Gạo Việt hướng tới mục tiêu kép

00:00 12/10/2020

Năm 2020, xuất khẩu gạo được dự báo sẽ tăng trưởng khả quan. Tuy nhiên, trước bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, vấn đề bảo đảm an ninh lương thực trong nước cũng đang được đặt ra vô cùng cấp thiết.

Đóng gói sản phẩm gạo xuất khẩu tại nhà máy của Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, TP Cần Thơ. Ảnh: Vũ Sinh

Nhu cầu trong nước tăng 2 triệu tấn

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hai tháng đầu năm 2020, sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt khoảng 900.000 tấn, với giá trị kim ngạch trên 410 triệu USD, tăng 27% về lượng và 32,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Không chỉ tăng về sản lượng, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện cũng tăng cao nhất trong hơn 1 năm trở lại đây.

Đây rõ ràng là một tín hiệu đáng mừng cho ngành lúa gạo Việt Nam trong bối cảnh xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản sụt giảm nghiêm trọng do dịch bệnh. Dù vậy, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 có thể gây xáo trộn mục tiêu xuất khẩu gạo thời gian tới.

Thực tế, trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa được khống chế, nhiều quốc gia trên thế giới đang tăng nhập khẩu gạo, điển hình như Philippines, Malaysia, châu Phi cận Sahara. Trong khi sản lượng gạo của Thái Lan – quốc gia hàng đầu thế giới về sản xuất lúa gạo dự kiến giảm khoảng 2 triệu tấn do ảnh hưởng của hạn hán. Điều này có thể khiến nguồn cung lúa gạo cho thế giới bị sụt giảm.

Tại Việt Nam, dù nguy cơ thiếu hụt lúa gạo trước mắt là không lớn. Tuy nhiên, dự báo đến năm 2030, dân số Việt Nam đạt khoảng 104 triệu người. Kéo theo đó, nhu cầu lương thực, thực phẩm cần tăng thêm đáp ứng tiêu dùng trong nước sẽ vào khoảng 2 triệu tấn. Điều này đặt ra bài toán cân đối giữa dự trữ quốc gia lúa gạo và sản lượng xuất khẩu hàng năm để bảo đảm an ninh lương thực về lâu dài.

Linh hoạt chuyển đổi sản xuất

Việc xuất khẩu gạo trong năm 2020 sẽ góp phần quan trọng cho tăng trưởng xuất khẩu ngành nông nghiệp nói riêng, các ngành kinh tế nói chung. Tuy nhiên, diễn biến dịch Covid-19 đặt ra yêu cầu về việc bảo đảm nguồn cung trong nước dựa trên việc chuyển đổi linh hoạt sản xuất.

Bộ NN&PTNT cho biết, nhu cầu lương thực trong nước cũng như thế giới có thể sẽ tăng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, bởi một số quốc gia mua lúa gạo để tích trữ. Bởi vậy, Bộ sẽ theo dõi chặt thị trường để điều chỉnh tăng diện tích lúa vụ Thu Đông tại Đồng bằng sông Cửu Long lên khoảng 50.000ha.

Cũng theo Bộ NN&PTNT, để đáp ứng nhu cầu trong nước và mục tiêu xuất khẩu gạo như đã nêu trong Chiến lược Phát triển thị trường gạo, dự kiến Việt Nam vẫn sẽ giữ 3,5 triệu ha đất lúa vào năm 2030. Tuy nhiên, diện tích thực tế có thể điều chỉnh dựa trên quy hoạch đất lúa theo Nghị quyết của Quốc hội.

Thực tế cũng giống như Thái Lan, Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hạn hán, xâm nhập mặn. Diện tích bị thiệt hại do hạn mặn theo Bộ NN&PTNT sẽ vào khoảng 23.000ha. Tuy nhiên, dự kiến năm 2020, diện tích lúa cả nước vẫn đạt trên 7,3 triệu ha; năng suất bình quân ước khoảng 59,3 tạ/ha, tăng 1,2 tạ so với năm 2019.

Song hành với bảo đảm an ninh lương thực, để thúc đẩy mục tiêu xuất khẩu gạo trong năm 2020, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Đỗ Hà Nam cho rằng, cần tiếp tục đa dạng hóa thị trường. Theo đó, các bộ, ngành cần theo dõi sát diễn biến nhu cầu nhập khẩu; tăng cường tìm kiếm, mở rộng thị trường. Đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại đối với mặt hàng gạo tại các thị trường có khả năng chuyển đổi, trong đó, chú trọng các thị trường mới tại châu Phi, Trung Mỹ...

Ở một khía cạnh liên quan, Bộ NN&PTNT cho biết, thời gian tới, sẽ tiếp tục theo dõi, thống kê sát thực tế về tình hình sản xuất, cơ cấu, sản lượng, nguồn gốc gạo hàng hóa theo từng chủng loại, mùa vụ. Đồng thời, phối hợp với Bộ Công Thương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam trong định hướng sản xuất, cân đối nguồn thóc, gạo xuất khẩu trên cơ sở bảo đảm an ninh lương thực.

Tổng sản lượng lúa năm 2020 của Việt Nam có thể đạt khoảng 43,4 triệu tấn và bảo đảm các mục tiêu xuất khẩu. Bài toán an ninh lương thực trước mắt vẫn được Bộ NN&PTNT bảo đảm trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa được khống chế.

Lâm Nguyễn