Người dân đồng thuận
Bà Võ Thị Lượm (ấp 3, xã Long Sơn, huyện Cần Đước) chia sẻ: “Ban đầu, khi nghe tin đất của gia đình bị thu hồi để thực hiện DA Cụm công nghiệp (CCN) Savi, tôi khá lo lắng vì đang sống ổn định, giờ phải chuyển chỗ ở. Tuy nhiên, sau khi được lãnh đạo giải thích về tầm quan trọng và ý nghĩa của DA đối với sự phát triển của địa phương cũng như đời sống người dân, tôi đồng tình và bàn giao đất.
Hiện tại, với khoản bồi thường nhận được, tôi mua đất, xây căn nhà mới gần người thân và mua thêm 2.000m2 đất lân cận để canh tác. Tôi hy vọng DA CCN Savi sớm hoàn thành và đưa vào hoạt động để tạo việc làm cho người dân nơi đây".
Kiểm tra dự án đường liên xã Tân Ân - Phước Tuy.
Ông Phạm Văn Tèo (ấp 4, xã Phước Tuy, huyện Cần Đước) chia sẻ: “Gia đình tôi thuộc diện quy hoạch hết 1.500m2 để làm DA Đường liên xã Tân Ân - Phước Tuy, trong đó có ảnh hưởng phần đất làm chuồng chăn nuôi của gia đình. Nhưng tôi và gia đình hiểu được vai trò quan trọng, ý nghĩa của DA Đường liên xã Tân Ân - Phước Tuy nên bàn giao đất để thực hiện công trình. Có đường mới, chắc chắn việc đi lại, vận chuyển hàng hóa sẽ rất thuận lợi. Tôi hy vọng DA sớm được hoàn thành để mọi người cùng nhau hưởng lợi”.
Được biết, DA Đường liên xã Tân Ân - Phước Tuy là công trình thuộc chương trình đột phá theo Nghị quyết (NQ) Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Cần Đước nhiệm kỳ 2020-2025.
Đường có chiều dài hơn 4,5km, điểm đầu giao với đường Bờ Mồi, xã Phước Tuy; điểm cuối tại nút giao với đường Lê Hồng Phong, ngã ba Tân Ân, qua địa bàn các xã: Tân Ân, Phước Tuy và thị trấn Cần Đước. Đến nay, có 170/183 hộ dân đồng ý nhận tiền bồi thường, hỗ trợ, trong đó đã chi trả cho 164/183 hộ, đạt 92,6% với số tiền hơn 58,6 tỉ đồng.
Không chỉ hộ ông Tèo, bà Lượm mà nhiều hộ dân khác tại huyện Cần Đước cũng đồng thuận, ủng hộ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nên sớm giao đất, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện nhiều DA trên địa bàn.
UBND huyện luôn lắng nghe, ghi nhận các ý kiến; đồng thời, phân tích, giải thích để người dân hiểu cũng như kịp thời tháo gỡ các khó khăn nhằm đẩy nhanh tiến độ GPMB tại các DA.
Quyết liệt và đồng bộ
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Huyện ủy Cần Đước ban hành NQ số 04-NQ/HU, ngày 07/6/2021 về việc thực hiện chương trình đột phá tập trung GPMB, tạo quỹ đất sạch, thu hút đầu tư để phát triển KT-XH; UBND huyện ban hành Kế hoạch số 7258/KH-UBND, ngày 10/9/2021 để thực hiện NQ số 04-NQ/HU, ngày 07/6/2021 của Huyện ủy. Từng DA, UBND huyện đều ban hành các kế hoạch cụ thể, chi tiết.
Lễ khởi công giai đoạn 1 Dự án Khu tái định cư Nam Nam Thiên.
Theo Quyền Chủ tịch UBND huyện Cần Đước - Đào Hữu Tấn, huyện đã và đang tập trung công tác GPMB của nhiều DA như nâng cấp, mở rộng Đường tỉnh 826; Khu tái định cư Nam Nam Thiên; CCN Nam Nam Thiên; CCN Savi; CCN Thiên Lộc Thành; Khu tái định cư và nhà ở xã hội Phúc Long;... Đặc biệt là 2 công trình: Đường liên xã Tân Ân - Phước Tuy; Đường liên xã Tân Trạch - Phước Tuy là công trình đột phá của NQ Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025, góp phần kết nối giao thông giữa các xã vùng hạ của huyện. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 12 DA được triển khai. Tổng diện tích thu hồi đất 283,7ha, gần 1.690 hộ dân bị ảnh hưởng, đến nay có hơn 1.000 hộ nhận tiền chi trả bồi thường.
Trong quá trình thực hiện GPMB, huyện còn gặp một số khó khăn như tình hình biến động đất đai gây khó khăn cho công tác xây dựng giá bồi thường và vận động người nhận tiền bồi thường theo phương án được duyệt; đồng thời, công tác phối hợp giữa các ngành đôi lúc chưa chủ động.
Ông Đào Hữu Tấn cho biết thêm, huyện tiếp tục tập trung làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách liên quan đến công tác bồi thường, tái định cư để người dân biết và đồng thuận thực hiện.
Các đơn vị làm nhiệm vụ GPMB sẽ phối hợp chặt chẽ để công tác vận động, tiếp xúc, trao đổi thông tin và giải quyết kịp thời các kiến nghị của người có đất bị thu hồi; đồng thời, tranh thủ sự hỗ trợ của các sở, ngành tỉnh, nhất là Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các DA GPMB./.