệt hại. Trong đó, năm 2020 cả nước có 16/22 loại hình thiên tai, với 14 cơn bão và áp thấp nhiệt đới; 120 trận lũ quét, sạt lở đất; 265 trận giông, lốc, sét... làm 357 người chết và mất tích, tổng thiệt hại trên 39.960 tỷ đồng.
Lân Nguyễn (theo Bloomberg, Financial Times)