Khả năng Trung Quốc vượt Mỹ trở thành nền kinh tế số một thế giới trì hoãn đến năm 2033

16:02 15/12/2021

Theo dự báo mới nhất, quy mô kinh tế của Trung Quốc dự kiến sẽ vượt qua Mỹ vào năm 2033 thay vì 2029 như Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản (JCER) công bố một năm trước.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: internet)

Các nhà nghiên cứu chỉ ra Bắc Kinh đang làm tổn hại tiềm năng tăng trưởng của đất nước bằng cách kìm hãm hoạt động công nghệ cao với nước ngoài và nhiều lĩnh vực khác. Báo cáo cũng trích dẫn động lực phi carbon của Trung Quốc và gánh nặng nợ khổng lồ của đế chế bất động sản Evergrande kéo đà tăng trưởng đi xuống. 

Ngoài ra, dự báo cho thấy người dân Hàn Quốc sẽ vượt Nhật Bản về mức độ giàu có cá nhân năm 2027 và Đài Loan sẽ là quốc gia nối tiếp. JCER ước tính mức tăng trưởng kinh tế của 18 nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương đến năm 2035 đồng thời phân tích GDP bình quân đầu người. Kết quả cho thấy tổng sản phẩm quốc nội trên danh nghĩa của Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ vào năm 2033. Dự báo mới nhất của trung tâm là nền kinh tế Trung Quốc sẽ bị trì hoãn từ 4 đến 5 năm trước khi trở thành nền kinh tế số một thế giới. 

Loạt thay đổi diễn ra sau khi chính phủ Trung Quốc thắt chặt các hạn chế đối với các nhà cung cấp dịch vụ internet lớn và doanh nghiệp khu vực tư nhân khác, làm chậm tốc độ tăng năng suất lao động. Ngoài ra, các quy định nhằm hạn chế đầu tư quá mức vào bất động sản. Mặt khác, kinh tế Hoa Kỳ phục hồi nhanh chóng nhờ gói kích thích lớn do chính quyền Tổng thống Joe Biden trong năm 2021.

Dọc theo tuyến Đông Á, GDP bình quân đầu người của Nhật Bản ở mức 39.890 đô la vào năm 2020, cao hơn 25% so với 31.954 đô la của Hàn Quốc và cao hơn 42% so với 28.054 đô la của Đài Loan. Dựa trên năng suất lao động, số giờ làm việc trung bình và tỷ lệ việc làm, JCER nhận thấy Nhật Bản đang rơi xuống vị trí thứ 3 trong số ba nền kinh tế này. Trung tâm dự báo GDP của Hàn Quốc sẽ tăng 6%/năm đến năm 2025 và 8,4% ở Đài Loan, trong khi Nhật Bản chỉ dừng ở mức 2%. Trong khoảng thời gian từ năm 2020 và 2030, năng suất lao động cao ở Hàn Quốc và Đài Loan đẩy GDP bình quân lên hơn 4 điểm. Cũng theo JCER, khả năng tăng năng suất lao động phụ thuộc vào thành công chuyển đổi kỹ thuật số của quốc gia. 

Hàn Quốc đã giới thiệu hệ thống nhận dạng quốc gia vào những năm 1960 cho phép người dân thực hiện khoảng 1.300 loại ứng dụng và thủ tục bằng cách nhập số ID vào cổng thông tin của chính phủ. Số ID cũng có thể sử dụng để đăng ký dịch vụ internet, mở tài khoản ngân hàng và thực hiện các giao dịch khu vực tư nhân khác. Về phía Đài Loan, khu vực này tăng tốc chuyển đổi số dưới sự lãnh đạo của Bộ trường Số hóa, Audrey Tang. 

Ngược lại, các giao dịch kinh doanh ở Nhật Bản chưa có nhiều bước tiến. Một nghiên cứu so sáng Nhật Bản, Hoa Kỳ và Đức thực hiện trong năm nay cho thấy 25% con dấu và chữ ký của các công ty Nhật Bản trên hợp đồng và các tài liệu khác trao đổi với đối tác "hoàn toàn không được số hóa". Trong số các công ty Hoa Kỳ, 25% cho biết các quy trình này đã được "số hóa hoàn toàn", cuộc khảo sát cho thấy. Nhật Bản cũng chậm tiến độ số hóa trong giao dịch tiền tệ vốn chiếm lượng lớn công việc của doanh nghiệp. Chỉ khoảng 10% công ty nộp thuế và các chi phí công khác bằng phương thức điện tử. Hầu hết các doanh nghiệp vẫn cử nhân viên đến ngân hàng để thực hiện thanh toán. Trong báo cáo, JCER cảnh báo: "Nền kinh tế Nhật Bản có thể rơi vào tình trạng tăng trưởng âm kinh niên trong những năm 2030 trừ khi tăng tốc chuyển đổi kỹ thuật số".

TL