Hai nửa sáng - tối chờ đón doanh nghiệp năm 2021

10:14 23/02/2021

Theo các nhà phân tích, cách ngành sản xuất phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước sẽ tiếp tục đà phục hồi. Tuy nhiên ở một số ngành hàng xuất khẩu, dự kiến sẽ còn khó khăn trong nửa đầu năm 2021.

Trải qua năm 2020, dịch COVID-19 đã làm đảo lộn thế giới, ảnh hưởng nặng nề tới từng ngóc ngách của nền kinh tế, khiến nhiều doanh nghiệp lao đao, thậm chí rơi vào vòng xoáy phá sản.

Trong khi nhiều nước vẫn đang gồng mình chống dịch, kinh tế trì trệ thì Việt Nam đã trở thành điểm sáng trên thế giới dù tăng trưởng GDP năm 2020 thấp nhất một thập kỷ.

Báo cáo mới đây của nhà cung cấp dữ liệu FiinGroup nhận định, doanh thu và lợi nhuận khối doanh nghiệp phi tài chính đang trên đà hồi phục mạnh nhưng vẫn chưa về mức trước dịch COVID-19. 

Dự báo về năm 2021, các nhà phân tích Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá các ngành sản suất phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước sẽ tiếp tục đà phục hồi, lĩnh vực xuất khẩu cũng sẽ phục hồi toàn diện hơn và có thể tạo thêm động lực phát triển cho năm 2021.

Trong khi đó, các lĩnh vực dịch vụ liên quan đến du lịch vẫn chưa hết khó khăn do các biện pháp ngăn chặn nhập cảnh phòng ngừa dịch bệnh vẫn chưa được tháo gỡ.

Còn theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến, chế tạo thì có tới 81% đánh giá tích cực và chỉ 19% doanh nghiệp dự báo hoạt động kinh doanh sẽ khó khăn hơn trong quý I/2021.

Để hình dung về bức tranh kinh doanh năm 2021, ngay trước thềm năm mới, chúng tôi đã cuộc trao đổi với lãnh đạo các doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực như nhựa, bất động sản, xuất khẩu thuỷ sản, xuất khẩu nông sản, vận tải... để lắng nghe những chia sẻ, kế hoạch về hoạt động kinh doanh sau một năm COVID-19 đầy sóng gió.

Hai nửa sáng, tối chờ đón doanh nghiệp năm 2021 - Ảnh 1.

Ông Phạm Đỗ Huy Cường, Phó Tổng Giám đốc Thường trực kiêm Giám đốc Tài chính CTCP Tập đoàn An Phát Holdings (Mã: APH) chia sẻ: “Năm 2020, không chỉ riêng chúng tôi mà tất cả các doanh nghiệp đều phải đối mặt với những thách thức lớn chưa từng có trong lịch sử”. 

Với mảng kinh doanh cốt lõi là sản xuất bao bì thì An Phát Holdings vẫn duy trì tăng trưởng.

Tuy nhiên dịch bệnh cũng ảnh hưởng tới các lĩnh vực kinh doanh khác của công ty. Mảng nhựa kỹ thuật cao của công ty con Nhựa Hà Nội, do hoạt động sản xuất của các khách lớn là nhà sản xuất ô tô, xe máy bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, kết quả kinh doanh của An Phát Holdings cũng bị tác động phần nào. 

Bên cạnh đó, ông Cường nói thêm, do dịch bệnh gây khó khăn cho các khách hàng nước ngoài đến thăm và tìm hiểu thị trường Việt Nam nên tiến độ khai thác khu công nghiệp An Phát Complex bị chậm hơn dự kiến ban đầu.

Về kết quả kinh doanh năm 2020, ông Cường chia sẻ, dự kiến lợi nhuận sau thuế của An Phát Holdings ước tính đạt 320 tỷ đồng, thực hiện được khoảng 50% kế hoạch lợi nhuận năm. 

Nói về triển vọng ngành bao bì trong năm 2021, ông Cường cho biết, ngành bao bì truyền thống dự kiến vẫn duy trì tăng trưởng 4 - 5%, tuy nhiên mảng bao bì thân thiện môi trường sẽ tăng trưởng nhanh hơn, dự kiến khoảng 15 - 20%/năm.

Ngoài ra, từ năm 2021, mảng bao bì công nghiệp sẽ bắt đầu đóng góp sản lượng khoảng 10% cho mảng bao bì của tập đoàn.

Với lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp, ông Cường nhận định năm 2021 sẽ là một năm bùng nổ của ngành khi Việt Nam tận dụng được những thế mạnh và cơ hội như chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu, các Hiệp định tự do thương mại. Dự kiến phần doanh thu chuyển nhượng đất còn lại Khu công nghiệp Complex ước khoảng 500 tỷ đồng sẽ ghi nhận hết vào nửa đầu năm 2021. 

Liên quan tới Dự án Nhà máy nguyên liệu sinh học phân hủy hoàn toàn, lãnh đạo tập đoàn chia sẻ, đang gấp rút hoàn thiện hợp đồng tư vấn thiết kế, dự kiến ký kết vào đầu năm 2021 để có thể khởi công dự án vào thời điểm tháng 9/2021. Dự kiến dự án sẽ hoàn thành năm 2023 giúp đưa tập đoàn vào bản đồ ngành nguyên liệu sinh học phân hủy thế giới.  

Chia sẻ chiến lược phát triển trong năm 2021, ông Cường cho hay, các lĩnh vực ưu tiên của  tập đoàn sẽ vẫn là sản phẩm xanh, nhựa kỹ thuật và bất động sản khu công nghiệp. 

Ông nói thêm, hiện tại, tập đoàn đã xây dựng xong kế hoạch lợi nhuận cho CTCP Nhựa An Phát Xanh (Mã: AAA) là 550 tỷ đồng cho năm 2021. 

Về kế hoạch mở rộng sản xuất, lãnh đạo tập đoàn cho biết năm 2021, dự kiến công suất cho mảng bao bì tiếp tục được nâng lên 120.000 tấn/năm, bao gồm cả bao bì màng mỏng và bao bì công nghiệp. 

Đồng thời, An Phát Holdings cũng sẽ tiếp tục đầu tư hạ tầng cho Khu công nghiệp Quốc Tuấn - An Bình giai đoạn 1 với diện tích 180 ha, dự kiến khu công nghiệp sẽ được khai thác chính thức trong nửa đầu năm 2021. 

Hai nửa sáng, tối chờ đón doanh nghiệp năm 2021 - Ảnh 2.

CTCP Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy (Mã: TCH) là doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản (chủ yếu tập trung ở Hải Phòng) và kinh doanh ô tô tải.

Chia sẻ về tiềm năng thị trường bất động sản năm 2021, ông Nguyễn Huy Dương, Giám đốc Tài chính dự báo vẫn rất sôi động và tiềm năng. Ngoài nhu cầu thực lớn thì ảnh hưởng của dịch bệnh thôi thúc người dân mong muốn sở hữu một căn nhà riêng để yên tâm về nơi ở cho gia đình càng trở nên cấp thiết. 

Bên cạnh đó, ông Dương nhận định mặt bằng lãi suất cho vay hạ thấp  đi cũng là một động lực kích thích người dân mua nhà. Tuy nhiên, thách thức chính vẫn là tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Hiện TCH đang nghiên cứu thị trường và một số dự án ở các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM. Ông Dương cho rằng đây là một quá trình cần chuẩn bị kỹ càng để có hiệu quả cao nhất.

Với lĩnh vực kinh doanh xe đầu kéo Mỹ, ông Dương nhận định thị trường vẫn sôi động. Với vị thế ngày càng lên trong khu vực và việc Việt Nam tham gia sâu rộng các Hiệp định tự do thương mại như EVFTA, RCEP,… đây sẽ là nền tảng thúc đẩy hoạt động liên quan tới logistics, cảng biển tiếp tục tăng trưởng. 

Trên nền tảng này, nhu cầu xe đầu kéo Mỹ phục vụ các hoạt động vận tải nội địa vẫn tiếp tục tăng trưởng, dự kiến trên hai con số trong năm 2021, ông Dương chia sẻ. 

Hai nửa sáng, tối chờ đón doanh nghiệp năm 2021 - Ảnh 4.

Năm 2020, xuất khẩu tôm trở thành điểm sáng của ngành thuỷ sản giữa tâm bão Đại dịch COVID-19, trong đó, CTCP Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC) liên tục ghi nhận nhiều mốc kỷ lục về doanh số xuất khẩu tôm.

Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Sao Ta, thị trường xuất khẩu tôm dự báo vẫn tốt trong năm 2021 do đối thủ còn yếu và vùng nguyên liệu còn tốt. Tuy nhiên, nếu dịch COVID-19 hết sớm thì lực lượng lao động cũng dự kiến sẽ không còn dồi dào như hiện nay, ông Lực nhận định..

Bên cạnh đó, đầu năm 2021 xuất hiện hiện tượng thời tiết Lanila nên sản lượng tôm dự kiến sẽ ít đi.

Năm 2021, ông Lực dự báo doanh số xuất khẩu của Sao Ta chỉ tăng trưởng một con số thay vì hai con số như năm 2020.

Dự báo về thị trường xuất khẩu, ông Lực cho biết, hiện Sao Ta đang xuất tới ba thị trường "chân vạc" gần như cân bằng là Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU. 

Năm 2020, do Mỹ có khoảng trống hàng của Ấn Độ nên thị trường Mỹ cũng "khá" nhưng dự báo năm 2021 thị trường EU lại tăng trưởng khá hơn, khoảng trên 30%, không lệch quá nhiều so với hai thị trường Nhật Bản và Hoa Kỳ.

Về kế hoạch mở rộng thêm thị trường năm 2021, ông Lực chia sẻ, "bán thị trường lớn có tiền hơn" nhưng Sao Ta cũng không bỏ thị trường nhỏ, thị trường nào cũng vào ít nhiều để giữ chân, đề phòng rủi ro như Hàn Quốc, Úc là các thị trường lớn sau ba thị trường trên.

Liên quan tới câu chuyện tận dụng cơ hội của Hiệp định EVFTA với xuất khẩu tôm có lẽ không mới nhưng vẫn là một trăn trở với doanh nghiệp xuất khẩu. 

Ông Lực cho hay, muốn bán được tôm ở những thị trường này, quan trọng là phải truy xuất được nguồn gốc rõ ràng, do đó cơ quan chức năng của Bộ Nông nghiệp phải nhanh chóng cấp mã số vùng nuôi, ao nuôi. Tuy nhiên, việc cấp mã số này vẫn còn chậm, ông cho biết.

Thứ hai, thị trường này cạnh tranh rất gay gắt, muốn tăng giá bán thì phải vào hệ thống tiêu thụ cấp cao. Nhưng muốn vào đó doanh nghiệp phải chứng minh được sự minh bạch nguồn gốc xuất xứ, đạt chuẩn quy định của từng nước. Muốn đạt chuẩn thì doanh nghiệp phải có trang trại nuôi quy mô cỡ vài chục ha. Quy mô lớn như vậy thì rất khó khi dính tới hạn điền (mỗi hộ sản xuất nông nghiệp bị giới hạn diện tích sử dụng đất). Giờ nhà nước phải xem xét lại thì người nông dân mới dám đầu tư. 

Hai nửa sáng, tối chờ đón doanh nghiệp năm 2021 - Ảnh 5.

Năm 2020 được đánh giá là năm đầy khó khăn với ngành hàng hồ tiêu và cà phê dưới tác động của dịch COVID-19 cùng với áp lực dư cung.

Ông Phan Minh Thông - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của CTCP Phúc Sinh, đơn vị nắm khoảng 10% thị phần xuất khẩu trong nước và khoảng 6% thị phần hồ tiêu trên thế giới nhận định: “Năm 2020, thị trường quá biến động và có quá nhiều biến cố không lường trước được. Tới cuối năm 2020 khi tình hình có vẻ khả quan hơn thì tình trạng container rỗng khan hiếm khiến doanh nghiệp không thể xuất hàng được”. 

Ông Thông chia sẻ, chưa bao giờ Phúc Sinh xuất hàng ít như thời điểm này, bình thường công ty xuất ít nhất 40 container/ngày nhưng giờ xuất chỉ khoảng 3 container/ngày.Thời điểm hiện tại, đang vào vụ tiêu và cà phê nhưng các doanh nghiệp lại không xuất khẩu được. 

Theo quan điểm của ông Thông, năm 2021 vẫn tiếp tục “đen tối”, thị trường xuất khẩu dự báo tiếp tục khó khăn vào quý I và quý II.

Thị trường châu Âu là thị trường lớn nhất của Phúc Sinh nhưng dịch bệnh lại đang tác động tiêu cực tới các nước chủ lực như Đức, Ý… Ông Thông cho biết, doanh thu xuất khẩu tiêu của Phúc Sinh chiếm khoảng 50% cơ cấu và cà phê là khoảng 35%.

Ông Thông chia sẻ thêm, Phúc Sinh đang khó khăn ở thị trường châu Âu và Mỹ nên hiện doanh nghiệp phải xoay chuyển, tập trung thị trường trong nước mà cụ thể là thị trường bán lẻ. 

Hiện Phúc Sinh đang bán hàng nghìn mặt hàng thực phẩm nhập khẩu từ châu Âu và của Việt Nam từ gia vị, nước ép, sữa, bánh kẹo tới máy móc.

Ông Thông cho biết, đã triển khai bán online từ lâu nhưng mới làm app bán hàng trên mobile được 1 tháng. Sau khi triển khai bán hàng trên ứng dụng mobile, doanh số của công ty tăng gấp hơn 6 lần cùng kỳ năm trước lên 55 tỷ đồng. Đây cũng là lần đầu tiên Phúc Sinh Consumers (FMCG) trong hệ sinh thái có lời.  

Hai nửa sáng, tối chờ đón doanh nghiệp năm 2021 - Ảnh 7.

Năm 2020 ghi nhận sự cạnh tranh khốc liệt trong mảng gọi xe công nghệ với cuộc chơi "đốt tiền". Nửa đầu năm 2020, Grab vẫn là đơn vị số 1 với 74,6% thị phần và đứng sau gã khổng lồ nước ngoài là Be Group, đơn vị gốc Việt chiếm 12,4% thị phần gọi xe.

Chia sẻ với chúng tôi về định hướng phát triển, đại diện Be Group chia sẻ công ty không chọn đốt tiền và thậm chí đã tìm thấy một thị trường cho riêng mình ở Việt Nam.

Từ khi bắt đầu đại dịch, Be Group đã tung ra “Be Đi chợ”, dịch vụ mua giúp hàng hóa cho người tiêu dùng và đang tăng trưởng 200% đến 300% mỗi tháng. 

Đại diện công ty chia sẻ, Be sẽ là một nền tảng di động kết hợp tất cả các phương thức giao thông vào ứng dụng của mình để cung cấp giải pháp tất cả dịch vụ trong một ứng dụng cho khách hàng và sẽ là một nhà cung cấp dịch vụ di động (mobility-as-a-service -MaaS) tại Việt Nam.

“Open platform” (nền tảng mở) là một trong những định hướng của Be Group để tạo nên sự khác biệt, khác với chiến lược siêu ứng dụng tự làm tất cả, được áp dụng bởi nhiều hãng gọi xe khác.

MaaS cho phép người dùng lập kế hoạch, đặt chỗ và thanh toán cho nhiều loại dịch vụ di động từ một nền tảng duy nhất.

Công ty hiện vận hành beBike và beCar, các dịch vụ gọi xe gắn máy và ô tô, cũng như dịch vụ beDelivery cho việc giao nhận hàng hóa.

Người dùng cũng có thể đặt taxi qua tính năng beTaxi. Be Group cũng hợp tác với EMDDI, một nền tảng quản lý đặt xe cho các công ty taxi, cho phép người dùng đặt xe taxi từ các nhà khai thác trong Liên minh taxi Việt Nam cùng với với dịch vụ đặt vé xe khách trực tuyến thông qua Vexere.vn.

Ngoài ra, công ty đã hợp tác với ví điện tử MoMo, mới đây là TrueMoney, để xử lý các giao dịch không dùng tiền mặt trên nền tảng.

Đại diện Be Group chia sẻ, cho đến nay công ty vẫn tránh gia nhập vào lĩnh vực giao đồ ăn, một lĩnh vực đặc biệt cạnh tranh ở Việt Nam.

Liên quan tới kế hoạch phát triển sản phẩm, đại diện Be cho biết đầu năm 2021, công ty sẽ phát triển mảng tài chính số, đặt ra tham vọng xây dựng cả một hệ sinh thái tài chính công nghệ. Đây cũng là chiến lược phù hợp với triết lý nền tảng công nghệ mở mà Be Group đang theo đuổi.

Theo Vietnambiz.vn