Tính tới thời điểm này, có nhiều công ty chứng khoán có dư nợ cho vay bao gồm margin và người bán ứng tiền trước tăng mạnh nhất như Mirae Asset với giá trị 13.893 tỷ đồng tăng 25%; SSI với 11.122 tỷ đồng tăng 20,6% so với quý I/2020. Nhiều đơn vị khác cũng cho vay margin đạt mức kỷ lục so với thời điểm trước đó như HSC 8.876 tỷ đồng; TCBS với 6.015 tỷ đồng; VPS 6.341 tỷ đồng; VND với 6.536 tỷ đồng…
Tuy nhiên theo quy định tại Điều 9, Quyết định số 87 hướng dẫn giao dịch ký quỹ chứng khoán của Uỷ ban chứng khoán Nhà nước: Tổng dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ của một công ty chứng khoán không được vượt quá 200% vốn chủ sở hữu của công ty chứng khoán, tức là không được vượt quá 2 lần. Nếu chiếu theo quy định này thì đã xuất hiện nhiều công ty chứng khoán vượt trần hoặc trong tình trạng áp sát mức trần giới hạn.
Đơn cử như Công ty Chứng khoán MB, giá trị các khoản cho vay 4.734 tỷ đồng, tương ứng gấp 2,2 lần vốn chủ sở hữu. Năm 2021, Chứng khoán MB đặt mục tiêu tổng doanh thu 1.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 480 tỷ đồng. Tổng Giám đốc MBS cho rằng điều kiện thị trường chứng khoán Việt Nam tốt như dự báo, các hoạt động kinh doanh cốt lõi của công ty sẽ đạt được như kế hoạch. Cơ sở cho kế hoạch kinh doanh trên còn đến từ hoạt động môi giới, ngân hàng đầu tư (IB) và bán chéo sản phẩm tại MBBank.
Tỷ lệ này ở Chứng khoán Mirae Asset là 1,8 lần; ở HSC là 1,86 lần; ở Chứng khoán Yuanta Việt Nam là 1,9 lần; KBSV là 1,7; TVSI là 1,76 lần… Tỷ lệ này thuần margin, chưa tính đến khoản ứng trước tiền bán. Nếu tính cả ứng trước tiền bán và margin thì tỷ lệ vượt 2 của các công ty chứng khoán không phải hiếm.
Linh Anh