Hiện, Australia là nền kinh tế lớn thứ 13 trên thế giới với kim ngạch nhập khẩu (NK) hàng hóa gần 250 tỷ USD/năm. Dù quy mô dân số khá nhỏ, chỉ 25,7 triệu dân nhưng đây là thị trường rất tiềm năng bởi người dân sẵn sàng trả giá cao cho các sản phẩm chất lượng và cũng cởi mở với hàng hóa NK. Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Australia cho hay, cơ hội để hàng hóa Việt Nam sang thị trường Australia đang rất thuận lợi, nhờ thuế suất hàng xuất khẩu (XK) Việt Nam sang Australia hầu hết về 0%, DN dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu chất lượng cao từ các nước thành viên; hàng hóa Việt Nam cũng đã có chỗ đứng nhất định tại thị trường Australia. Ngoài ra, hiện cộng đồng người Việt Nam tại Australia với trên 320 nghìn Việt kiều, chưa kể số lượng cán bộ, du học sinh đang công tác, học tập. “Đây là cơ sở để quảng bá sản phẩm, xây dựng mạng lưới khách hàng, hệ thống phân phối hàng Việt vững chắc tại thị trường Australia” - theo Thương vụ Việt Nam tại Australia.
6 tháng đầu năm, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Australia tăng trưởng rất tích cực. Theo Thương vụ Việt Nam tại Australia, kim ngạch XK của hàng Việt Nam sang Australia đạt hơn 2,78 tỷ USD, tăng hơn 691,35 triệu USD. Trong các nhóm hàng có giá trị XK lớn là: Điện thoại các loại và linh kiện tăng 22,92%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 14,12%; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác tăng 91,47%; hàng dệt may tăng 19,29%... Các mặt hàng nông, lâm, thủy sản cũng đạt mức tăng trưởng tích cực, cụ thể: hàng thủy sản tăng 42,18%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 16,75%; hạt điều tăng 11,91%; hàng rau, quả tăng 8,74%; cà phê tăng 106,78%; gạo tăng 16,22%... Trong các nhóm hàng nguyên vật liệu xây dựng, sắt thép các loại có sự tăng trưởng mạnh mẽ 546,63%, các nhóm hàng còn lại có mức tăng từ 14,43 - 90,29%.
Thuận lợi lớn, nhưng thách thức cũng không ít, theo đó, Thương vụ Việt Nam tại Australia đã nêu, rào cản kỹ thuật, quy định ngặt nghèo về an toàn sinh học của Australia vẫn là trở ngại lớn cho các DN XK Việt Nam trong việc phát triển và mở rộng thị trường XK. Đặc biệt, Australia là một trong số các quốc gia điều tra phòng vệ thương mại (PVTM) khá thường xuyên, nhất là hàng XK của Việt Nam luôn nằm trong tầm ngắm điều tra PVTM của thị trường.
Với 3 Hiệp định thương mại tự do (FTA) chung là FTA ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), nên dư địa để thúc đẩy hợp tác thương mại Việt Nam – Australia rất lớn. Trong đó, DN XK có thể tận dụng quy tắc xuất xứ linh hoạt và lộ trình cắt giảm thuế có lợi hơn để áp dụng nhằm tăng khả năng cạnh tranh, tăng cường XK.
Tuy nhiên, ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục PVTM lưu ý, số lượng các vụ điều tra PVTM đối với hàng hóa XK của Việt Nam từ Australia đang có xu hướng tăng lên trong thời gian gần đây. Tính đến nay, Australia đã tiến hành gần 20 vụ việc điều tra PVTM đối với hàng hóa XK của Việt Nam. Riêng năm 2020, Australia là một trong hai quốc gia điều tra PVTM nhiều thứ hai sau Hoa Kỳ với hàng hóa Việt Nam. Sản phẩm bị điều tra chủ yếu là thép, nhôm; một số sản phẩm ngành chế biến, chế tạo cũng bị đưa vào tầm ngắm.
Nhận diện các thách thức đối với hàng hóa XK, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh phối hợp giữa các Bộ, ngành, cơ quan Chính phủ ở trung ương và địa phương trong việc xử lý các vụ việc PVTM cũng như hướng dẫn và hỗ trợ DN Việt Nam xử lý các vụ việc PVTM hiệu quả hơn, đáp ứng tốt hơn các quy tắc xuất xứ để tận dụng lợi ích trong các FTA giữa Việt Nam và Australia.
Đồng thời, từ kinh nghiệm ứng phó với những vụ việc điều tra PVTM của thị trường Australia thời gian qua, đại diện Cục PVTM cho rằng, các DN XK cần tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ; không tiếp tay cho hành vi gian lận xuất xứ, lẩn tránh biện pháp PVTM; cân nhắc rủi ro về PVTM khi xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh, XK; tăng cường cạnh tranh bằng chất lượng, hạn chế việc cạnh tranh bằng giá; trang bị kiến thức cơ bản về pháp luật PVTM để ứng phó hiệu quả.
P.V