Bà Trương Mỹ Hạnh, Phó trưởng Văn phòng Cơ quan đại diện phía Nam cho biết, năm 2023 mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Văn phòng Cơ quan đại diện phía Nam đã tích cực phối hợp với cấp, chính quyền địa phương, vận động các doanh nghiệp, mạnh thường trên địa bàn tìm kiếm 12 mộ liệt sĩ, hỗ trợ di chuyển 3 hài cốt liệt sĩ về quê hương; tặng bảng vàng “Tri ân liệt sĩ”; trao tặng kinh phí hỗ trợ cán bộ, chiến sĩ Ban liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 1, Quân khu 9, khu vực Hà Nội; thăm, tặng quà các Mẹ Việt Nam Anh hùng; tặng kinh phí xây dựng 03 căn nhà tình nghĩa; trao tặng sổ tiết kiệm, xe lăn, xe điện và tập vở cho các gia đình thương binh, liệt sĩ, chất độc hóa học da cam, học sinh nghèo hiếu học, các cháu mồ côi cha, mẹ do đại dịch Covid-19; trao tặng bò giống…v.v với tổng số tiền gần 1,8 tỷ đồng. Trong thời gian tới, Văn phòng cơ quan đại diện phía Nam, Hội HTGĐLSVN sẽ cố gắng phát huy hơn nữa, tiếp tục vận động các tổ chức doanh nghiệp thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, tri ân liệt sĩ, mở thêm các văn phòng đại diện các tỉnh để cùng phối hợp thực hiện tốt công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, giúp đỡ các gia đình có công.
Mong mỏi tìm lại tên cho liệt sĩ
Tại buổi tổng kết, bà Nguyễn Thị Điệu, huyện Đức Hoà, tỉnh Long An cho hay, gia đình bà có người cậu ruột hy sinh trên đường đi công tác, bị giặc phục kích bắn chết cùng lúc với 2 đồng đội, sau đó giặc mang xác phơi trên đường lộ thuộc địa bàn xã Tân Hội, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Sau 2 ngày, dân trong vùng xin đem đi chôn cất và đơn vị cũng đã gửi giấy báo cho gia đình nhưng thư bị thất lạc, đến 30/4 khi đất nước hoàn toàn giải phóng thì địa phương đưa các anh về nghĩa trang huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, với những nấm mộ vô danh. “Năm 2013, gia đình tìm hiểu thông tin thì gặp 4 người đồng đội cũ và gia đình đã nộp hồ sơ tìm lại phần mộ có tên cho cậu nhưng rất khó khăn, nên tôi mong muốn Hội HTGDLSVN sớm phối hợp với các cơ quan chức năng hỗ trợ thủ tục, thử AND sớm xác định phần mộ cậu tôi được công nhận liệt sĩ”. bà bày tỏ.
Kết nối thân nhân liệt sĩ, “trả lại tên cho anh”
Đồng cảm với sự mong mỏi của Bà Điệu, ông Vũ Đình Luật, Uỷ viên thường vụ Hội HTGĐLS tỉnh Bình Phước, là người nhiều năm cùng với các tổ chức thực hiện công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ nói: “Chiến tranh đến nay đã quá lâu nên công tác tìm kiếm, bốc hốt hài cốt liệt sĩ là vô cùng quan trọng và khó khăn. Từ năm 2013 đến nay, cà ngàn liệt sĩ đã tìm thấy và quy tập tại các nghĩa trang nhưng trong số đó có nhiều liệt sĩ chưa biết tên. Chính vì thế, việc khớp nối thông tin để “trả lại tên cho anh” là vô cùng cấp bách và phù hợp với tâm nguyện của nhân dân. Tuy nhiên hiện nay công tác tìm kiếm thông tin còn thiếu, trong đó đáng chú ý là các kỷ vật chứng minh hoặc thông tin của các CCB, những đồng đội trực tiếp chôn cất là rất khó. Công tác giám định AND để đối chứng là vô cùng cần thiết, bởi điều mong mỏi của những gia đình có liệt sĩ là làm sao tìm được di cốt của người thân. Chính vì vậy, việc kết nối giữa Hội với các gia đình có người thân liệt sĩ là hết sức quan trọng”.
Giám định ADN, trả lại tên cho gần 1200 liệt sĩ.
Tại buổi lễ tổng kết, với sự có mặt của nhiều tướng lĩnh, nguyên là chỉ huy các tiểu đoàn, trung đoàn, Trung tướng Hoàng Khánh Hưng, Chủ tịch Hội HTGDLSVN bồi hồi nhắc lại: “Trong các cuộc kháng chiến, gần 1,2 triệu liệt sĩ đã ngã xuống vì sự độc lập của Tổ quốc. Chỗ chúng ta ngồi đây cũng có thể có cả xương máu của liệt sĩ. Đất nước chúng ta trải qua 4 cuộc chiến tranh lớn, hiện vẫn còn 53 vạn liệt sĩ chưa biết tên, 18 vạn liệt sĩ nằm lại ở các chiến trường VN, Campuchia, Lào và biên giới phía Bắc. Hội HTGDLSVN ra đời là tâm nguyện của những người lính, làm sao phải tìm cho hết các hài cốt của đồng đội. Và trong 13 năm qua, Hội đã tìm và thông báo cho 200 nghìn gia đình liệt sĩ, xử lý 40 nghìn hồ sơ; tư vấn, hỗ trợ cho 33 nghìn gia đình. Kết quả giám định ADN đã trả lại tên cho gần 1200 liệt sĩ; xây dựng 1200 căn nhà tình nghĩa với tổng kinh phí hơn 170 tỷ đồng, điều này có ý nghĩa rất lớn, bởi chúng ta đều là những người “ăn cơm nhà đi làm việc thiện”, không lương, không trợ cấp bất kì một khoảng kinh phí nào. Thế nhưng, mỗi lần tìm được một liệt sĩ là quên ăn, quên ngủ, để làm sao đưa các anh về lại với đất mẹ. Tôi đi khắp cả nước, nhiều người mẹ chỉ mong sao đưa được xương cốt của liệt sĩ trở về, điều đó đã thôi thúc cho các thành viên luôn luôn hướng về các Anh hùng liệt sĩ. Hội viên chúng ta đã góp phần làm cho xã hội tìm được xương cốt các chiến sĩ đã hy sinh.”. Ông Hưng bày tỏ.
Cũng tại buổi lễ tổng kết, Chủ tịch Hội Hội HTGDLSVN biểu dương những kết quả đạt được của Văn phòng cơ quan đại diện phía Nam trong công tác tri ân liệt sĩ; đề nghị Văn phòng phía Nam trong thời gian tới tiếp tục tham mưu cho Ban chấp hành Trung ương Hội nắm chắc tình hình thực hiện nhiệm vụ ở phía Nam; tích cực hỗ trợ, tư vấn cung cấp thông tin cho GĐLS tìm, đón hài cốt, đính chính thông tin trên bia mộ; khảo sát lại trên địa bàn, tiến hành vận động, xây dựng các tổ chức hội ở các địa phương trọng điểm; nghiên cứu mở rộng các tổ chức liên kết như trường học, cựu chiến binh, doanh nghiệp cũng như tăng cường mối quan hệ giao lưu, kết nối với các sở, ban, ngành, đoàn thể tại Thành phố Hồ Chí Mình và các tỉnh thành phía Nam.
Dịp này, Hội HTGDLSVN cũng tặng bằng khen cho các tập thể và cá nhân xuất sắc; trao bảng vàng tri ân cho các doanh nghiệp, các mạnh thường quân đã đồng hành với Hội trong công tác tri ân liệt sĩ và các gia đình chính sách.
Lê Thanh Đào