Giải thưởng VIETSTOCK AWARDS 2022- “Chất xúc tác” cho ngành chăn nuôi Việt Nam phát triển và hội nhập quốc tế

19:05 01/10/2022

Nằm trong khuôn khổ triển lãm thương mại chuyên ngành chăn nuôi VIETSTOCK EXPO & FORUM 2022 sẽ tổ chức tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), Quận 7, TP.HCM từ ngày 12 - 14 tháng 10 năm 2022, Giải thưởng VIETSTOCK AWARDS 2022 được chủ trì bởi Cục Chăn nuôi – Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn sẽ trở lại và vinh danh những doanh nghiệp, tổ chức có nhiều đóng góp tích cực và ý nghĩa cho sự phát triển chung của ngành chăn nuôi Việt Nam.

Ảnh minh họa

Giải thưởng VIETSTOCK AWARDS 2022- “Chất xúc tác” cho ngành chăn nuôi Việt Nam phát triển và hội nhập quốc tế.

Ngày 26/8/2022, Cuộc họp Hội đồng Giải thưởng VIETSTOCK AWARDS 2022 đầu tiên diễn ra dưới sự chủ trì của Cục Chăn nuôi và sự tham gia của các đại diện đến từ Tổng cục Thủy sản, Hội Chăn nuôi Việt Nam, Hiệp hội Gia súc lớn Việt Nam, Hiệp hội Gia cầm Việt Nam, Viện Chăn nuôi, Khoa Chăn nuôi - Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã phê duyệt danh sách hạng mục và hoàn thiện bộ tiêu chí giải thưởng.

Giải thưởng VIETSTOCK AWARDS 2022 sẽ gồm các nhóm giải thưởng sau: Nhóm giải thưởng về sản xuất giống vật nuôi/thủy sản; Nhóm giải thưởng về sản xuất thức ăn chăn nuôi/thủy sản, Nhóm giải thưởng về trang trại, HTX chăn nuôi/thủy sản; Nhóm liên kết theo chuỗi giá trị (sản xuất, giết mổ/chế biến/bảo quản, tiêu thụ), xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi; Nhóm giải thưởng về đóng góp quan trọng cho ngành chăn nuôi.

Đăng ký tham gia giải thưởng qua đường link:

https://docs.google.com/forms/d/e/1FAIpQLSdNyxr0bHG_b5BpvFBPs0ReOPuB1XZ47vSv-Cwaqvfmc-8VYQ/viewform

Chia sẻ về sự phát triển của ngành, Cục trưởng Cục Chăn nuôi ông Dương Tất Thắng cho biết, ngành chăn nuôi đã và đang góp phần quan trọng vào an ninh dinh dưỡng quốc gia, tạo sinh kế gần 10 triệu hộ gia đình trên cả nước, với đóng góp 25,2% vào GDP nông nghiệp.

Ngành chăn nuôi Việt Nam đã nâng cao sức sản xuất, hội nhập mạnh với khu vực và Quốc tế. Cụ thể, chăn nuôi Việt Nam phát triển với tốc độ 5-7%/năm, góp phần quan trọng duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp.

Năm 2021, Việt Nam có tổng đàn lợn trên 28 triệu con, xuất chuồng trên 50 triệu con lợn thịt, đàn gia cầm trên 525 triệu con, đàn trâu 2,3 triệu con, đàn bò 6,4 triệu con (trong đó, bò sữa 375,2 ngàn con), đàn dê cừu 2,8 triệu con. Sản xuất ra 6,7 triệu tấn thịt, 17,5 tỷ quả trứng, 1,2 triệu tấn sữa, bảo đảm nhu cầu căn bản cho gần 100 triệu dân mà có những sản phẩm được xuất khẩu.

Với chính sách mở cửa, Việt Nam đã tạo môi trường đầu tư và điều kiện thuận lợi cho nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên thế giới (từ Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc, ...) đến đầu tư và phát triển kinh doanh chăn nuôi tại Việt Nam.

Có thể nói, dư địa của ngành chăn nuôi vẫn đang còn rất lớn. Hệ sinh thái chăn nuôi bao gồm sản xuất giống, thức ăn chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi (gồm trang trại và nông hộ), giết mổ, chế biến, thương mại sản phẩm đang hình thành và phát triển sang một giai đoạn mới.

Ông Thắng cũng cho rằng, bên cạnh những thành tựu nêu trên, ngành chăn nuôi Việt Nam đang còn những khó khăn. Tổ chức sản xuất thiếu tính liên kết giữa sản xuất với thị trường, quản trị trong sản xuất còn yếu.  Tính đến 2021, cả nước mới chỉ có 1.100 liên kết chăn nuôi (tổ hợp tác, nhóm hộ và hợp tác xã chăn nuôi), trong đó, chỉ có 5% số chuỗi liên kết áp dụng các các giải pháp truy xuất nguồn gốc, liên kết chuỗi còn lỏng lẻo, dễ đổ vỡ khi có biến động dịch bệnh, thị trường.

Cụ thể thứ nhất, ngành chăn nuôi còn phụ thuộc lớn vào nhập khẩu đặc biệt là nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (năm 2021 nhập khẩu trên gần 20 triệu tấn nguyên liệu TACN); cho đến nay, Việt Nam mới chủ động được một phần con giống, hàng năm vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn con giống từ nước ngoài.

Thứ hai là hoạt động giết mổ, chế biến sản phẩm chăn nuôi còn yếu, kiểm soát dịch bệnh, ATTP còn chưa tốt, sản phẩm chăn nuôi Việt Nam cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Thứ ba là Chăn nuôi chưa đảm bảo An toàn sinh học, công tác kiểm soát dịch bệnh, an toàn thực phẩm và môi trường còn nhiều khó khăn nhất là khu vực chăn nuôi nông hộ; Dịch bệnh vẫn liên tục đe dọa sự bền vững của nền sản xuất chăn nuôi.

Ngoài ra, ngành chăn nuôi đang và sẽ phải thay đổi để thích nghi và phát triển trong bối cảnh mới, và thách thức mới với 4 vấn đề như sau:

Thứ nhất, Toàn cầu hóa về thị trường xen lẫn các hình thức bảo hộ sản xuất và chiến tranh thương mại tác động lớn các chuỗi cung ứng; Cạnh tranh sản phẩm chăn nuôi ngày càng diễn ra căng thẳng khi Việt Nam là thành viên, đối tác tham gia 17 hiệp định thương mại tự do khu vực và thế giới; trong đó Hiệp định thế hệ mới (CPTPP; EVFTA),.. Yêu cầu sản phẩm chăn nuôi ngày càng phải ngon hơn, ATTP cao hơn, giá thành sản xuất phải rẻ hơn mới tạo được lợi thế cạnh tranh.

Thứ hai, Biến đổi khí hậu làm gia tăng các loại hình khí hậu cực đoan, ô nhiễm môi trường và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên là những vấn đề ngày càng phải quan tâm đối phó, đi cùng với đó là ô nhiễm từ chăn nuôi sẽ tăng khi chăn nuôi ở quy mô lớn nhưng yếu kém trong kiểm soát chất thải. Việt Nam là quốc gia được dự báo là một những nước bị ảnh hưởng lớn nhất của quá trình biến đổi khí hậu; Các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lũ lụt, giông lốc, lở đất, ... sẽ xảy ra và tác động đến hoạt động chăn nuôi.

Thứ ba, Dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đang diễn biến phức tạp, khó lường; tác động rất lớn đến chuỗi cung ứng trong nước cũng như toàn cầu, làm phát sinh những biến động lớn của thị trường. Ngoài ra, khi chăn nuôi càng thâm canh, mật độ cao, nếu yếu tố ATSH không đảm bảo sẽ làm phát sinh các dịch bệnh, tình trạng kháng kháng sinh trên vật nuôi và cả con người sẽ gia tăng. Các biện pháp ATSH vẫn rất cần được nâng cấp và áp dụng triệt để, thường xuyên.

Thứ tư, Cách mạng khoa học công nghệ 4.0 tạo ra những đột phá trong quản lý, quản trị và sản xuất với xu hướng chuyển đổi số gắn với chăn nuôi công nghệ cao; các mô hình nông nghiệp thông minh, nông nghiêp tuần hoàn, nông nghiệp số sẽ phát triển mạnh; Nếu ngành chăn nuôi Việt Nam không đổi mới/sáng tạo và bắt kịp xu hướng phát triển thì không thể phát triển và cạnh tranh trên thị trường quốc tế. 

Bà Rose Chitanuwat đại diện Tập đoàn Informa Markets
Bà Rose Chitanuwat đại diện Tập đoàn Informa Markets.

Bà Rose Chitanuwat đại diện Tập đoàn Informa Markets cho biết Triển lãm lần này sẽ được kết hợp cùng Vietfeed - Triển lãm chuyên ngành thức ăn chăn nuôi, và Vietmeat - Triển lãm chuyên ngành chế biến thịt sẽ quy tụ hơn 200 đơn vị trưng bày đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó sự góp mặt của hai nhóm gian hàng đến từ Hàn Quốc là Hiệp hội Sản phẩm Thú y Hàn Quốc (KAHPA) và Hiệp hội Nguyên liệu Thức ăn Chăn nuôi Hàn Quốc (KFIA) sẽ dẫn dắt hơn 24 doanh nghiệp Hàn quốc tham gia. Ngoài ra, còn có các doanh nghiệp nổi bật tại Triển lãm như Famsun, Điện tự động Thuận Nhật, Phát Nghĩa, Emivest, De Heus, Big Herdsman, Pigtek, International Nutrition, AB Agri, Andritz, Wisium – ADM, cùng nhiều thương hiệu khác. 

Đồng thời, cũng sẽ diễn ra các hoạt động bên lề như Hội thảo về Con giống & di truyền, Phát triển bền vững ngành chăn nuôi do Cục Chăn nuôi chủ trì, Hội thảo Ngành Bò sữa & Bò thịt tổ chức bởi Hiệp Hội Gia súc lớn Việt Nam, Hội thảo về Các giải pháp phát triển ngành Chăn nuôi lợn do Hội Chăn nuôi Việt Nam chủ trì. Ngoài ra còn có chương trình Hội thảo kỹ thuật do các Đơn vị trưng bày mang lại nhằm mang đến các hoạt động bổ ích, cung cấp kiến thức chuyên sâu cũng như cập nhật các xu hướng mới nhất của ngành chăn nuôi.

 Mỹ Dung