Hà Nội: Tăng cường kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

06:28 10/04/2021

UBND Thành phố xác định rõ nguyên tắc bảo vệ rừng là trách nhiệm của mọi cơ quan tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và trách nhiệm quản lý nhà nước của các cấp về rừng và đất lâm nghiệp...

Xác định 33 xã trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng

Thực tế nhiều năm qua, tình hình thời tiết luôn có những diễn biến phức tạp, thậm chí là những biến động khó lường. Biến đổi khí hậu đã mang lại những tác động khiến nắng nóng, khô hanh diễn ra trên diện rộng. Điều này làm tăng nguy cơ xảy ra cháy rừng.

Căn cứ tình hình thực tế, UBND TP xác định thời gian cao điểm có thể xảy ra cháy rừng trong năm trên địa bàn thành phố vào các tháng 1, 2, 3, 4 và 10, 11, 12 hàng năm

Căn cứ tình hình thực tế, UBND TP xác định thời gian cao điểm có thể xảy ra cháy rừng trong năm trên địa bàn thành phố vào các tháng 1, 2, 3, 4 và 10, 11, 12 hàng năm. (Ảnh: minh họa)

Thực tế này đồng thời mang lại những thách thức lớn trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn Thành phố.

Theo đó, công tác phòng, chống cháy rừng đã trở  thành mối quan tâm của nhiều Bộ, ngành như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), UBND thành phố, Sở NN&PTNT Hà Nội. Công tác quản lý, bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó, công tác quản lý giống lâm nghiệp đạt được một số kết quả nhất định.

Hằng năm, Thành phố đã thường xuyên thực hiện kiểm tra, đánh giá phân loại các cơ sở sản xuất kinh doanh giống cây trồng. Trên cơ sở đó, Sở NN&PTNT đã tổ chức hướng dẫn các tổ chức cá nhân sản xuất kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn. Các loại giống cây trồng được sử dụng chủ yếu trên địa bàn gồm: thông, lát hoa, de gừng, sấu, sao đen, lim xanh, keo tai tượng, keo lai…

Thống kê cho thấy, hiện nay, trên địa bàn Thành phố có 52 tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tham gia sản xuất kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp.

UBND TP. Hà Nội xác định rõ nguyên tắc bảo vệ rừng là trách nhiệm của mọi cơ quan tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và trách nhiệm quản lý nhà nước của các cấp về rừng và đất lâm nghiệp.

Để làm tốt công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, toàn Thành phố đã kiện toàn 61 Ban Chỉ đạo với 659 người tham gia, thành lập 117 tổ, đội xung kích bảo vệ rừng với 1.131 người tham gia. Ngoài ra, còn có lực lượng của chủ rừng và 21 đơn vị quân đội tham gia với 2.380 người tham gia.

Thời gian tới đây sẽ là cao điểm xảy ra cháy rừng trong năm. Nhằm chủ động làm tốt công tác phòng chống cháy rừng, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng; tăng cường công tác tuần tra giám sát trên địa bàn quản lý, đặc biệt là các xã trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng; tổ chức hướng dẫn việc xây dựng, thực hiện phương án phòng cháy, chữa cháy rừng của các chủ rừng, khi có cháy rừng xảy ra, tổ chức chữa cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ”.

Kết quả rà soát công tác quản lý, bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy và phát triển rừng trên địa bàn thành phố Hà Nội cho thấy, trên địa bàn thành phố đã xác định được 33 xã trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng trên địa bàn 7 huyện, thị xã có rừng.

Căn cứ tình hình thực tế, UBND TP xác định thời gian cao điểm có thể xảy ra cháy rừng trong năm trên địa bàn thành phố vào các tháng 1, 2, 3, 4 và 10, 11, 12 hàng năm.

Vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng tại 33 xã thuộc địa bàn 6 huyện và 1 thị xã. Cụ thể, huyện Sóc Sơn, 9 xã (Bắc Sơn, Nam Sơn, Minh Trí, Minh Phú, Hồng Kỳ, Quang Tiến và Tiên Dược); huyện Ba Vì, 9 xã (Minh Quang, Khánh Thượng, Vân Hoà, Yên Bài, Tản Lĩnh, Ba Trại, Ba Vì, Thuần Mỹ và Cẩm Lĩnh); huyện Thạch Thất, 4 xã (Yên Trung, Yên Bình, Tiến Xuân và Thạch Hoà); huyện Quốc Oai, 2 xã (Đông Xuân và Phú Mãn); huyện Mỹ Đức, 4 xã (Hương Sơn, An Phú, Tuy Lai và Hồng Sơn); huyện Chương Mỹ, 1 xã (Nam Phương Tiến); thị xã Sơn Tây, 4 xã (Kim Sơn, Cổ Đông, Sơn Đông và Xuân Sơn).

Năm 2020, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xảy ra tổng số 21 vụ cháy rừng, diện tích đám cháy hơn 16,6ha, chủ yếu cháy thảm thực bì, không gây thiệt hại lớn đến tài nguyên rừng.

Trong 3 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 7 vụ cháy rừng, diện tích đám cháy 9,79ha, so với cùng kỳ năm 2020 tăng 1 vụ cháy rừng, diện tích đám cháy cũng tăng 2,3ha.

Ban hành Kế hoạch số 94/KH-UBND

Ngày 8/4, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 94/KH-UBND về kiểm tra việc thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2021.

Vào 00h25 ngày 4/4 vừa qua đã  xảy ra cháy tại số nhà 311 phố Tôn Đức Thắng (phường Hàng Bột, Đống Đa), gây thiệt hại to lớn về người và tài sản

Vào 00h25 ngày 4/4 vừa qua đã xảy ra cháy tại số nhà 311 phố Tôn Đức Thắng (phường Hàng Bột, Đống Đa), gây thiệt hại to lớn về người và tài sản.

Theo đó, từ ngày 15/5 đến 15/10/2021, UBND thành phố chỉ đạo kiểm tra việc thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố. Đối tượng kiểm tra về nội dung trên gồm: Các Sở, ban, ngành; UBND cấp huyện; UBND cấp xã; cơ sở trọng điểm có nguy cơ cháy, nổ cao trên địa bàn thành phố; 100% UBND cấp xã và lựa chọn một số cơ sở trọng điểm có nguy cơ cháy, nổ cao trên địa bàn.

Nội dung kiểm tra: Công tác triển khai, thực hiện nghị quyết, chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo của Trung ương, Bộ Công an, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã ban hành. Việc thực hiện trách nhiệm của UBND các cấp theo quy định tại khoản 4 Điều 58 Luật Phòng cháy và chữa cháy và Điều 52 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ.

Việc thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức theo khoản 2 Điều 1 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy.

Việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy. Kiểm tra việc thực hiện các kiến nghị của các Đoàn Thanh tra, kiểm tra (nếu có); về công tác tổ chức thường trực sẵn sàng “bốn tại chỗ” về phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn; việc thực hiện chế độ thống kê, báo cáo về phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn.

UBND thành phố giao Công an Thành phố là cơ quan Thường trực, tham mưu thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành cấp thành phố. UBND cấp huyện xây dựng kế hoạch kiểm tra; thành lập đoàn kiểm tra cấp huyện…

UBND thành phố cũng thành lập Đoàn kiểm tra cấp thành phố, do đồng chí Lê Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Thường Trực UBND thành phố làm Trưởng đoàn. Cùng với đó, thành lập 30 đoàn kiểm tra cấp huyện và giao UBND cấp huyện thành lập mỗi đơn vị 1 đoàn kiểm tra liên ngành (đối tượng, thời gian kiểm tra do đồng chí Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định).

Hà An