![]() |
Ảnh minh hoạ |
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng có điểm đầu là vị trí kết nối ray qua biên giới giữa ga Lào Cai mới và ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc), điểm cuối tuyến tại khu bến Lạch Huyện. Tuyến đường sắt đi qua địa phận 9 tỉnh, thành phố, chiều dài tuyến chính khoảng 390,9km và có 3 tuyến nhánh dài khoảng 27,9km.
Được đánh giá có hướng tuyến tối ưu, Dự án đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng chạy dọc theo sông Hồng và đường cao tốc Hà Nội-Lào Cai, rất thuận lợi cho kết nối đường bộ và đường sắt. Việc phát triển giao thông vận tải đường sắt trên hành lang kinh tế Đông Tây "Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng" không chỉ thúc đẩy kinh tế mậu dịch qua lại giữa Việt Nam và Trung Quốc mà còn hình thành tuyến thông đạo bằng đường sắt liên kết Đông Á-Trung Á-châu Âu; tạo không gian phát triển mới, đẩy nhanh quá trình phát triển đô thị, công nghiệp, du lịch, dịch vụ... tại các địa phương dọc hành lang tuyến.
Các doanh nghiệp cũng sẽ được hưởng lợi từ việc giảm chi phí vận chuyển, mở rộng thị trường tiêu thụ. Người dân địa phương sẽ có cơ hội được đi lại, giao thương thuận lợi hơn, tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục tốt hơn. Dự án cũng sẽ tạo ra nhiều việc làm, giúp người dân tăng thu nhập và cải thiện đời sống
Theo Tờ trình về việc ban hành Nghị quyết của HĐND Thành phố thông qua việc đóng góp kinh phí từ nguồn vốn ngân sách thành phố để thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng (đoạn qua địa bàn thành phố Hải Phòng), để đồng bộ với các nội dung quy hoạch trong Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng trên địa bàn thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tiến độ đầu tư xây dựng khu bến cảng Nam Đồ Sơn và Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng (đã được Thủ tướng Chính phủ thành lập tại Quyết định số 1511/QĐ-TTg ngày 4/12/2024), UBND Thành phố đã đề xuất về việc Hải Phòng đóng góp với tổng kinh phí khoảng 10.960 tỷ đồng vào nguồn vốn Dự án để thực hiện giải phóng mặt bằng trên địa bàn Thành phố (cả 2 giai đoạn) và xây dựng tuyến nhánh Nam Hải Phòng-Nam Đồ Sơn trước năm 2030, chiều dài 12,63km.
Hải Phòng nhận định việc triển khai Dự án có ý nghĩa tác động rất lớn đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố, góp phần từng bước phát triển giao thông vận tải đường sắt hiện đại, đồng bộ, qua đó tạo được hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững đúng như mục tiêu Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị đã đề ra.
Hải Phòng đánh giá Dự án sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách, hàng hóa trên hành lang Đông Tây, là cửa ngõ giao thương với thế giới qua các cảng biển lớn khu vực Hải Phòng, cũng như kết nối liên vận quốc tế về giao thông đường sắt tại cửa khẩu Lào Cai.