Thứ năm 19/09/2024 11:35
Hotline: 024.355.63.010
Kinh doanh

Gỡ nút thắt tiếp cận nguồn vốn đầu tư cho các startup Việt

14/08/2024 16:46
Vòng đời của một startup thường được định hình bởi các vòng gọi vốn. Mỗi vòng gọi vốn không chỉ cung cấp nguồn lực cần thiết cho sự phát triển tiếp theo mà còn là dấu mốc để đánh giá mức độ thành công và tiềm năng của doanh nghiệp.
aa
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Trong suốt một thập kỷ qua, bức tranh khởi nghiệp tại Việt Nam đã trải qua những bước tiến mạnh mẽ với sự bùng nổ của hàng loạt các startup mới và lượng vốn đầu tư đáng kể. Giai đoạn 2014 - 2023, hơn 4,6 tỷ USD đã được rót vào các công ty khởi nghiệp Việt Nam thông qua 835 thương vụ đầu tư. Những con số ấn tượng này không chỉ thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước, mà còn phản ánh tiềm năng và sức hút của thị trường khởi nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, bức tranh sôi động ấy lại đang có dấu hiệu chững lại. Báo cáo Đầu tư Công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 cho thấy, năm 2023 chỉ có 529 triệu USD vốn đầu tư đổ vào các startup, giảm 17% so với năm 2022.

Vòng đời của một startup thường được định hình bởi các vòng gọi vốn. Mỗi vòng gọi vốn không chỉ cung cấp nguồn lực cần thiết cho sự phát triển tiếp theo mà còn là dấu mốc để đánh giá mức độ thành công và tiềm năng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc huy động vốn đang ngày càng trở nên khó khăn, và nhiều startup đã phải đối mặt với nguy cơ phá sản khi không thể tiếp tục nhận được sự hỗ trợ tài chính.

Ông Phạm Anh Cường, Giám đốc Quỹ đầu tư BestB Capital
Ông Phạm Anh Cường, Giám đốc Quỹ đầu tư BestB Capital.

Ông Phạm Anh Cường, Giám đốc Quỹ đầu tư BestB Capital trong trong diễn đàn "Đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam" được tổ chức mới đây, đã đưa ra những phân tích sâu sắc về thực trạng của các doanh nghiệp khởi nghiệp hiện nay. Ông chỉ ra rằng, mặc dù có rất nhiều mô hình khởi nghiệp đang hoạt động, tỷ lệ thất bại vẫn chiếm con số không nhỏ. Cụ thể, ông Cường nêu rõ 9 nguyên nhân chính dẫn đến sự sụp đổ của các startup, trong đó nổi bật là việc cạn kiệt tài chính hoặc không huy động được vốn mới (chiếm tới 38%). Bên cạnh vấn đề tài chính, không có nhu cầu thị trường ( chiếm 35%), vượt quá khả năng quản lý của doanh nghiệp (20%), và sai mô hình kinh doanh (19%) cũng là những yếu tố quan trọng dẫn đến thất bại. Những sai lầm này thường xuất phát từ sự thiếu kinh nghiệm, sự mạo hiểm trong các quyết định chiến lược, và đôi khi là sự tự tin thái quá vào ý tưởng của mình mà bỏ qua những nghiên cứu thị trường cần thiết.

Các nguyên nhân còn lại bao gồm thay đổi về quy định/pháp lý (chiếm 18%); các vấn đề về giá cả/chi phí (chiếm 15%); các vấn đề về team/nhóm (chiếm 14); sản phẩm được sử dụng sai (chiếm 10%); sản phẩm kém (chiếm 8%).

Đánh giá về thực trạng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, ông Cường nhận định rằng, tỷ lệ doanh nghiệp mới gia nhập thị trường ở Việt Nam hiện đang cao hơn hầu hết các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tỷ lệ này có phần chững lại, đồng thời tỷ lệ doanh nghiệp tồn tại và phát triển ổn định lại tăng lên. Điều này lại cho thấy một xu hướng tích cực: các doanh nghiệp khởi nghiệp ngày càng chú trọng hơn vào sự bền vững và phát triển dài hạn thay vì chạy theo những mục tiêu ngắn hạn.

Ông Cường cũng đặc biệt nhấn mạnh việc thiếu vốn là trở ngại với các doanh nghiệp khởi nghiệp giai đoạn đầu, đặc biệt là những doanh nghiệp dựa vào tri thức và bằng sáng chế.

Theo ông Cường, các nhà đầu tư có vai trò quan trọng trong cấp vốn giai đoạn ban đầu khi mô hình doanh nghiệp còn chưa được chuyên nghiệp hóa.

Từ chính kinh nghiệm khởi nghiệp của mình và quá trình thẩm định đầu tư của các startup, theo ông Cường, mặc dù nguồn vốn được xem là mạch sống của các startup, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là cứ có vốn dồi dào thì chắc chắn sẽ thành công. Trái lại, các doanh nghiệp cần phải biết cách quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn được đầu tư.

Chia sẻ với Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập, ông Cường cho biết, để có được nguồn vốn dồi dào, các startup cần trang bị tốt kỹ năng gọi vốn

"Việc chia nhỏ các vòng gọi vốn và chỉ gọi vừa đủ vốn theo cam kết với nhà đầu tư là một chiến lược khôn ngoan. Điều này không chỉ giúp startup tránh được nguy cơ lãng phí vốn mà còn giữ được động lực phấn đấu tạo ra doanh thu. Về nguyên lí, nếu gọi dư vốn thì sẽ xảy ra 2 khả năng. Thứ nhất là dễ dùng tiền không đúng mục đích, thứ 2 là sinh ra cảm giác thành công và tự tin quá, từ đó làm mất đi động lực và tinh thần chiến đấu cần thiết", Giám đốc Quỹ đầu tư BestB Capital nhận định.

Ngoài ra, để thu hút được sự tin tưởng từ các nhà đầu tư, các startup cần đặc biệt chú trọng đến tính minh bạch và chính xác trong các số liệu tài chính. Các nhà đầu tư thường đánh giá mức độ tâm huyết của startup thông qua hồ sơ gọi vốn và khả năng trình bày, tranh biện logic và thuyết phục. "Một startup hiểu rõ mô hình kinh doanh của mình và có tư duy chiến lược rõ ràng sẽ dễ dàng tạo được ấn tượng và niềm tin từ các nhà đầu tư", ông Cường chia sẻ.

Trong bối cảnh ngày càng cạnh tranh, ông Cường đưa ra lời khuyên rằng, các startup trẻ có thể tận dụng sự hỗ trợ từ các tổ chức trung gian. Những tổ chức này không chỉ giúp các doanh nghiệp trẻ hoàn thiện hồ sơ gọi vốn, mà còn đào tạo kỹ năng thuyết phục nhà đầu tư, từ đó nâng cao khả năng thành công trong việc huy động vốn. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh các nhà đầu tư ngày càng cẩn trọng và yêu cầu cao hơn về tính chuyên nghiệp và tiềm năng phát triển của các dự án khởi nghiệp.

Chia sẻ với phóng viên Cường cho biết thêm, bên cạnh vấn đề về nguồn vốn, các startup trẻ nên cố gắng trao dồi đầy đủ các kiến thức trong kinh doanh. Ngoài ra, họ nên hiểu về thị trường, nếu đã chọn mô hình kinh doanh nào thì đương nhiên phải hiểu rõ mô hình kinh doanh đó có lợi thế gì, khó khăn gì để đề ra chiến lược dài hạn cho phù hợp.

Trong tương lai, theo ông Cường, các startup Việt cần hướng về sự phát triển bền vững. Các vấn đề về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số luôn nằm trong tầm nhắm của các nhà đầu tư cá nhân cũng như các quỹ đầu tư. Sau đại dịch COVID-19, thế giới đã nhận ra tầm quan trọng của việc hướng đến một tương lai bền vững, nơi mà các sản phẩm không chỉ mang lại tiện ích cho con người mà còn góp phần bảo vệ môi trường và duy trì sự cân bằng sinh thái cho hành tinh.

Khởi nghiệp tại Việt Nam, mặc dù đầy tiềm năng, vẫn tiềm ẩn nhiều thách thức. Sự phát triển của các startup không chỉ phụ thuộc vào nguồn vốn, mà còn đòi hỏi sự nhạy bén trong kinh doanh, khả năng thích ứng với thị trường, và tầm nhìn chiến lược dài hạn. Với sự hỗ trợ từ các nhà đầu tư và các tổ chức trung gian, cùng với việc nắm bắt xu hướng phát triển bền vững, các startup Việt Nam hoàn toàn có thể vượt qua những khó khăn hiện tại để vươn tới thành công trong tương lai.

Trong giới startup, ông Phạm Anh Cường được biết tới là một chuyên gia trẻ tuổi trong lĩnh vực khởi nghiệp. Anh giữ vai trò như một nhà đầu tư, mentor cho các startup, diễn giả tại các hội thảo chia sẻ về khởi nghiệp. Cùng với BestB, ông cũng tích cực đồng hành cùng các cuộc thi dành cho startup tại các trường đại học. Bên cạnh đó, ông còn là Chủ tịch Flower Farm – một chuỗi chuyên sản xuất và cung cấp các loại hoa tươi, hoa giấy.

Bảo Bảo

Tin bài khác
Startup trò chơi kết hợp thể thao nhận vốn lớn từ Shark Minh Beta

Startup trò chơi kết hợp thể thao nhận vốn lớn từ Shark Minh Beta

Startup Box Dance đã gọi vốn thành công 10 tỷ đồng, nhờ vào việc chứng minh tiềm năng phát triển của mô hình trò chơi thể thao hướng đến giới trẻ này.
Hành trình trở thành tỷ phú của ông vua chuỗi siêu thị mini tại Malaysia

Hành trình trở thành tỷ phú của ông vua chuỗi siêu thị mini tại Malaysia

IPO của 99 Speed Mart đã huy động được 531 triệu USD tại Kuala Lumpur. Người sáng lập, ông Lee Thiam Wah, trở thành tỷ phú và sở hữu giá trị tài sản khoảng 3,3 tỷ USD.
Người thợ đánh giày chinh phục Shark Tank với startup Bệnh viện đồ da

Người thợ đánh giày chinh phục Shark Tank với startup Bệnh viện đồ da

Trong chương trình Shark Tank Việt Nam, anh Nguyễn Văn Phúc - CEO startup Bệnh viện đồ da đã xuất sắc thu hút đầu tư từ cả 4 Shark. Kết quả là anh đã nhận được khoản đầu tư 500 triệu đồng để đổi lấy 8% cổ phần của doanh nghiệp.
Startup Selex Motors trở thành thương hiệu xe điện thứ hai xuất khẩu ra nước ngoài

Startup Selex Motors trở thành thương hiệu xe điện thứ hai xuất khẩu ra nước ngoài

Theo nhà sáng lập Selex Motors, kế hoạch xuất khẩu ra nước ngoài tới sớm hơn dự kiến so với dự định và trong tương lai, Selex Motors cũng hướng tới phát triển các thị trường khác ở Đông Nam Á.
Kiếm gần 1 tỷ đồng mỗi tháng từ công việc nhiều người né tránh

Kiếm gần 1 tỷ đồng mỗi tháng từ công việc nhiều người né tránh

Bà mẹ hai con Libby Denney đã thu về gần 225 triệu đồng mỗi tuần từ công việc dọn dẹp các ngôi nhà cũ và cực bẩn thỉu. Công việc này không chỉ giúp cô có thu nhập đáng kể mà còn đem lại sự hài lòng khi biến những không gian xuống cấp trở nên sạch sẽ.
lp-bank
tms-group
sanghai-fair
ubnd-xa-hoa-son