Giá cà phê thời gian qua đang ở vùng cao kỷ lục từ trước đến nay, đem lại triển vọng tích cực cho Việt Nam – top 2 quốc gia xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới.
Cà phê Robusta của Việt Nam đang trên đà tăng giá mạnh, chỉ trong ba tháng đầu năm 2025, giá cà phê xuất khẩu bình quân đã vọt lên hơn 5.600 USD/tấn, tăng 73% so với cùng kỳ năm 2024. Con số này cũng cao hơn nhiều lần so với giai đoạn 2010-2023 loanh quanh 2.000 USD/tấn.
![]() |
Giá cà phê Robusta tăng dựng đứng thời gian qua. (Nguồn: Tradingview). |
Giá bán cao cũng đem lại cho việc xuất khẩu nhiều con số kỷ lục mới. Theo số liệu mới nhất từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường, xuất khẩu cà phê đạt 663.000 tấn trong 4 tháng đầu năm nay giảm gần 10% về lượng nhưng giá trị đạt gần 3,8 tỷ USD, tăng gấp rưỡi về về giá trị so với cùng kỳ năm 2024. Trong 4 tháng qua, mỗi tháng xuất khẩu cà phê đạt bình quân gần 1 tỷ USD.
Giá xuất khẩu bình quân 4 tháng đầu năm 2025 ước đạt 5.698 USD/tấn, tăng 67,5% so với cùng kỳ năm 2024.
Hiệp hội cà phê và ca cao Việt Nam (VICOFA) ước tính, sản lượng cà phê Việt Nam niên vụ 2024 - 2025 sụt giảm chỉ còn 1,59 triệu tấn so với ước tính ban đầu là 1,68 triệu tấn. Đây là yếu tố giúp giá cà phê duy trì mức cao và kéo dài trong thời gian qua.
Giá cà phê xuất khẩu cao cũng thúc đẩy giá bán trong nước, giúp nguồn thu của những nông dân trồng cà phê được cải thiện. Hiện tại, người nông dân trồng cà phê Robusta ở Tây Nguyên bán sản phẩm với giá trên dưới 134 triệu đồng/tấn, tăng gấp 3,5 lần con số trung bình 40 triệu đồng/tấn trong hai năm trước.
Giá cà phê tăng dựng đứng trong thời gian qua khiến người nông dân vui mừng, nhưng lại khiến doanh nghiệp phân phối cà phê gặp khó vì đơn hàng bị giảm khi thị trường khó chấp nhận một mức giá cao hơn so với trước. Bên cạnh đó, doanh nghiệp chuyên sản xuất thành phẩm phải xoay xở, mở rộng phân khúc làm sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn cà phê bền vững, không xâm lấn rừng tự nhiên.
Câu chuyện đối với những doanh nghiệp cà phê đang giao dịch cổ phiếu trên sàn chứng khoán lại trở nên khác, không phải đơn vị nào cũng hưởng lợi từ giá cà phê neo cao. Bởi, giá bán cao đột biến là thách thức cho các doanh nghiệp thương mại và xuất khẩu khi biên độ biến động giá càng cao, yêu cầu quản trị rủi ro sẽ càng cao hơn.
![]() |
Người nông dân thu hoạch cà phê. |
CTCP Cà phê Gia Lai (Mã: FGL) quý vừa rồi báo lỗ bất chấp doanh thu tăng trưởng. Doanh thu thuần công ty đạt 5,6 tỷ đồng, gấp 25 lần cùng kỳ nhờ xuất bán được 40 tấn cà phê nhân xô với giá bình quân 130 triệu đồng/tấn. Trừ đi giá vốn, công ty lãi gộp 2,3 tỷ đồng, tương ứng biên lãi gộp đạt tới 41%.
Tuy nhiên, do chi phí lãi vay tới 1,4 tỷ, quản lý doanh nghiệp 1,4 tỷ, kết quả doanh nghiệp thua lỗ 237 triệu đồng. Dù vậy con số này đã cải thiện so với mức lỗ 2,4 tỷ đồng cùng kỳ. Tính đến hết quý I, Cà phê Gia Lai vẫn lỗ luỹ kế hơn 126 tỷ đồng.
Năm nay, Cà phê Gia Lai đặt mục tiêu tổng doanh thu 23,3 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 205 triệu đồng. Con số này tích cực hơn nhiều khi năm ngoái, doanh nghiệp thu về 15,7 tỷ đồng và lỗ sau thuế hơn 20 tỷ.
Trong khi đó, Cà phê Thắng Lợi (Mã: CFV) ghi nhận doanh thu giảm tới 46% về 90 tỷ đồng. Doanh nghiệp giải trình là do việc thu mua cà phê khó khăn, dẫn đến khối lượng hàng xuất khẩu giảm. Trừ giá vốn, lợi nhuận gộp chỉ còn chưa tới 3 tỷ đồng.
Tổng các chi phí lãi vay và chi phí hoạt động đã được tiết giảm còn hơn 3,6 tỷ đồng. Bên cạnh đó doanh nghiệp có thêm doanh thu từ hoạt động tài chính và lợi nhuận khác nhưng cả quý, lợi nhuận sau thuế của Cà phê Thắng Lợi giảm tới 94% so với cùng kỳ 2024 về 617 triệu đồng.
Năm nay, công ty đặt mục tiêu tổng doanh thu là 547 tỷ đồng, tăng 79% so thực hiện năm 2024. Lợi nhuận sau thuế mục tiêu đạt 12 tỷ, giảm 74% so với mốc kỷ lục vừa được thiết lập.
CTCP Cà phê Phước An (Mã: CPA) cũng ghi nhận quý kinh doanh kém khả quan khi doanh thu thuần giảm 57% về 3 tỷ đồng. Do giá vốn hàng bán giảm tới 69% nên lợi nhuận gộp được cải thiện lên 1,1 tỷ đồng.
Quý này, doanh nghiệp ghi nhận chi phí quản lý doanh nghiệp giảm mạnh 93% về 127 triệu đồng do không phát sinh chi phí trích lập dự phòng công nợ khó đòi như cùng kỳ. Nhờ vậy, mức lỗ sau thuế của công ty giảm về 1,3 tỷ đồng so với mức lỗ 1,5 tỷ đồng cùng kỳ. Tính hết quý I/2025, công ty lỗ luỹ kế hơn 196 tỷ đồng, ăn mòn vốn chủ sở hữu còn chưa tới 40 tỷ.
Ngược lại, CTCP Vinacafé Biên Hòa (Mã: VCF) – thành viên thuộc Tập đoàn Masan (Mã: MSN) lại có một quý “ăn nên làm ra” khi doanh thu thuần đạt 673 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp cải thiện lên 21,2%.
Nhờ kiểm soát tốt chi phí, công ty lãi sau thuế 128 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ. Con số này đã nâng tổng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lên 1.513 tỷ đồng, chiếm tới 60% tổng nguồn vốn.
Năm 2025, công ty tiếp tục đặt mục tiêu theo 2 kịch bản. Kịch bản thấp, doanh thu 2.700 tỷ và lợi nhuận 470 tỷ đồng, lần lượt tăng 5,6% và 5,4% so với thực hiện năm ngoái.
Còn ở kịch bản cao, chỉ tiêu doanh thu thuần là 2.950 tỷ và lợi nhuận sau thuế 516 tỷ đồng, lần lượt tăng 15,4% và 15,7% so với thực hiện năm 2024.