Bài liên quan |
Cảnh báo về lừa đảo và rủi ro tấn công mạng đối với doanh nghiệp sau sự cố “màn hình xanh” |
Hơn 4.400 vụ tấn công mạng vào Việt Nam trong 10 tháng đầu năm |
Báo cáo nghiên cứu và khảo sát an ninh mạng tại Việt Nam năm 2024, do Hiệp hội An ninh mạng quốc gia công bố, đã phác họa một bức tranh đầy thách thức về tình hình an ninh mạng tại các cơ quan và doanh nghiệp. Cuộc khảo sát thực hiện trên 4.935 đơn vị trong tháng 12/2024 cho thấy gần một nửa các tổ chức tại Việt Nam đã trở thành nạn nhân của các cuộc tấn công mạng trong năm qua, với tổng số vụ tấn công ước tính lên đến hơn 659.000.
Đáng chú ý, 46,15% cơ quan và doanh nghiệp thừa nhận đã bị tấn công mạng ít nhất một lần trong năm, trong đó 6,77% thường xuyên đối mặt với các vụ tấn công. Tấn công có chủ đích APT tiếp tục là mối đe dọa hàng đầu, chiếm 26,14% tổng số vụ tấn công, chủ yếu sử dụng mã độc gián điệp nằm vùng. Báo cáo từ Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an, cho biết các đơn vị trọng yếu đã nhận tới hơn 74.000 cảnh báo, trong đó có 83 chiến dịch APT nguy hiểm.
Hơn 46% cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam bị tấn công mạng năm 2024 |
Một nguy cơ khác được nhấn mạnh là mã độc ransomware, khi 14,59% đơn vị cho biết đã bị mã hóa dữ liệu để đòi tiền chuộc. Đây là hình thức tấn công với mức độ tàn phá nghiêm trọng, gây gián đoạn hoạt động, mất dữ liệu và ảnh hưởng nặng nề đến uy tín của các tổ chức.
Dù mức độ tấn công mạng ngày càng nghiêm trọng, nguồn nhân lực chuyên trách về an ninh mạng tại Việt Nam vẫn còn rất thiếu hụt. Hơn 20% các đơn vị được khảo sát không có nhân sự chuyên trách, và 35,56% chỉ có dưới 5 người phụ trách, con số này chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Thêm vào đó, tỷ lệ sử dụng sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng nội địa trong các cơ quan và doanh nghiệp vẫn thấp, chỉ chiếm trung bình 24,77%. Điều này phản ánh tâm lý e dè, phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài, tạo ra thách thức lớn trong việc phát triển ngành công nghiệp an ninh mạng và hệ sinh thái công nghệ "Make in Vietnam".
Hiệp hội An ninh mạng quốc gia nhấn mạnh rằng các cơ quan, doanh nghiệp cần dành ít nhất 10% ngân sách công nghệ thông tin để đầu tư cho an ninh mạng. Đồng thời, cần thực hiện giám sát hệ thống 24/7, rà soát lỗ hổng thường xuyên, cập nhật các bản vá bảo mật, và xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố rõ ràng, bao gồm các phương án sao lưu và phục hồi dữ liệu định kỳ.
Ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Công nghệ của Hiệp hội, khẳng định rằng tình hình hiện nay đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng công nghệ. Việc nâng cao nhận thức, đầu tư vào các giải pháp an ninh tiên tiến, hoàn thiện hành lang pháp lý và chia sẻ thông tin kịp thời sẽ là những yếu tố quyết định để bảo vệ không gian mạng quốc gia và thúc đẩy sự phát triển bền vững trong kỷ nguyên số.