Ông Vũ Minh Giang - Quyền Cục trưởng Cục Thống kê Bắc Ninh đánh giá: Đây là mức giảm sâu nhất trong vòng 5 năm gần đây. Điều này cũng phản ánh phần nào bức tranh sản xuất công nghiệp còn ảm đạm.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được phân tích là các thị trường xuất khẩu chính của tỉnh đều bị sụt giảm do tình hình lạm phát, sức tiêu dùng giảm; đặc biệt tồn kho khá lớn đối với mặt hàng điện tử, may mặc.
Bên cạnh đó, năng lực nội tại của doanh nghiệp chưa phục hồi hoàn toàn từ đại dịch, cộng với những khó khăn về thị trường, đơn hàng, nguồn vật tư… khiến nhiều doanh nghiệp trong tỉnh phải thu hẹp sản xuất, giãn giờ làm... Các FTA thế hệ mới trên thực tế chưa mở rộng được thị trường mới để đem lại hiệu quả cho hàng hóa xuất khẩu.
Điều đáng nói, công nghiệp chế biến chế tạo lâu nay được đánh giá là thế mạnh của Bắc Ninh nhưng trong tháng 3/2023, chỉ số tiêu thụ toàn ngành này giảm 23,56% so với cùng kỳ năm trước. Tới 14/19 ngành sản xuất có mức tiêu thụ giảm, như: Sản xuất và chế biến thực phẩm (-8,49%); sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy (-20,61%); sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học (-27,46%) ...
Tính chung quý I/2023, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo giảm 11,2% so với cùng kỳ năm trước, 15/19 ngành có chỉ số bị giảm, trong đó ngành công nghiệp trọng điểm sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 10,73%.
Hiện nay, chi phí đầu vào cho nhiều ngành sản xuất trên địa bàn Bắc Ninh vẫn đang ở mức cao; trong khi đó tổng cầu thế giới ở mức thấp, làm giảm các đơn đặt hàng, đây là thách thức lớn đối với lĩnh vực sản xuất các sản phẩm xuất khẩu.
Theo đánh giá của Cục Thống kê Bắc Ninh, nhiều khó khăn vẫn đang đợi kinh tế Bắc Ninh ở phía trước.
Lãi suất cao khiến tiêu dùng cuối cùng suy giảm; vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước triển khai chậm so với kế hoạch do những vướng mắc ở nhiều khâu triển khai thực hiện; năng lực nội tại của các doanh nghiệp chưa phục hồi hoàn toàn từ đại dịch khiến cho áp lực tăng trưởng 3 quý còn lại trong năm 2023 là rất lớn.
Về định hướng trong thời gian tới, xác định khó khăn, thách thức nhiều hơn là cơ hội và thuận lợi.
Giải pháp tỉnh Bắc Ninh đặt ra cần thực hiện trong các quý tiếp theo của năm 2023, đó là: Tăng cường công tác phân tích dự báo; chủ động với các tình huống diễn biến của kinh tế thế giới và trong nước nói chung do kinh tế của tỉnh hiện nay có độ mở lớn, kịp thời quyết liệt trong xử lý có hiệu quả các vấn đề, xây dựng kịch bản, phương án linh hoạt, thích ứng với các vấn đề đột xuất phát sinh.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh giải quyết triển khai nhanh có hiệu quả những điểm nghẽn lớn hiện nay trong đầu tư công, phân bổ, giải ngân nguồn vốn hiệu quả thúc đẩy cho kinh tế của tỉnh; thu hút được các suất đầu tư lớn để tạo đột phá cho kinh tế của tỉnh.
Đồng thời tập trung, quyết tâm, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, Chỉ thị của tỉnh về thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế số, chuyển đổi xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo, đảm bảo phát triển bền vững;
Ngoài ra, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng cần cải thiện mô hình kinh doanh, tái sắp xếp lại chuỗi cung ứng đầu vào để tận dụng triệt để ưu đãi thuế quan từ các FTA và thâm nhập vào thị trường mới.
Hòa Phương