Hội thảo nằm trong khuôn khổ hoạt động của Ban Điều hành Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2024” (Đề án 844) và triển khai thoả thuận hợp tác giữa Ban Điều hành Đề án 844 và Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Uỷ ban) về hỗ trợ đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, thương mại hoá nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.
Hội thảo do Ban Điều hành Đề án 844, Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Viện quản trị chính sách và Chiến lược phát triển đồng chủ trì.
Toàn cảnh Hội thảo Kết nối mạng lưới cố vấn khởi nghiệp toàn cầu diễn ra ngày 23/12. |
Hội thảo tập trung thảo luận về việc kết nối hiệu quả Chương trình Cố vấn khởi nghiệp toàn cầu (GMPV) với Chiến lược Dữ liệu Quốc gia. Chương trình có mô hình cố vấn 1:1 giữa chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài (Mentor) và doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước (Mentee), được kỳ vọng sẽ là cầu nối đưa tư duy và tầm nhìn quốc tế đến gần hơn với startup Việt.
Điểm sáng của chương trình GMPV nằm ở sự tham gia của đội ngũ cố vấn giàu kinh nghiệm đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau và hoạt động trong đa dạng lĩnh vực. Theo báo cáo từ Ban tổ chức, từ năm 2021 đến năm 2023, chương trình đã kết nối 20 startup tiềm năng với 17 cố vấn, qua đó đã tạo nên những thành công bước đầu. |
Ông Nguyễn Mạnh Đông, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phát biểu khai mạc. |
Tại hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Đông, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài thông tin: "Chương trình Cố vấn khởi nghiệp toàn cầu được thực hiện nhằm các mục tiêu: Thứ nhất, hưởng ứng và phát huy phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đang lan rộng trên khắp đất nước Việt Nam cũng như trong cộng đồng người Việt Nam trên toàn thế giới. Thứ hai, phát huy tối đa xu thế liên kết, hình thành các mạng lưới đối mới, sáng tạo của người Việt Nam ở nước ngoài như tại châu Âu, Đức, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và các nơi khác. Các mạng lưới này hình thành tự phát, nhưng qua sự bảo trợ của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, Bộ Ngoại giao, Bộ Khoa học và Công nghệ đã kết nối được với nhau và với trong nước. Thứ ba, biến tất cả những tiềm năng này thành cơ hội thực sự, kết nối tất cả các nguồn tri thức, chuyên gia với các doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, tạo sân chơi, và từ sân chơi dẫn đến những kết quả thực chất, những thỏa thuận hợp tác, những bản hợp đồng đem lại lợi ích chung cho tất cả các bên, đóng góp cho sự phát triển của đất nước và cộng đồng".
Chương trình Cố vấn khởi nghiệp toàn cầu được tiến hành trong 3 năm qua trong bối cảnh hết sức khó khăn, vô vàn thử thách, đặc biệt là đại dịch Covid làm ngừng trệ hầu như hoàn toàn đời sống kinh tế-xã hội và hàng loạt biến động chính trị, an ninh trên khắp các khu vực làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, sản xuất.
Theo ông Nguyễn Mạnh Đông, việc thực hiện chương trình này tưởng chừng như không thể. "Tuy nhiên, chúng ta đã nỗ lực cao độ, tạo nhiều kết quả quan trọng trong việc triển khai Chương trình. Đó là những tiến bộ đáng kể và đáng mừng trong bối cảnh khó khăn nêu trên. Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tự hào đã cùng đồng hành với Cục Phát triển Thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ ngành, địa phương, đông đảo bà con kiều bào và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước trong nỗ lực chung này. Những kết quả đạt được cho thấy chúng ta đã đi đúng hướng và những kết quả này cần được phát huy", ông Đông nhận định.
Nhân dịp này, ông Đông đề xuất, cần tiếp tục tăng cường và đa dạng hóa hơn nữa các hình thức kết nối mạng lưới chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài; tăng cường liên kết, xây dựng dữ liệu về mạng lưới chuyên gia, trí thức trên khắp các châu lục; đặc biệt tìm cách biến những nỗ lực kết nối này thành nhiều kết quả thực tiễn hơn nữa, không dừng ở mức sân chơi, mà cần biến những hoạt động hỗ trợ đổi mới sáng tạo thành thị trường, thương trường mới.
Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KH&CN, Bộ KH&CN chia sẻ tại Hội thảo. |
Cũng tại hội thảo, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KH&CN, Bộ KH&CN, khẳng định vai trò chiến lược của Chương trình Cố vấn Khởi nghiệp Toàn cầu. Ông nhấn mạnh rằng, cần tận dụng tiềm năng sẵn có để biến thành cơ hội thực tế, tạo sự kết nối giữa tri thức, chuyên gia và các doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Từ đó, xây dựng một môi trường hợp tác hiệu quả, mang lại những kết quả thực chất như các thỏa thuận hợp tác hay hợp đồng kinh tế, đảm bảo lợi ích chung và đóng góp tích cực vào sự phát triển của quốc gia và cộng đồng.
“Những mục tiêu này vừa đầy tham vọng, vừa sát với thực tiễn khi nhìn vào bối cảnh phát triển của Việt Nam,” ông Quất nhấn mạnh. “Hiện nay, đất nước đang trên đà phát triển vượt bậc với tiềm lực, vị thế ngày càng được củng cố. Sự ổn định chính trị, tăng trưởng kinh tế bền vững, và quan hệ quốc tế sâu rộng đã tạo nền tảng vững chắc cho việc thu hút và kết nối nguồn lực trí thức người Việt Nam ở nước ngoài. Đây cũng là cơ sở để cụ thể hóa các thỏa thuận hợp tác quan trọng giữa Bộ KH&CN và Bộ Ngoại giao nhằm tăng cường mạng lưới chuyên gia toàn cầu”, ông Quất chia sẻ thêm.
Bà Nguyễn Thiên Nga, Viện trưởng Viện Quản trị Chính sách và Phát triển, đồng thời là Nghiên cứu trưởng Chiến lược Dữ liệu Quốc gia. |
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hội thảo cũng thẳng thắn chỉ ra những “điểm nghẽn” còn tồn tại. Bà Nguyễn Thiên Nga, Viện trưởng Viện Quản trị Chính sách và Phát triển, đồng thời là Nghiên cứu trưởng Chiến lược Dữ liệu Quốc gia, nhấn mạnh rằng, mặc dù có sự hiện diện của mạng lưới chuyên gia trong và ngoài nước, nhưng hiện trạng lại phân tán, thiếu sự liên kết chặt chẽ. Vấn đề lớn đặt ra là làm thế nào để tổ chức và huy động nguồn lực này một cách hiệu quả.
Bà Nga đề xuất tận dụng hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư cùng với hệ thống định danh cá nhân để hình thành một mạng lưới dữ liệu chuyên gia toàn diện. Theo bà, đây là một cơ hội quan trọng để kết nối với Trung tâm Dữ liệu Quốc gia thuộc Bộ Công an trong quá trình xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư và triển khai hệ thống định danh cho người nước ngoài. Bà khẳng định: “Việc này sẽ giúp chúng ta không chỉ kết nối mà còn phân loại và đánh giá chuyên gia một cách tối ưu”.
Ngoài ra, bà Nga nhấn mạnh vai trò trọng yếu của Chiến lược Dữ liệu Quốc gia trong việc khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực trí tuệ từ cộng đồng kiều bào. Việc xây dựng một cơ sở dữ liệu chi tiết, bao gồm các thông tin về chuyên môn, kinh nghiệm, lĩnh vực hoạt động, địa chỉ liên hệ... sẽ mang lại lợi ích to lớn. Theo đó, cộng đồng doanh nghiệp có thể nhanh chóng tiếp cận đúng chuyên gia theo nhu cầu, trong khi các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ dễ dàng kết nối họ với các dự án phát triển cụ thể, góp phần thúc đẩy sự hợp tác và phát triển đồng bộ.
Một trọng tâm khác của hội thảo là giải pháp để thu hút nhân tài và vốn đầu tư cho khởi nghiệp. Theo ông Hoàng Nam Tiến - Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học FPT, ngoài chính sách đãi ngộ, trí thức hàng đầu sẽ trở về cống hiến khi được trao những bài toán lớn, xứng tầm với năng lực và khát vọng.
Theo ông Tiến, vấn đề không chỉ nằm ở thu nhập hay đãi ngộ. Những nhà khoa học, tri thức ở nước ngoài sẽ sẵn sàng “chịu khổ, nhận lương thấp” nhưng điều kiện tiên quyết là phải được làm những bài toán “hay và khó.” Những bài toán này cần xuất phát từ Chính phủ, các bộ ngành, hay địa phương và phải được trình bày rõ ràng.
Ông cũng kêu gọi Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài trở thành “cầu nối” thực sự, giúp các doanh nghiệp trong nước tiếp cận những trí thức hàng đầu, đặc biệt là trong các chuyến công tác nước ngoài của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Ông đề nghị: “Mỗi chuyến đi đến các quốc gia như Mỹ, Đức, Nhật… hãy mời các chuyên gia người Việt đúng ngành nghề đến chia sẻ về những gì đất nước đang làm”.
Ông Phạm Duy, đại diện Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp Sáng tạo Quốc gia. |
Bên cạnh đó, bài toán huy động vốn cho khởi nghiệp cũng được các đại biểu quan tâm thảo luận. Ông Phạm Duy, đại diện Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp Sáng tạo Quốc gia, cho biết, giai đoạn đầu tư sớm (pre-seed) ở Việt Nam đang là khoảng trống. Các startup rất khó khăn trong việc gọi vốn ở giai đoạn này. Theo đó, ông đề xuất xây dựng mạng lưới nhà đầu tư thiên thần và tập trung vào cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Tại hội thảo, các chuyên gia đã đưa ra nhiều đề xuất cụ thể nhằm cải thiện chính sách, cơ chế và tăng cường hiệu quả kết nối nguồn lực. Sự phối hợp giữa Chiến lược Dữ liệu Quốc gia và Chương trình Mạng lưới Cố vấn Khởi nghiệp Toàn cầu được kỳ vọng sẽ tạo ra những bước tiến quan trọng, góp phần hiện thực hóa mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030, đồng thời hướng tới một Việt Nam phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045.
Theo ý kiến của các chuyên gia, Chiến lược Dữ liệu Quốc gia không chỉ đóng vai trò là nền tảng kỹ thuật mà còn là công cụ mang tính chiến lược, tạo điều kiện tối ưu cho việc kết nối, quản lý và khai thác hiệu quả nguồn lực trí thức kiều bào. Điều này sẽ góp phần nâng cao sức mạnh và tính bền vững của hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam.