Hội thảo “Thực hành ESG và đổi mới tài chính xanh cho tăng trưởng bền vững” do Tạp chí điện tử Kinh tế - Chứng khoán Việt Nam phối hợp với Liên chi Hội Bất động sản công nghiệp Việt Nam (VIREA) tổ chức.
Hội thảo cung cấp kiến thức và hành lang pháp lý thực hành ESG - hướng tới việc phát triển khu công nghiệp xanh - nhà máy xanh, nhằm nâng cao vị thế của từng khu công nghiệp, từng doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp thông qua việc hướng tới thực hành bộ tiêu chí ESG để phát bền vững, hội nhập kinh tế quốc tế là vấn đề nóng, thiết thực và quan trọng mà VIREA sẽ chú trọng, đồng hành cùng hội viên trong thời gian tới".
Theo ông Trần Thiên Long, Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Bất động sản Công nghiệp Việt Nam, cho biết, hiện nay cả nước có 428 khu công nghiệp được thành lập tại 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, (trong đó có 4 khu chế xuất) với tổng diện tích gần 128.684 ha, tổng diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 86.208 ha. Theo quy hoạch của các tỉnh, thành phố trên cả nước, đến năm 2030, Việt Nam sẽ có 558 khu công nghiệp với tổng diện tích đất sử dụng 205.800 ha và 1.500 cụm công nghiệp, với tổng diện tích khoảng 50.000 ha. Dự báo đến năm 2050, diện tích đất khu, cụm công nghiệp trên cả nước sẽ ổn định ở mức 300 -350.000 ha.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố: Tính đến cuối năm 2022, các khu công nghiệp, khu kinh tế đã thu hút được hơn 11.200 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 231 tỷ USD, vốn đầu tư thực hiện khoảng 221,3 tỷ USD và hơn 10.400 dự án đầu tư của doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký 2,54 triệu tỷ đồng. Năm 2020, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã đóng góp giá trị kim ngạch xuất khẩu 138 tỷ USD, tương đương tỷ trọng 55% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, đóng góp vào ngân sách 137 nghìn tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 4 triệu lao động.
Tuy nhiên chính các cam kết về net zero của các quốc gia lại là một trong những lực cản thu hút FDI vào Việt Nam. Ông Nguyễn Võ Trường An - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sàn giao dịch Tín chỉ Carbon ASEAN (CCTPA -Tập Đoàn CT Group) cho biết: Một tập đoàn của Nhật muốn đầu tư vào Việt Nam nhưng do Việt Nam cam kết net zero vào năm 2050, trong khi Nhật Bản cam kết năm 2035 nên các tiêu chí đưa ra không tương thích và chúng ta chưa được luật hóa nên họ đã không đầu tư vào Việt Nam. Và thách thức khác hiện nay, chính sách BEPS ảnh hưởng chính sách ưu đãi đầu tư, theo quy định mới các quốc gia không còn được ưu đãi về thuế xuất bằng 0 hoặc miễn giảm thuế để thu hút FDI và mức thuế chung là 15%. Do vậy Việt Nam không tạo được lợi thế cạnh tranh so với các nước khác và đó cũng là điểm giảm thu hút vốn FDI.
Việc đi theo lộ trình và các chính sách thực tiễn ESG đang là kim chỉ nam để các doanh nghiệp đầu tư, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu. Mô hình phát triển bền vững ESG là ba trụ cột phát triển bền vững để doanh nghiệp có thể áp dụng khi xây dựng và phù hợp với xu hướng của toàn cầu hơn khi vận hành nhà máy xanh .
Ông Huỳnh Thanh Trung – CEO Công ty CP LeanWares cho rằng, giải bài toán của ESG là bài toán về năng lượng. Hiện nay các yếu tố đều liên quan đến xanh và nhà máy xanh là nhà máy giảm phát thải cacbon ở mức độ cho phép. Một nhà máy xanh thường liên quan đến ba yếu tố: Kiến trúc công trình, vật liệu sử dựng, thiết bị vận hành trong nhà máy. Nếu một nhà máy được thiết kế xanh từ đầu thì tiết giảm được chi phí hơn là việc chuyển đổi nhà máy cũ sang xanh.
Ông Trung cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đang gặp rất nhiều áp lực trước yêu cầu phải “xanh hóa” thì mới có đơn hàng xuất khẩu. Tuy nhiên doanh nghiệp sẽ đối diện với vấn đề: hạ tầng sản xuất, nguồn vốn và nguyên phụ liệu.
Bà Phạm Minh Châu- Phó Giám đốc Ban Chính sách sản phẩm bán buôn, Khối Ngân hàng bán buôn, Ngân hàng BIDV chia sẻ về vấn đề làm sao tiếp cận được nguồn tín dụng xanh. Các doanh nghiệp hoặc cá nhân có thể vay một số lĩnh vực xanh: xe máy điện, dệt may, công trình xanh, gói tín dụng xanh KHCN…
Với các giải pháp tiếp cận nguồn tài chính xanh: Phải có báo cáo tài chính định kỳ, báo cáo kiểm kê khí nhà kính, công khai các thông tin về sử dụng hiệu quả tài nguyên và giảm thiểu ô nhiễm... Xây dựng công cụ số hoá, lưu trữ, khai thác dữ liệu; Tiêu chuẩn báo cáo: GRI, SASB, CDSB, ISO, IR, TCFD… Và yêu cầu khi công bố báo cáo: Công khai, dễ tiếp cận và tra cứu.
Thu Hiền