Google thất bại trong thương vụ thâu tóm được kỳ vọng lớn nhất từ trước đến nay

17:06 23/07/2024

Đây là cú sốc thứ hai với Alphabet trong lĩnh vực mua bán và sáp nhập trong thời gian gần đây, sau các báo cáo về quyết định từ bỏ thỏa thuận với công ty phần mềm tiếp thị trực tuyến HubSpot.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Công ty khởi nghiệp an ninh mạng Wiz Inc. đã từ chối lời đề nghị mua lại trị giá lên tới 23 tỷ USD từ Alphabet - công ty mẹ của Google, thay vào đó họ tiếp tục kế hoạch chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).

Việc Wiz từ chối thỏa thuận mua lại đã dội gáo nước lạnh vào Alphabet trong bối cảnh "gã khổng lồ" công nghệ Mỹ đang cố gắng bắt kịp hai đối thủ Microsoft và Amazon trên thị trường dịch vụ đám mây đầy cạnh tranh.

Trong một bản ghi nhớ gửi đến nhân viên, CEO của Wiz, Assaf Rappaport, đã khẳng định: “Mặc dù rất vui mừng trước những lời đề nghị nhận được, chúng tôi quyết định tiếp tục con đường phát triển Wiz”. Rappaport không nêu đích danh Google trong thông báo này, nhưng cho biết mục tiêu tiếp theo của công ty là đạt doanh thu định kỳ hàng năm 1 tỷ USD và tiến hành IPO.

Hai năm trước, Alphabet đã mua công ty an ninh mạng Mandiant trong thương vụ mua lại lớn thứ hai của mình với giá 5,4 tỷ USD. Hãng này nhăm nhe mua lại Wiz để hoàn thiện các dịch vụ bảo mật của mình.

Cụ thể, hồi đầu tháng 7, Reuters đưa tin Alphabet đang trong quá trình đàm phán để mua lại Wiz với giá khoảng 23 tỷ USD. Nếu thương vụ thành công, đây sẽ là vụ thâu tóm lớn nhất trong lịch sử của Alphabet.

Wiz, thành lập vào năm 2020 tại Israel và hiện có trụ sở chính tại New York, là một trong những startup phần mềm phát triển nhanh nhất toàn cầu. Công ty này cung cấp giải pháp an ninh mạng dựa trên công nghệ đám mây với khả năng phát hiện và phản hồi mối đe dọa theo thời gian thực, được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo (AI).

Wiz đã đạt doanh thu khoảng 350 triệu USD vào năm 2023 và hợp tác với nhiều tập đoàn lớn như Microsoft, Amazon, và các công ty tài chính hàng đầu như Morgan Stanley và DocuSign. Gần đây, Wiz đã huy động được 1 tỷ USD từ tài trợ tư nhân, đưa giá trị công ty lên mức 12 tỷ USD. Điều này cho thấy công ty đang đặt cược vào khả năng tự tăng trưởng và phát triển bền vững, không phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài như mua lại hay sáp nhập.

Quyết định hủy bỏ thỏa thuận của Wiz sẽ là thất bại với Google, vốn đang đầu tư vào cơ sở hạ tầng đám mây của mình và tập trung vào việc giành khách hàng cho mảng kinh doanh đám mây từng tạo ra doanh thu hơn 33 tỉ USD trong năm ngoái. Đây là cú sốc thứ hai với Alphabet trong lĩnh vực mua bán và sáp nhập trong thời gian gần đây, sau các báo cáo về quyết định từ bỏ thỏa thuận với công ty phần mềm tiếp thị trực tuyến HubSpot.

Quyết định hủy bỏ thỏa thuận với Alphabet cho thấy Wiz tự tin vào con đường phát triển độc lập. CEO Assaf Rappaport khẳng định: “Chúng tôi rất vinh dự khi nhận được các đề nghị mua lại, nhưng chúng tôi đã quyết định tiếp tục con đường xây dựng Wiz. Với đội ngũ xuất sắc của mình, tôi tin tưởng vào tương lai của công ty”.

Tính trong năm 2024, số lượng vụ giao dịch toàn cầu trong lĩnh vực an ninh mạng đã tăng đáng kể. Có 120 giao dịch an ninh mạng toàn cầu được công bố trong nửa đầu năm 2024, trị giá 12,4 tỉ USD, so với 137 giao dịch như vậy vào 2023, tương đương 4,8 tỉ USD thỏa thuận, theo dữ liệu từ hãng thông tin tài chính Dealogic.

"Thị trường bảo mật đám mây đang rất sôi động", Jerome Seguera, nhà phân tích tình báo cao cấp tại công ty an ninh mạng MalwareBytes, cho hay. Ông nói thêm rằng, Wiz cung cấp cho khách hàng "khả năng quan sát tuyệt vời về tài sản của họ theo cách đơn giản".

Dave Dewalt, nhà sáng lập của công ty đầu tư mạo hiểm tập trung vào an ninh mạng NightDragon, cho biết, sự phát triển của Wiz là kết quả của tiếp thị mạnh mẽ và việc "ở đúng nơi, đúng thời điểm, với sản phẩm phù hợp".

DeWalt, cựu Giám đốc điều hành hãng FireEye, nói bảo mật đám mây là phần quan trọng nhất và phát triển nhanh nhất của an ninh mạng, do các cuộc tấn công ngày càng tăng vào tổ chức lớn.

"Các rủi ro trong đám mây cao hơn theo cấp số nhân. Vì vậy, an ninh cần phải mạnh mẽ hơn theo cấp số nhân, và có nhiều doanh thu hơn từ đó", DeWalt cho biết. Ông nói thêm rằng, hai hãng an ninh mạng Palo Alto Networks và Crowdstrike cũng đã tăng cường các dịch vụ bảo mật đám mây của họ những năm gần đây.

Mai Anh (t/h)

Tags: