Gamification là thuật ngữ thông dụng trong những năm gần đây. Nói một cách đơn giản, “game hóa” là ứng dụng một cách thực tế những cơ chế của game vào hoạt động marketing, giáo dục hoặc quản trị. Xu hướng này đã được chứng minh tại Trung Quốc, đóng vai trò như một chiến lược tăng trưởng trực tiếp, là chìa khóa cho phép nhiều công ty thương mại điện tử lớn bao gồm Alipay, Taobao của Alibaba và Pinduoduo kết hợp các yếu tố trò chơi vào ứng dụng để tăng mức độ tương tác của người dùng và thu hút khách hàng quay trở lại sử dụng dịch vụ. Học hỏi kinh nghiệm của Trung Quốc về game hóa, các công ty Việt Nam đã bắt đầu vận dụng tương tự như một giải pháp nhắm mục tiêu khách hàng hấp dẫn và hiệu quả hơn.
Xu hướng game hóa tại Việt Nam
Theo dữ liệu từ Statista, giá trị của thị trường trò chơi trên toàn thế giới đã tăng vọt từ 4,91 tỷ USD vào năm 2016 lên 11,94 tỷ USD vào năm 2021. Tại Châu Á Thái Bình Dương, thị trường trò chơi điện tử dự kiến sẽ phát triển theo cấp số nhân với tốc độ 27%. Trung Quốc và Ấn Độ là hai nhân tố thúc đẩy bằng cách tập trung nhiều hơn vào game hóa để nâng cao trải nghiệm người dùng.
Tại Việt Nam, MoMo đi đầu trong xu hướng trò chơi hóa với các dịch vụ như Học viện MoMo, Thành phố MoMo và MoMo Jump mới ra mắt gần đây nhất. Các tính năng cho phép người dùng chơi trò chơi thu thập hộp quà tượng trưng cho các phiếu giảm giá, khuyến mãi sử dụng cho nhiều dịch vụ khác nhau có sẵn trong ví điện tử MoMo. Công ty khởi nghiệp giao hàng có trụ sở tại Việt Nam, Loship cũng đang nâng cao chiến thuật tương tác khi tung ra các trò chơi trong ứng dụng giống như Pinduoduo hay Taobao. CEO Trung Hoàng Nguyên chia sẻ: “Đó không phải là mục tiêu bán hàng mà là trải nghiệm tận hưởng dành cho khách hàng. Người dùng lướt app Pinduoduo không có mục đích cụ thể giống như ghé thăm một trung tâm mua sắm. Tương tự như vậy, người dùng của Loship có thể chơi trò chơi kích thích mua hàng”.
Một công ty khởi nghiệp khác đã kết hợp trò chơi vào nền tảng mạng xã hội và hẹn hò Fika tập trung vào người dùng nữ khu vực châu Á. Nhờ game hóa, Fika đã phá vỡ khuôn mẫu của các ứng dụng hẹn hò truyền thống. Mỗi ngày, người dùng sẽ nhận được một loạt các thử thách nhỏ như “Kết đôi với người mới hôm nay” hoặc “Nhắn tin 2 ngày liên tiếp”, v.v. và sau mỗi lần hoàn thành, người dùng sẽ nhận được phần thưởng Fika Coin. Những đồng Fika này được sử dụng để mở khóa nhiều tính năng cao cấp trong ứng dụng, chẳng hạn như xem danh tính ai đó đã thích bạn,...
Game hóa đúng cách là chìa khóa tăng trưởng
Game hóa - Gamification được cho là một chất giúp tăng tuổi thọ cho sản phẩm và đóng vai trò quan trọng trong cải thiện trải nghiệm người dùng, mức độ tương tác và sự hấp dẫn. Hãy cùng điểm qua một số lợi ích mà gamification mang lại:
Giữ chân người dùng
Tất cả các trò chơi đều được gắn kết với quy trình hoạt động cũng như thông tin sản phẩm. Như vậy, bằng cách đăng nhập mỗi ngày, người dùng sẽ thực hiện các nhiệm vụ để nhận thưởng. Về mặt tâm lý, những phần thưởng này thúc đẩy người chơi tiếp tục và giành nhiều quà hơn. Nguyên tắc vận hành nằm ở sử dụng tần suất cao sẽ tạo ra thói quen của người dùng, từ đó nảy sinh sự gắn bó. Pinduoduo của Trung Quốc là công ty đi đầu trong việc sử dụng trò chơi để thúc đẩy mua. Số lượng người dùng trung bình hàng tháng ở Pinduoduo đã tăng hơn hai lần từ 195 triệu vào năm 2018 lên 487 triệu vào năm 2020 nhờ chiến lược tương tác này. Hay như tại Loship, người dùng check in mỗi ngày sẽ được cấp một số điểm Lo nhất định có thể đổi lấy phiếu giảm giá. Đại diện startup chia sẻ: “Mặc dù mỗi lần đăng ký không tạo ra doanh thu trực tiếp cho Loship, nhưng trải nghiệm sản phẩm cuối cùng sẽ liên kết trở lại với thương mại khi người dùng đổi điểm. Về mặt lý thuyết, điều này sẽ mang lại giá trị trọn đời cho khách hàng cao hơn”.
Game hóa là công cụ marketing miễn phí
Thông thường, các trò chơi yêu cầu người dùng mời hoặc giới thiệu bạn bè cùng tham gia là cách thức hoàn hảo để thu hút người dùng mới. 83% người tiêu dùng cho biết họ tin tưởng hoàn toàn hoặc phần nào những lời giới thiệu từ gia đình, đồng nghiệp và bạn bè. MoMo của Việt Nam mở chương trình giới thiệu bạn bè tải ứng dụng để đổi lượt chơi game và nhận ưu đãi 500.000 đồng cho mỗi lần giới thiệu thành công. Những người mời được nhiều nhất sẽ được đưa vào bảng xếp hạng của ứng dụng.
Đây cũng là cơ chế thúc đẩy Pinduoduo phát triển ngoạn mục khi mới thành lập. Một khi người dùng bị thu hút, họ sẽ vui vẻ thay mặt công ty phát triển quy mô. Công ty có thể tiếp cận với nhiều khách hàng tiềm năng hơn mà không cần đầu tư bất kỳ khoản tiền quảng cáo nào.
Thu thập dữ liệu
Gamification có thể giúp các công ty hiểu khách hàng ở mức độ sâu hơn. Khi chơi trò chơi, người dùng tiết lộ sở thích, dung lượng, thái độ và mức độ sẵn sàng chi trả, cho phép nhắm mục tiêu chính xác hơn. Sự hiểu biết sâu sắc này trở thành nền tảng của trải nghiệm khách hàng, xây dựng lòng trung thành và sự tin tưởng. Ngoài ra, lịch sử dữ liệu cũng được sử dụng để đưa ra dự đoán và xây dựng chiến dịch tiếp thị hiệu quả hơn.
Ví dụ như trong trường hợp của Fika, Fika khuyến khích người dùng thực hiện các thử thách nhỏ như kết đôi để đổi lấy tiền ảo. Càng nhiều người tham gia thử thách, càng có nhiều thông tin chi tiết và dữ liệu khách hàng được tiết lộ. Fika có thể xây dựng các thuật toán mai mối liên tục và được cá nhân hóa mạnh mẽ để tìm kiếm các kết nối có ý nghĩa hơn cho người dùng.
Tương lai của game hóa
Gen Z chiếm 1/7 tổng dân số 92 triệu người của Việt Nam. Hòa nhịp với thế hệ người tiêu dùng ngày càng hiện đại và rộng lớn đồng nghĩa với doanh nghiệp phải làm chủ được game hóa và áp dụng chiến thuật này vào bối cảnh kinh doanh. Dưới tác động của Covid-19, hàng trăm triệu người tích cực tìm kiếm giải trí trực tuyến, ngày càng có nhiều ứng dụng ra thị trường và khái niệm trò chơi ngày càng được tín nhiệm và game hóa ứng dụng chỉ còn là vấn đề thời gian.
TL (theo e27)