Ngày 15/3, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Trường chính sách công - Đại học Tokyo tổ chức Diễn đàn nghiên cứu Việt Nam - Nhật Bản với chủ đề “Tăng cường hợp tác Việt Nam - Nhật Bản nhằm phát triển năng lượng bền vững ở tiểu vùng sông Mekong mở rộng giai đoạn hậu Covid-19”.
Trong những năm gần đây, hợp tác của các nước thuộc Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS) gồm Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam và 2 tỉnh Vân Nam, Quảng Tây của Trung Quốc đã gia tăng đáng kể. Khu vực này được đánh giá có tiềm năng tăng trưởng lớn trong ASEAN. Cùng với quá trình hội nhập sâu rộng của ASEAN và ASEAN +, các nước ở khu vực GMS cũng đã có nhiều sáng kiến và nỗ lực hợp tác trên nhiều lĩnh vực, từ thương mại - đầu tư cho đến phát triển kết cấu hạ tầng, năng lượng, viễn thông, phát triển nguồn nhân lực và môi trường… trong đó, năng lượng là một lĩnh vực quan trọng, gắn kết mật thiết với quá trình hợp tác và phát triển của các ngành, lĩnh vực khác.
Phát biểu tại Diễn đàn, TS. Nguyễn Hồng Minh - Viện trưởng CIEM - cho biết, kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng với tốc độ khá nhanh. Đảng và Chính phủ cũng đặt những mục tiêu quan trọng; trong đó, có tăng trưởng kinh tế trong thập niên tới. Theo đó, nhu cầu sử dụng năng lượng là rất lớn và có xu hướng liên tục tăng nhanh. Để đáp ứng nhu cầu này một cách bền vững, Việt Nam đang nghiên cứu phát triển các nguồn năng lượng khác nhau, chứ không chỉ dựa vào các nguồn hóa thạch hay nguồn lợi thủy điện.
Về lĩnh vực năng lượng, Nhật Bản có nhiều dư địa để gia tăng hợp tác với các nước GMS. Bên cạnh việc tham gia các dự án năng lượng phù hợp, Nhật Bản còn có nhiều kinh nghiệm trong việc theo dõi đánh giá tác động cũng như việc xây dựng các kế hoạch, biện pháp xử lý các rủi ro liên quan đến các dự án này. Chẳng hạn kinh nghiệm xử lý hậu quả và phục hồi sau khủng hoảng Fukushima, xảy ra đúng 10 năm trước đây, vẫn còn lưu tâm với nhiều nước GMS. Với việc doanh nghiệp Nhật Bản đang hiện diện nhiều hơn các nước GMS, một chính sách năng lượng bền vững của khu vực này cũng mang lại nhiều ý nghĩa cho Nhật Bản.
Được đánh giá là tiểu vùng thành công nhất với tốc độ tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo nhanh trong 3 thập kỷ qua, song GS. Fukunari Kimura - Khoa Kinh tế, Đại học Keio, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) - cho rằng, khoảng cách phát triển trong khu vực vẫn còn rộng, bất bình đẳng kinh tế và xã hội vẫn đe dọa mục tiêu phát triển bền vững trong khu vực. Vì vậy, tính bền vững ở tiểu vùng này cũng chưa được lưu tâm đúng mức.
Cụ thể, giá năng lượng thấp do Covid-19 dường như làm chậm quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp. Ngược lại, thế giới đang nhanh chóng chuyển sang carbon thấp. Các vấn đề bền vững khác như quản lý nguồn nước và môi trường nói chung đang trở thành những vấn đề cấp bách trong tiểu vùng.
Trong khi đó, theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược ngoại giao, Học viện Ngoại giao - bà Tô Minh Thu, mặc dù các nước GMS có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo song vẫn còn nhiều thách thức. Đó là vấn đề tài chính, vì thiết bị cho năng lượng tái tạo thường đắt đỏ hơn, trong khi cơ chế hỗ trợ của ngân hàng đối với năng lượng này còn yếu.
Ngoài ra, nhiều nước vẫn còn hỗ trợ giá cho điện than nên không tạo ra sự cạnh tranh với năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, rào cản công nghệ cũng là thách thức, bởi nước có trình độ công nghệ chưa cao, khi tiếp nhận chuyển giao về công nghệ là điều không hề đơn giản. Đặc biệt, chưa có nước nào trong GMS có luật riêng hoặc có cơ chế về hợp tác đầu tư trong lĩnh vực năng lượng.
Với tư cách là một thể chế, GMS cần làm tốt hai lĩnh vực. Một là, cần giúp các Chính phủ hiểu về phát triển bền vững của khu vực mình để thay đổi nhận thức, từ đó ban hành chính sách phù hợp. Hai là, thúc đẩy xây dựng thể chế, gồm xây dựng thị trường năng lượng của khu vực và ở mức xa hơn là có quy hoạch thị trường năng lượng cho toàn khu vực thì mới tạo ra thị trường năng lượng của cả khu vực.
Trong thời gian qua, Việt Nam cần đóng góp tích cực hơn cho phát triển năng lượng bền vững. Thời gian qua, các công ty của Việt Nam đã có kinh nghiệm nhất định trong phát triển năng lượng tái tạo.
P.V