Ước mơ lớn không dành cho tham vọng nhỏ
Đại hội đồng cổ đông năm 2010 đã trở thành một cột mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của VPBank. Đó là thời điểm Hội đồng Quản trị và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ mới được bầu ra, với sự ra mắt của ông Ngô Chí Dũng trong tư cách là Chủ tịch Hội đồng Quản trị.
Ngay khi ngồi vào “ghế nóng”, Hội đồng Quản trị đã đặt ra một mục tiêu khi ấy được cho là quá tham vọng, thậm chí có phần nghi ngờ về tính khả thi: Đưa VPBank vào nhóm 5 ngân hàng thương mại cổ phần lớn nhất cả nước vào năm 2017.
Sự hoài nghi này hoàn toàn có cơ sở khi nhìn vào tình cảnh lúc đó của VPBank. Tổng tài sản của ngân hàng năm 2009 mới đạt 27.543 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất trước thuế chỉ ở mức ít ỏi là 383 tỷ đồng, ở rất xa phía sau so với các ngân hàng thương mại cổ phần khác như ACB, Sacombank, Eximbank và Techcombank…. Không những vậy, giai đoạn 2009-2010 là giai đoạn đặc biệt khó khăn của nền kinh tế. VPBank tuy không phải đối mặt với vấn đề thanh khoản, nhưng ở vị thế một ngân hàng nhỏ, những tác động tiêu cực từ thị trường bất ổn là không thể tránh khỏi.
Tuy nhiên, những điều đó không làm chùn đi ý chí của Hội đồng Quản trị mới. Ngày 27/7/2010, Ngân hàng Nhà nước phê duyệt tên mới của VPBank là “Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng”. Tên mới thể hiện một khát khao, một tầm nhìn mới của ngân hàng. Nó chính là tham vọng mà ngân hàng hướng đến.
Và thực tế cho thấy, nếu không có tham vọng lớn, sẽ không có động lực để tạo ra những đột phá, không có quyết tâm để vươn tới một đỉnh cao mới. Chỉ trong vòng hai năm, lợi nhuận của ngân hàng đã tăng hơn 2,7 lần, lên 1.064 tỷ đồng cuối năm 2011. 5 năm sau, VPBank đã trở thành ngân hàng có lợi nhuận hợp nhất lớn nhất khối ngân hàng thương mại cổ phần, đứng thứ tư toàn hệ thống ngân hàng. Vậy là trong vòng 7 năm, kể từ dấu mốc Đại hội đồng cổ đông 2010, VPBank đã hoàn thành tham vọng đặt ra ban đầu, tạo ra một nền tảng vững chắc cho ngân hàng vươn tới những mục tiêu cao hơn trong giai đoạn tiếp theo.
Khi được hỏi đâu là nguyên nhân dẫn tới thành công của VPBank sau năm 2010, một lãnh đạo cấp cao của ngân hàng chia sẻ rằng, yếu tố cốt lõi là sự đồng thuận cao, cùng chung chí hướng, cùng chung một mục tiêu của tất cả thành viên Hội đồng Quản trị. Nhờ có sự đồng lòng, trong giai đoạn 2010-2017, VPBank được biết đến trên thị trường là một ngân hàng có sự thay đổi nhanh nhất, nhiều ý tưởng sáng tạo nhất được đưa ra.
Cụ thể, vào thời điểm năm 2010, VPBank đã lựa chọn tập trung vào phân khúc bán lẻ, với các sản phẩm cho vay tín chấp làm chủ đạo, chiến lược lúc bấy giờ được cho là khá mạo hiểm. Chỉ cần 5 năm sau, quyết định này đã mang lại trái ngọt khi VPBank khẳng định vị thế là một trong những ngân hàng bán lẻ lớn nhất cả nước, tiên phong với những sản phẩm độc đáo như tín dụng tiêu dùng, tín dụng tiểu thương hay như sản phẩm vay tín chấp cho doanh nghiệp siêu nhỏ.
Sự đồng lòng của tập thể VPBank cũng là lý do chỉ trong khoảng thời gian 4 năm từ 2010 đến 2014, ngân hàng đã hoàn tất quá trình chuyển đổi mô hình vận hành và quản trị theo hướng tập trung hóa, chuyên môn hóa.
Bên cạnh đó, những dự án, giải pháp mang tính chiến lược như chương trình thúc đẩy Bán hàng (SSP), dự án cải thiện chất lượng dịch vụ Service 100+, sáng kiến Value Prop (sáng kiến đưa ra những sản phẩm nổi trội cho những phân khúc khách hàng khác nhau), và đặc biệt bước đột phá FE Credit đã góp phần đưa VPBank lên thẳng “chiếu trên”, lọt top những “ông lớn” ngân hàng hàng đầu.
Mô hình tập đoàn tài chính
Mười năm chuyển mình và lột xác thành một “ông lớn” trong hệ thống ngân hàng chưa phải là điểm dừng của VPBank. Ở một vị thế mới, có thực lực và quy mô lớn, VPBank sẽ tiếp tục chuyển mình để hướng đến những mục tiêu cao hơn.
“VPBank đã sẵn sàng vươn tới mục tiêu lớn mạnh hơn, hiện thực hóa những tham vọng và hoài bão mà từ 10 năm trước chúng tôi đã gửi gắm vào tên gọi “Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng” - ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank, cho biết.
Trước mắt, sự chuyển mình ở một giai đoạn mới sẽ bắt đầu với một kế hoạch rất tham vọng, khởi đầu bằng những hoạt động tăng vốn khủng ngay trong năm nay. Tại Đại hội đồng cổ đông vừa diễn ra tại Hà Nội, ban lãnh đạo ngân hàng đã trình một kế hoạch đưa VPBank trở thành ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất hệ thống, hơn 79.000 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của ngân hàng trong năm nay cũng có thể ở mức 120.000 tỷ đồng.
Song song với đó là một chiến lược phát triển trong 5 năm tới, mà theo lời ông Vinh là đang ở giai đoạn cuối và sẽ được công bố trong vài tháng tới. Ông bật mí các mảng kinh doanh chiến lược khách hàng cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng trong những năm tiếp theo. VPBank cũng sẽ tiếp tục tìm kiếm các cơ hội và động lực tăng trưởng mới, trong đó có mảng chứng khoán, ngân hàng đầu tư và bảo hiểm, nhằm củng cố doanh thu và lợi nhuận của ngân hàng này.
Không dừng lại ở lời nói, đầu năm 2022, VPBank mua lại Công ty Chứng khoán ASC tiến hành đổi tên thành Công ty Chứng khoán VPBank Securities. Ngay sau khi thương vụ thâu tóm hoàn tất, một kế hoạch tăng rót vốn “khủng”, đưa vốn điều lệ của VPBank Securities lên 20.000 tỷ đồng cũng đã được trình tại Đại hội đồng cổ đông.
Một bước đi đáng chú ý khác là đa dạng hóa hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Tháng 3/2022, VPBank gia hạn hợp đồng phân phối độc quyền bảo hiểm AIA tới tận năm 2019 thay vì 2015 như trước đó. Một tháng sau, ngân hàng công bố kế hoạch mua lại 100% hoặc hơn 90% cổ phần của Công ty bảo hiểm OPES, một công ty bảo hiểm phi nhân thọ mới thành lập nhưng đầy hứa hẹn về tiềm năng phát triển.
“Việc mua công ty bảo hiểm OPES và công ty chứng khoán ASC nằm trong chiến lược của ngân hàng. VPBank đang có xu hướng trở thành mô hình tập đoàn tài chính. Các hoạt động bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ hay chứng khoán là những mảnh ghép cần thiết cho mô hình tập đoàn trong hệ sinh thái,” ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VPBank, giải thích.
Rõ ràng, sau 10 năm chuyển mình thành một ngân hàng lớn, VPBank đã bắt đầu vào một giai đoạn phát triển mới hướng đến trở thành một tập đoàn tài chính toàn diện để có thể thực hiện được sứ mệnh “Vì một Việt Nam thịnh vượng.”
Hạnh Nguyễn