Trên đây là những đề xuất của ông Lê Trường Duy - Giám đốc Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 tại TP. Hồ Chí Minh (HCMC C4IR) trong buổi làm việc với phái đoàn Tổng Lãnh sự các nước Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc diễn ra chiều 14/4/2025, tại TP. Hồ Chí Minh.
![]() |
Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 tại TP. Hồ Chí Minh (HCMC C4IR) tại buổi làm việc với phái đoàn Tổng Lãnh sự các nước Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc. |
Theo đó, 5 đề xuất trên cụ thể xoay quay các nội dung: thiết lập một sàn giao dịch công nghệ giữa bốn quốc gia Việt Nam, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc, với tầm nhìn dần tiến tới một sàn giao dịch công nghệ quốc tế. Sàn giao dịch này sẽ là nơi học hỏi và cộng hưởng những công nghệ tiên tiến từ các nước tham gia, tạo ra công nghệ mới và hàng hóa công nghệ có giá trị cho tất cả các bên. Sàn giao dịch sẽ được xây dựng theo mô hình hợp tác công-tư, với sự tham gia của các doanh nghiệp từ bốn quốc gia và dưới sự điều phối thống nhất của các chính phủ.
TP. Hồ Chí Minh cùng với Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc thiết lập cơ chế điều phối chuỗi cung ứng bền vững thông qua các công cụ công nghệ tiên tiến. Điều này sẽ giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất, giảm thiểu chi phí và tăng cường khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp tham gia.
![]() |
Ông Lê Trường Duy - Giám đốc Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 tại TP. Hồ Chí Minh (HCMC C4IR) |
“Chúng tôi mong muốn thu hút ít nhất hai nhà đầu tư từ mỗi quốc gia đầu tư vào TP. Hồ Chí Minh trong các lĩnh vực trọng điểm như dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, vật liệu mới, công nghệ sinh học và nghiên cứu phát triển (R&D). Những khoản đầu tư này sẽ góp phần nâng cao hạ tầng thiết bị, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam, từ đó tạo ra giá trị tốt hơn và nhiều hơn cho chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngoài ra, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lâu dài, chúng tôi đề xuất 3 nước Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và TP. Hồ Chí Minh cùng xây dựng khung hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chính thức, trong đó trước mắt tập trung vào đào tạo 1.000 kỹ sư chuyên sâu cho giai đoạn 2025-2026. Hỗ trợ ít nhất 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ tại TP. Hồ Chí Minh tiếp cận và ứng dụng trí tuệ nhân tạo phổ quát và chuyên ngành.
Bên cạnh đó, nhằm hỗ trợ các dự án khởi nghiệp và trao đổi sinh viên, chúng tôi đề xuất xây dựng các chương trình hỗ trợ startups và trao đổi sinh viên ngành khoa học công nghệ giữa bốn quốc gia. Những chương trình này sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và sinh viên được học hỏi, nâng cao kiến thức, kỹ năng và ứng dụng công nghệ tiên tiến vào thực tiễn.” - ông Lê Trường Duy nói.
Ông Duy cũng nhấn mạnh thêm về việc hợp tác trong lĩnh vực khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. “Chúng tôi mong muốn đẩy mạnh tổ chức nhiều hoạt động kết nối, để tìm hiểu thị trường khởi nghiệp sáng tạo giữa các bên; phối hợp tổ chức các khóa đào tạo, ươm tạo, tăng tốc, và tăng kết nối đầu tư tài chính cho các đơn vị khởi nghiệp và thế hệ trẻ tại TP. Hồ Chí Minh” - Giám đốc HCMC C4IR nhấn mạnh.
![]() |
Đoàn chụp ảnh kỷ niệm tại buổi làm việc. |
Cũng tại buổi làm việc, ông Lê Quốc Cường - Phó Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh (SHTP) cũng đã giới thiệu về các hoạt động của SHTP, là trung tâm công nghệ cao hàng đầu tại Việt Nam chủ yếu tập trung vào các ngành công nghệ tiên tiến như: vi mạch, AI, CNSH, vật liệu mới và tự động hóa.
Hiện tổng số dự án đầu tư vào Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh là 161 dự án với tổng vốn 12,59 tỷ USD. Trong đó, có 51 dự án FDI - 10,37 tỷ USD (chiếm 82,34%), 110 dự án trong nước - 2,22 tỷ USD (chiếm 17,66%). Tỷ trọng xuất khẩu của Khu công nghệ cao chiếm hơn 40% xuất khẩu của toàn Thành phố. Sự đóng góp đáng kể này chủ yếu đến từ các doanh nghiệp công nghệ cao hoạt động trong SHTP, đặc biệt là Intel Products Vietnam. Tính đến đầu năm 2025, Intel đã xuất khẩu lũy kế hơn 96,2 tỷ USD, chiếm gần 60% kim ngạch xuất khẩu của SHTP và khoảng 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của TP. Hồ Chí Minh.
Định hướng đến năm 2030, SHTP sẽ tập trung thu hút các dự án đầu tư chiến lược nhằm xây dựng và nâng cao năng lực công nghệ trong các ngành công nghiệp nền tảng có giá trị tăng cao với những ưu tiên lựa chọn dựa trên các tiêu chí cốt lõi như: ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ mới và chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; sản phẩm và công nghệ có hàm lượng R&D cao; thúc đẩy chuyển giao công nghệ và giao thoa tri thức để phát triển KH&CN từ nội lực; tận dụng lợi thế cạnh tranh của Thành phố về ngành nghề, chi phí và nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm hoàn thiện hệ sinh thái công nghiệp; nâng cao năng lực của doanh nghiệp địa phương trong chuỗi cung ứng toàn cầu; phát triển các sản phẩm công nghệ cao có khả năng trên trường quốc tế…
![]() |
Bà Susan Burns - Tổng Lãnh sự, Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP. Hồ Chí Minh (áo vest trắng). |
Về phía phái đoàn các Tổng lãnh sự các nước tại TP. Hồ Chí Minh, bà Susan Burns - Tổng Lãnh sự, Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, chính cuộc gặp này đã giúp phái đoàn hiểu được các ưu tiên và mục tiêu của phía Việt Nam. Đây cũng là điểm chung mà tất cả các công ty của Hoa Kỳ đều quan tâm, trong đó về đào tạo nguồn nhân lực. Bà Susan cũng thông tin thêm vấn đề về chuỗi cung ứng bền vững là điều mà các công ty của Hoa Kỳ rất quan tâm. Chính vì vậy, bà Susan kỳ vọng có thể mở rộng cùng Việt Nam trên cơ sở đảm bảo rằng các công ty của Hoa Kỳ ở Việt Nam đang nhận được những điều mà doanh nghiệp cần để phát triển và thịnh vượng.
![]() |
Ông Kim Nyon Ho, Chủ tịch Phòng thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM) (người thứ 2 từ phải vào) |
Bên cạnh đó, vướng mắc về các thủ tục pháp lý khi đầu tư tại Việt Nam cũng được đưa ra là vấn đề luôn được quan tâm. “Mặc dù, chúng tôi biết chính phủ Việt Nam luôn tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam nhưng khi triển khai từng trường hợp cụ thể phải làm như thế nào, chúng tôi vẫn không biết liên hệ trực tiếp với ai để giải quyết…” - ông Kim Nyon Ho, Chủ tịch Phòng thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM) chia sẻ.
Theo ông Lê Trường Duy - Giám đốc HCMC C4IR, C4IR có nhiệm vụ chính là thúc đẩy hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh với khuôn khổ 24 Trung tâm cách mạng công nghiệp trên toàn cầu trong hệ sinh thái của Diễn đàn Kinh tế thế giới; mở rộng, thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia, các bộ ngành, các địa phương, các tổ chức quốc tế, các cộng đồng doanh nghiệp để tiến tới hợp tác lĩnh vực khoa học công nghệ, ứng dụng tối đa thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. |