Gia Lai: Ngộ độc do ăn trứng cóc hấp, một người tử vong

11:35 02/12/2023

Ngày 2/12, Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm tỉnh Gia Lai cho biết vừa ghi nhận thêm một vụ ngộ độc thực phẩm do ăn trứng cóc khiến 1 người tử vong, 1 người nguy kịch.

Khoảng 15 giờ ngày 30/11, KC, RCS và RCA (20 tuổi) đi làm ruộng, bắt một con cóc làm thịt, rồi lấy trứng hấp ăn. Khoảng 30 phút sau, hai người xuất hiện triệu chứng đau đầu, buồn nôn, nôn ói, khó thở… và được người nhà đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai. Bệnh viện xác định bệnh nhân KC tử vong ngoại viện, RCS nguy kịch do ngộ độc. Riêng RCA, do chỉ nếm một ít trứng cóc nên chỉ xuất hiện triệu chứng nhẹ và tự gây nôn, không đi bệnh viện.

Ảnh minh họaBa thanh niên ăn trứng cóc, khiến một người tử vong và một người nguy kịch. Ảnh:
Ba thanh niên ăn trứng cóc, khiến một người tử vong và một người nguy kịch (Ảnh Như Nguyện).

Ngay sau khi nhận được thông tin vụ ngộ độc, Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm tỉnh Gia Lai, Trung tâm Y tế huyện Chư Prông, Trạm Y tế xã Ia Băng đã triển khai truyền thông tại chỗ cho người dân về việc không chế biến cóc để làm thức ăn; không nên ăn những thực phẩm tuy đã nấu chín nhưng để lâu ở nhiệt độ thường; thực hiện ăn chín, uống chín.

Đồng thời, lực lượng chức năng hướng dẫn người dân các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm trong lựa chọn, chế biến và sử dụng. Đồng thời cũng đề nghị Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền sâu rộng đến từng hộ dân để hạn chế xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm.

Cóc thuộc họ Bufonidae phổ biến ở Việt Nam là loại Bufomelanosticus. Dưới da cóc xù xì có nhiều tuyến chứa nọc độc (bufotoxin) rất mạnh, gồm các độc tố chính: bufotalin, bufbtonin, bufotenin và một số hợp chất hữu cơ khác. Gan cóc, trứng cóc cũng chứa nhiều bufbtoxin. Chất bufotaxin gây rối loạn nhịp tim, ức chế nhịp tim làm ngừng tim, ức chế hô hấp làm ngừng thở. Ngoài ra còn gây tổn thương thận, suy thận cấp, viêm ống thận cấp, rối loạn thần kinh gây ảo giác. Khi ăn phải chất độc của cóc, vài giờ sau nạn nhân thấy chóng mặt, đau châm chích ở đầu ngón tay, ngón chân, tiếp theo là nôn dữ dội kéo dài, tiêu chảy, đau bụng, nhịp tim chậm lại, tụt huyết áp. Phần lớn tử vong do rối loạn dẫn truyền thần kinh tim không hồi phục.

Tuyệt đối không bắt cóc ăn, không dùng thịt cóc làm chất bổ dưỡng cho trẻ nhỏ, thay thế thịt cóc bằng các loại thịt khác an toàn hơn như lợn gà, cá...Khi chẳng may bị ngộ độc thịt cóc, nên loại bỏ chất độc ngay bằng cách: Nếu tay, chân, mắt, miệng dính nhựa da cóc thì nhanh chóng rửa vùng tiếp xúc nhiều lần bằng nước sạch. Nếu vùng da có cảm giác rát bỏng hoặc sưng phồng thì phải vào bệnh viện ngay; nếu ăn trứng, gan, da cóc thì phải nhanh chóng kích thích cho nạn nhân nôn, ói càng sớm càng tốt, sau đó đưa vào bệnh viện ngay lập tức.

Ảnh minh họahi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm tỉnh, Trung tâm Y tế huyện Chư Prông, Trạm Y tế xã Ia Băng triển khai công tác truyền thông tại chỗ cho người dân về việc không chế biến cóc để làm thức ăn. Ảnh: Như Nguyện
Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm tỉnh Gia Lai, Trung tâm Y tế huyện Chư Prông, Trạm Y tế xã Ia Băng triển khai công tác truyền thông tại chỗ cho người dân về việc không chế biến cóc để làm thức ăn (Ảnh: Như Nguyện).

Theo Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm tỉnh Gia Lai, đây là ca tử vong thứ 3 do ăn cóc trên địa bàn tỉnh từ đầu năm 2023 đến nay. Trước đó, ngày 22/1 tại làng Kret Krot (xã Hà Ra, huyện Mang Yang) xảy ra 1 vụ với 4 người ăn, trong đó có 1 người tử vong. Vụ thứ 2 xảy ra vào ngày 7/4 tại làng Ia Sâm (xã Ia Rong, huyện Chư Pưh) với 3 người ăn, trong đó có 1 người tử vong.

Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm tỉnh Gia Lai đã ban hành nhiều văn bản về hướng dẫn tuyên truyền về ngộ độc thực phẩm nói chung và ngộ độc do độc tố tự nhiên nói riêng. Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm đề nghị Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc triển khai để hạn chế xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm.

P.V