Trước yêu cầu hoàn thành kế hoạch giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2025, UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Công văn số 4179/UBND-KT, yêu cầu các đơn vị tập trung triển khai đồng bộ nhiều biện pháp kiểm soát và thúc đẩy giải ngân. Trong đó, đáng chú ý là việc áp dụng cơ chế báo cáo hàng tuần đối với các dự án có vốn lớn nhưng tiến độ giải ngân chậm, đồng thời đề xuất điều chuyển cán bộ nếu bị nhắc nhở 3 lần mà không có chuyển biến tích cực.
![]() |
Hà Nội siết kỷ luật đầu tư công: Áp cơ chế báo cáo hàng tuần với dự án giải ngân chậm |
Theo chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội, Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND các xã, phường, cùng các chủ đầu tư cần xác định rõ: giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị cấp bách hàng đầu. Kết quả giải ngân sẽ là thước đo uy tín và năng lực của người đứng đầu, được triển khai theo tinh thần "6 rõ": rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ quy trình và rõ hiệu quả. Thành phố nhấn mạnh: "Chỉ bàn làm, không bàn lùi".
Trước những tồn tại trong công tác giải ngân, thành phố yêu cầu các đơn vị phải áp dụng cơ chế báo cáo hàng tuần với các dự án có quy mô vốn lớn nhưng giải ngân chậm. Danh mục các dự án và chủ đầu tư cần kiểm tra, giám sát đặc biệt sẽ được Sở Tài chính đề xuất trình UBND Thành phố và Chủ tịch UBND Thành phố xem xét.
Đáng chú ý, những cán bộ chậm trễ, bị nhắc nhở 3 lần mà không chuyển biến, có thể bị điều chuyển vị trí công tác theo cơ chế xử lý trách nhiệm do Sở Nội vụ phối hợp với Sở Tài chính tham mưu.
UBND TP cũng yêu cầu các sở, ngành hỗ trợ các xã, phường và chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn, nhất là trong giải phóng mặt bằng – vốn là một điểm nghẽn lớn trong tiến độ dự án. Sở Nông nghiệp và Môi trường được giao làm đầu mối theo dõi, đôn đốc công tác này trên toàn thành phố.
Thành phố giao Sở Tài chính trình Kế hoạch điều hành và thúc đẩy giải ngân trước ngày 30/7/2025; xác định chỉ tiêu cụ thể cho từng đơn vị, từng dự án và phân công xử lý dứt điểm các vướng mắc với lộ trình rõ ràng.
Song song, Hà Nội cũng yêu cầu rà soát, đề xuất đình, hoãn, hoặc dừng các dự án chưa cấp thiết; nghiên cứu cơ cấu lại danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026–2030 theo hướng ưu tiên vốn cho các dự án hạ tầng kỹ thuật và xã hội, đặc biệt tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Khu Công nghệ cao Sinh học Hà Nội, và các ngành công nghệ cao có vai trò dẫn dắt như công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, vật liệu mới và tự động hóa.
Để đảm bảo quản lý và theo dõi hiệu quả, UBND Thành phố cũng yêu cầu các đơn vị hoàn tất đăng ký tài khoản, cập nhật dữ liệu trên Hệ thống quản lý thông tin dự án đầu tư. Dữ liệu phải luôn đảm bảo yêu cầu "đúng, đủ, sạch, sống", phục vụ cơ chế đánh giá theo thời gian thực.
Cùng với đó, công tác bàn giao giữa các đơn vị cũ với UBND các xã/phường theo mô hình chính quyền đô thị mới phải được hoàn tất chậm nhất trong tháng 7/2025. Tổ công tác liên ngành sẽ hỗ trợ các xã/phường tiếp nhận khối lượng lớn dự án chuyển giao.