Dự báo doanh thu trong ngắn hạn và dài hạn
Ngành công nghiệp bán dẫn thống trị toàn cầu kể từ năm 2020, khi thế giới phải đóng cửa bởi đại dịch Covid-19. Đồng thời, tác động của kỹ thuật số đối với cuộc sống và doanh nghiệp nhanh hơn bao giờ hết, theo sau đó là thị trường chất bán dẫn bùng nổ. Đến năm 2021, doanh thu toàn ngành tăng hơn 20% lên khoảng 600 tỷ USD.
Những con số này khiến nhiều chuyên gia chắc chắn rằng ngành công nghiệp bán dẫn đã sẵn sàng cho một thập kỷ tăng trưởng và đến năm 2030, ngành bán dẫn được dự đoán sẽ trở thành ngành công nghiệp nghìn tỷ USD.
Tuy nhiên, không phải tất cả đều là tin tốt. Theo các chuyên gia, trên thực tế, triển vọng ngắn hạn đối với doanh thu bán dẫn đã xấu đi. Tình trạng cung vượt cầu là điều không thể tránh khỏi khi tình hình kinh tế đang ngày càng xấu đi.
Phó Chủ tịch của Gartner, Richard Gordon, trong một dự báo cho biết: “Triển vọng ngắn hạn đối với doanh thu bán dẫn đã xấu đi. Sự suy thoái nhanh chóng của nền kinh tế toàn cầu và nhu cầu của người tiêu dùng suy yếu sẽ tác động tiêu cực đến thị trường chất bán dẫn vào năm 2023”. Đối với Gartner, doanh thu bán dẫn toàn cầu dự kiến sẽ giảm 3,6% vào năm 2023. Ngược lại, thị trường đang trên đà tăng trưởng 4% và đạt tổng trị giá 618 tỷ USD trong năm nay.
Theo dự báo của Gartner, doanh thu của ngành bán dẫn toàn cầu dự kiến sẽ giảm 3,6% vào năm 2023. Ngược lại, thị trường đang trên đà tăng trưởng 4% và đạt tổng trị giá 618 tỷ USD trong năm nay.
Gartner cho biết, trong một tuyên bố: “Doanh thu của ngành bán dẫn toàn cầu được dự báo đạt tổng cộng 596 tỷ USD vào năm 2023, giảm so với mức dự báo trước đó là 623 tỷ USD”.
Một dự báo riêng của Cơ quan Thống kê Thương mại Chất bán dẫn Thế giới (WSTS) cũng đưa ra mức giảm tương tự. WSTS cho biết: “Doanh thu từ thị trường chất bán dẫn toàn cầu được dự báo sẽ giảm 4% vào năm 2023 xuống còn 557 tỷ USD, mức giảm theo năm đầu tiên kể từ năm 2019”.
Nhu cầu thị trường ảnh hưởng doanh thu ngành bán dẫn
Bộ phận nghiên cứu công nghệ của Gartner cho rằng, sự yếu kém trong các thị trường do người tiêu dùng định hướng chủ yếu là do sự suy giảm thu nhập khả dụng vì ảnh hưởng bởi áp lực từ lạm phát và lãi suất gia tăng.
Ngoài ra, người tiêu dùng trên toàn cầu cũng đang chuyển hướng ưu tiên chi tiêu từ các sản phẩm điện tử sang các lĩnh vực khác như du lịch, nghỉ dưỡng và giải trí. Việc này đang có tác động dây chuyền tiêu cực đến việc mua sắm đồ công nghệ, qua đó trực tiếp gây ảnh hưởng tới ngành bán dẫn.
Trong khi đó, các thị trường định hướng doanh nghiệp, chẳng hạn như mạng doanh nghiệp, máy tính doanh nghiệp, vận tải công nghiệp, y tế và thương mại, cho đến nay vẫn tương đối ổn định mặc dù kinh tế vĩ mô suy thoái và những lo ngại về địa chính trị. Gordon của Gartner lưu ý: “Sức mạnh tương đối trong các thị trường do doanh nghiệp định hướng đến từ các khoản đầu tư chiến lược của các tập đoàn đang tìm cách củng cố cơ sở hạ tầng của họ”.
Dự báo ngành công nghiệp ô tô toàn cầu vẫn thiếu hụt chất bán dẫn
Theo tờ Financial Times, các tập đoàn ô tô và nhà sản xuất chip hàng đầu đã cảnh báo rằng, ngành công nghiệp ô tô toàn cầu sẽ bị thiếu hụt chất bán dẫn vào năm tới khi việc chuyển sang sử dụng xe điện tăng mạnh.
Hassane El-Khoury - Giám đốc điều hành của nhà sản xuất chip Onsemi có trụ sở tại Hoa Kỳ cho biết, họ đã “bán hết” chip silicon carbide (SiC), chất bán dẫn năng lượng tiên tiến chủ yếu được sử dụng trong ô tô điện, ít nhất là cho đến cuối năm 2023 do nhu cầu tăng cao.
Trong khi đó, ông Jochen Hanebeck - Giám đốc điều hành của nhà sản xuất chip ô tô Infineon, đã đưa ra cảnh báo tương tự về nguồn cung tại một sự kiện ở Munich gần đây: “Tôi nghĩ rằng sự thiếu hụt chip sẽ còn kéo dài".
Infineon tháng trước đã nâng dự báo tăng trưởng doanh thu từ 9% lên hơn 10%. Đồng thời, nhà sản xuất chip của Đức cũng đã công bố khoản đầu tư lớn nhất trị giá 5 tỷ euro để xây dựng một nhà máy ở Dresden nhằm sản xuất chất bán dẫn được sử dụng trong ô tô và các ngành công nghiệp khác.
Trong khi đó, El-Khoury cho biết, Onsemi đang mở rộng sản xuất tại các nhà máy ở Rožnov ở Cộng hòa Séc, Busan ở Hàn Quốc và New Hampshire ở Mỹ, công ty ước tính sẽ tăng công suất thêm 30% vào năm tới.
Ông nói thêm: “Chúng tôi có rất nhiều khách hàng đặt hàng theo thỏa thuận cung cấp dài hạn và công ty đang cố gắng xây dựng năng lực để hỗ trợ những khách hàng đó trước tiên.
Tuy đây là tín hiệu tích cực cho doanh số của các nhà sản xuất chip nhưng quá trình tăng sản lượng của họ sẽ tốn một khoảng thời gian dài.
Nhiều hãng xe đã phải giảm sản xuất hoặc thậm chí ngừng hoạt động một số dây chuyền. Trong một số trường hợp, các công ty ô tô đã xuất xưởng những chiếc xe không có một số tính năng nhất định do không thể tìm được nguồn chất bán dẫn cần thiết.
Các nhà phân tích tại AutoForecast Solutions dự báo rằng sự thiếu hụt chip sẽ dẫn đến việc sản xuất ít hơn khoảng 3 triệu xe vào năm 2023. Tuy nhiên, đây có thể coi là tín hiệu tích cực khi mức thiếu hụt này của năm 2022 là 4,5 triệu xe.
Thị trường bộ nhớ trong năm 2023 dự báo giảm
Thị trường chất bán dẫn toàn cầu trong năm tới chủ yếu sẽ bị kéo xuống bởi phân khúc bộ nhớ, cả dự báo của WSTS và Gartner đều cho thấy. “Trong dự báo mới nhất này, danh mục này được dự đoán sẽ giảm xuống còn 112 tỷ USD vào năm 2023, giảm 17% so với năm trước,” WSTS cho biết trong tuyên bố của mình .
Trong thời gian còn lại của năm 2022, Gartner cho rằng thị trường bộ nhớ đang chứng kiến nhu cầu sụt giảm, lượng hàng tồn kho tăng cao và việc thúc ép giảm giá đáng kể. “Do đó, thị trường bộ nhớ sẽ không thay đổi vào năm 2022 và được dự đoán sẽ giảm 16,2% doanh thu vào năm 2023,” Gartner cho biết.
Hồng Nhung (t/h)