Tại sao giới trẻ Hàn Quốc lựa chọn “chạy trốn” khỏi đô thị?
Từ một quốc gia nghèo khó, Hàn Quốc đã vươn lên trở thành đất nước đô thị hoá nhất Châu Á bên cạnh Singapore. Tăng trưởng kinh tế nước này thu hút đông đảo sự chú ý. “Kỳ tích sông Hàn” đã tạo ra một khu vực siêu đô thị với trung tâm là thủ đô Seoul và biến nơi này trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên khắp đất nước. Tuy nhiên chính mô hình tăng trưởng này để lại hệ hụy xã hội nghiêm trọng.
Đầu tiên là tình trạng quá tải. Hơn một nửa trong số 50 triệu người dân Hàn Quốc sống ở Seoul và các khu vực lân cận. Mật độ dân số của thủ đô gấp tám lần New York và ba lần so với Tokyo. Thứ hai là giá sinh hoạt tăng nhanh, đặc biệt là giá nhà đất. Năm ngoái, ngay cả khi dịch bệnh xuất hiện, giá nhà ở Hàn Quốc vẫn tiếp tục leo thang. Trong năm 2020, giá nhà ở Hàn Quốc tăng mạnh 8,51%. Quý đầu tiên của năm nay ghi nhận mức tăng 4,32% so với quý trước.
Trong bối cảnh giới nhà giàu nước này cạnh tranh giá nhà ở tại thủ đô với các nhà đầu cơ bất động sản nước ngoài, tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã đưa ra một số chính sách điều chỉnh giá nhà đất. Tuy nhiên, các chính sách trên hoàn toàn thất bại, truyền thông vạch trần một số trường hợp nhiều nhân viên của Bộ Nhà đất Quốc gia đã mua một số lượng đất lớn với giá hơn 10 tỷ won. Sau khi khu đất được công bố hợp nhất với một dự án phát triển khu dân cư, nhóm người này kiếm được bộn tiền.
Ngoài giá nhà đất tăng cao, dịch bệnh Covid-19 đã khiến người lao động khổ sở với lệ người trẻ thất nghiệp cao. Theo thống kê, thời gian đi làm trung bình của thanh niên Hàn Quốc là 18 tháng, tình trạng thất nghiệp kéo dài không chỉ đem lại áp lực lớn về tinh thần và tài chính mà còn khiến nhiều người từ bỏ kế hoạch hẹn hò, kết hôn và có con. Trước tình hình trên, những người trẻ Hàn Quốc buộc phải lựa chọn hướng đi khác của cuộc đời mình.
Trở về nông thôn
Việc người dân Hàn Quốc có xu hướng trở về nông thôn sinh sống không phải là tin mới nhưng trước đây, hầu hết mọi sự chú ý đều tập trung vào các thành phố vệ tinh. Trên thực tế, tình hình trên đã diễn ra tại khu vực thủ đô trong một thời gian dài. Theo thống kê của chính phủ Hàn Quốc, có 10.503 gia đình rời các thành phố để làm nông nghiệp trong năm 2011, nhiều hơn gấp đôi so với con số năm 2010.
Trong thời đại dịch, trọng tâm tiêu dùng và giải trí của người dân Hàn Quốc chuyển sang online, các dịch vụ đặt hàng đã trải khắp các khu vực trên cả nước, càng thúc đẩy nhiều người rời bỏ cuộc sống xô bồ nơi phố thị. Ngoài ra, số lượng việc làm thuê ở các thành phố lớn đã bị thu hẹp nghiêm trọng và giá nhà đất chưa có dấu hiệu ngừng lại. Ngược lại, giá nhà ở nông thôn rẻ hơn đáng kể, mật độ dân số nhỏ hạn chế tiếp xúc và giảm nguy cơ mắc bệnh. Đồng thời, khoảng cách giữa thành thị và nông thôn của Hàn Quốc ngày càng thu hẹp cũng là nguyên nhân khách quan dẫn đến làn sóng “phản đô thị hóa” này.
Cơ sở hạ tầng nông thôn của Hàn Quốc đã hoàn thiện, trong 30 năm qua, chính phủ Hàn Quốc tiếp tục đẩy mạnh phát triển các thị trấn nhỏ. Hiện nay, với tỷ lệ đô thị hóa 79,7%, nước này tiếp tục ban hành các luật liên quan và đề xuất thúc đẩy 10 năm lập kế hoạch canh tác tại các thị trấn nhỏ. Vào năm 2010, 100 trong số 194 thị trấn nhỏ địa phương ở Hàn Quốc đã thành lập “Kế hoạch xúc tiến canh tác 10 năm”.
Chính phủ tăng cường xúc tiến các hành mục cải tạo đường phố, cải thiện đường và cống rãnh, nâng cao môi trường dân cư sửa chữa nhà ở. Theo số liệu công bố, kể từ năm 2020, gần 500 nghìn người Hàn Quốc đã di cư đến các trang trại và các vùng nông thôn khác, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái, gần một nửa trong số đó là thanh niên trong độ tuổi 20 và 30.
Đối với những “nông dân mới hồi hương” này, Chính phủ Hàn Quốc cũng đã tích cực hỗ trợ thể hiện sự ủng hộ trong cuộc di tản dân cư thành thị trong những năm gần đây. Các biện pháp hỗ trợ tái định cư nông thôn ra đời. Chính phủ cung cấp trợ cấp cho những nông dân trẻ đủ điều kiện trong độ tuổi từ 18 đến 40 lên đến 1 triệu won mỗi tháng trong ba năm đầu tiên. Nông dân mới được hỗ trợ đất nông nghiệp và đào tạo tại chỗ.
Bộ Hàng hải và Ngư nghiệp Hàn Quốc đã lựa chọn 268 ngư dân để hỗ trợ tài chính và mua nhà. 65,7% người đăng ký đi đánh cá và 25,4% chọn nghề nuôi trồng thủy sản. Chính phủ sẽ cung cấp khoản vay kinh doanh 300 triệu won và 50 triệu won khác cho các doanh nhân được chấp thuận với lãi suất hàng năm là 2%.
Xu hướng bền vững hay lối thoát ngắn hạn?
Trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vào cuối những năm 1990, hàng nghìn người đã mất việc làm và chỉ có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ địa phương. Tuy nhiên, ngay sau khi cuộc khủng hoảng kết thúc và ngành công nghiệp Hàn Quốc bắt đầu thịnh vượng trở lại, người dân đổ xô về lại các thành phố và nhà máy. Chính vì vậy, nhiều người cho rằng đó chỉ là hiện tượng xã hội do dịch bệnh gây ra. Ở Hàn Quốc, thu nhập của nông dân nhìn chung còn thấp, trung bình là 32 triệu won / năm, trong khi thu nhập bình quân của các thành phố là 42 triệu won.
Theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), nhiều gia đình nông dân Hàn Quốc dựa vào cứu trợ của chính phủ để duy trì sinh kế. Trợ cấp nông nghiệp chiếm 45% thu nhập của nông dân, gấp hơn hai lần so với nông dân châu Âu. Chỉ có 7,4% người nhập cư ở nông thôn sở hữu từ 3 ha đất trở lên, phần còn lại hầu như không sở hữu đất và rất khó sống ở một quốc gia có thu nhập và tiêu dùng cao như Hàn Quốc nếu chỉ bằng nghề nông.
Bên cạnh đó, nhiều người trẻ coi việc trở về quê hương làm nông nghiệp là “nơi sinh sống cuối cùng” nhưng Hàn Quốc đang dần mở rộng nhập khẩu nông sản. Nước này đã ký một loạt hiệp định thương mại tự do với Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu. Nhiều nông dân thẳng thắn cho rằng, khi Hàn Quốc tự do hóa nhập khẩu nông sản, đời sống của họ sẽ trở nên khó khăn hơn.
Tuy nhiên, so với giá nhà đất cao ngất ngưởng ở thành phố thì khó khăn này ở nông thôn dường như chưa là gì. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Kinh tế Nông thôn Hàn Quốc, dù thu nhập thấp nhưng chỉ có 7% người về nông thôn cho biết họ không hài lòng với cuộc sống mới.
TL