![]() |
Ảnh minh hoạ |
Kế hoạch nhằm thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 8/1/2025 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025.
Mục tiêu của Kế hoạch là cải thiện mạnh mẽ chất lượng môi trường kinh doanh của thành phố Hải Phòng để phù hợp với bối cảnh và xu thế phát triển, nhằm góp phần nâng cao vị thế của đất nước trên các bảng xếp hạng toàn cầu. Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động; giảm chi phí tuân thủ, bảo đảm an toàn và phù hợp với thông lệ quốc tế tốt; thực hiện phân cấp, phân quyền; thúc đẩy tinh thần kinh doanh; khuyến khích đổi mới, sáng tạo; đồng thời củng cố niềm tin, tạo điểm tựa cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển.
Phấn đấu đạt được các chỉ tiêu theo Kế hoạch số 197/KH-UBND ngày 22/8/2024 về nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) năm 2024 – 2025 của thành phố nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, giữ vững vị trí xếp hạng PCI của thành phố trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước và trong nhóm địa phương có chất lượng điều hành kinh tế tốt. Đồng thời phấn đấu số doanh nghiệp gia nhập thị trường (thành lập mới và quay trở lại hoạt động) năm 2025 tăng ít nhất 5% so với năm 2024 (dự kiến là 3.701 doanh nghiệp); số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường năm 2025 tăng dưới 10% so với năm 2024 (dự kiến là 457 doanh nghiệp).
Nhằm hiện thực hóa các mục tiêu đề ra, UBND TP Hải Phòng đã phân công các sở, ngành, địa phương triển khai sáu nhóm nhiệm vụ trọng tâm, như: Tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện dự án đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút nguồn vốn; Nâng cao chất lượng cải cách danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện, rà soát và đơn giản hóa điều kiện kinh doanh; Xây dựng giải pháp đột phá về thể chế, cơ chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi thu hút, chuyển giao và làm chủ công nghệ cao, công nghệ tiên tiến; Đổi mới công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa, triển khai hiệu quả Cổng thông tin một cửa quốc gia; Cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông và chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước để nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính; Nâng cao chất lượng các dịch vụ phát triển kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững.