Dự báo kinh tế nước Mỹ trong 10 năm tới

22:47 26/06/2021

Dịch bệnh sẽ khiến nền kinh tế tăng trưởng chậm lại trong vài năm tới. Từ thời tiết khắc nghiệt đến chi phí chăm sóc sức khỏe tăng cao và nợ liên bang, tất cả các yếu tố trên sẽ ảnh hưởng đến xu hướng kinh tế của Hoa Kỳ.

Phục hồi kinh tế sau dịch: Biểu đồ chữ V, U hay L?

Chỉ trong vài tháng, dịch bệnh đã tàn phá nền kinh tế Hoa Kỳ. Tốc độ tăng trưởng giảm 5% trong quý đầu tiên của năm 2020, giảm 31,4% trong quý thứ hai, nhưng sau đó tăng trở lại lên 33,4% trong quý thứ ba. Sau sự gia tăng các trường hợp lây nhiễm và việc đóng cửa các doanh nghiệp, nền kinh tế chỉ tăng trưởng 4,3% trong quý bốn.

Theo ước tính của Cục Phân tích Kinh tế, quý I năm 2021 Hoa Kỳ đã tăng 6,4%, phản ánh tác động tích cực của vaccine và mở cửa trở lại đất nước. Vào tháng 4 năm 2020, ở đỉnh điểm của dịch bệnh, doanh số bán lẻ đã giảm mạnh 16,4% do chính phủ đóng cửa các cơ sở kinh doanh không thiết yếu, dẫn đến số người người thất nghiệp lên 23 triệu người. Đến tháng 5 năm 2021, con số này đã giảm xuống mức 9,3 triệu người nhưng vẫn là một vấn đề nhức nhối. Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) dự đoán rằng sự phục hồi hình chữ U sẽ thay đổi và rằng nền kinh tế sẽ không trở lại mức trước dịch bệnh cho đến giữa năm 2022. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: internet) 

Tăng nợ liên bang

Ngày 1 tháng 3 năm 2021, khoản nợ của Hoa Kỳ đã vượt quá 28 nghìn tỷ đô la Mỹ. Trong thời kỳ đại dịch, nợ đã tăng lên trông thấy kể từ khi thi hành Đạo luật CARES và giảm thuế. Đến cuối quý 1 năm 2021, tỷ lệ nợ của Mỹ trên GDP đã tăng lên 127%, cao hơn nhiều so với ngưỡng 77% mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế khuyến nghị. Lãi suất cao hơn sẽ làm tăng chi phí trả lãi của chính phủ. Nếu khoản nợ ngày càng tăng cap, bất đồng trong cách giảm nợ có thể biến thành khủng hoảng. Về lâu dài, cân bằng ngân sách đồng nghĩa với việc cắt giảm chi tiêu. Chính quyền Biden đang cố gắng hủy bỏ một số đợt cắt giảm thuế. Phía các công ty đang đối phó với tình trạng bấp bênh bằng cách tích trữ tiền mặt, thuê nhân viên tạm thời thay vì nhân viên toàn thời gian và trì hoãn các khoản đầu tư lớn.

Thời tiết khắc nghiệt đe dọa hệ thống tài chính

Theo báo cáo của Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ Hoa Kỳ (GAO), thời tiết khắc nghiệt (như sóng nhiệt, bão và cháy rừng) ở Bắc Mỹ có thể tăng 50% vào năm 2100. Điều này có thể khiến chính phủ Mỹ tiêu tốn tới 112 tỷ đô la mỗi năm. Cục Dự trữ Liên bang cảnh báo rằng biến đổi khí hậu đe dọa hệ thống tài chính. Thời tiết khắc nghiệt buộc các trang trại, công ty tiện ích và các doanh nghiệp kinh doanh khác phải tuyên bố phá sản, từ đó phá hủy bảng cân đối kế toán của ngân hàng, giống như các khoản thế chấp dưới chuẩn đã làm trong cuộc khủng hoảng tài chính.

Munich Re, công ty tái bảo hiểm lớn nhất thế giới, cảnh báo rằng các công ty bảo hiểm sẽ phải tăng phí để đối phó với chi phí cao hơn do thời tiết khắc nghiệt gây ra. Trong vài thập kỷ tới, nhiệt độ dự kiến ​​sẽ tăng từ 2 đến 4 độ F. Mùa hè càng nóng đồng nghĩa với những vụ cháy rừng có sức tàn phá lớn hơn. Mặt khác, mùa đông ngắn hơn có nghĩa là nhiều loài gây hại, chẳng hạn như bọ vỏ cây thông, sẽ không chết trong mùa đông. Cơ quan Lâm nghiệp Hoa Kỳ ước tính rằng 100.000 cây nhiễm bọ cánh cứng có thể đổ mỗi ngày trong 10 năm tới.

Hạn hán khiến mùa màng chết chóc, giá thịt bò, các loại hạt và trái cây tăng cao. Hàng triệu bệnh nhân bị hen suyễn và dị ứng phải tăng chi phí khám chữa bệnh. Mùa hè dài hơn sẽ kéo dài mùa dị ứng. Ở một số khu vực, mùa phấn hoa hiện kéo dài hơn 25 ngày so với năm 1995. Số lượng phấn hoa dự kiến ​​sẽ tăng hơn gấp đôi từ năm 2000 đến năm 2040. Hầu hết các vùng của Hoa Kỳ đang trải qua các đợt nắng nóng thường xuyên hơn, gây ra bệnh tật và chết chóc, cũng như thiệt hại cho mùa màng và gia súc đi cùng với mất điện. Gần 40% dân số Hoa Kỳ trên các khu vực chịu cảnh ngập lụt do mực nước biển dâng cao. Đến năm 2100, mực nước biển toàn cầu có thể tăng ít nhất 1 foot so với mực nước biển 2000.

Chi phí chăm sóc sức khỏe sẽ tiếp tục tăng

Đến năm 2028, chi tiêu cho y tế quốc gia sẽ tăng với tốc độ hàng năm là 5,4%, vượt quá 6 nghìn tỷ đô la Mỹ. Các chi phí này sẽ tăng từ 17,7% trong năm 2018 lên gần 20% tổng sản lượng của nền kinh tế Mỹ trong 10 năm tới. Một trong những lý do là bởi sự già hóa của dân số Mỹ và gia tăng tỷ lệ đăng ký bảo hiểm y tế.

Bắt đầu từ năm 2019, những người không được bảo hiểm không cần phải trả thuế Obamacare nữa. Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) ước tính đến năm 2027, sẽ có 13 triệu người từ bỏ bảo hiểm. Từ đây, chi phí của các công ty bảo hiểm sẽ tăng lên và tất nhiên phần phát sinh sẽ được chuyển cho người mua cộng dồn vào phí chăm sóc sức khỏe. Ngược lại, từ bỏ bảo hiểm tức là người dân không còn được bảo vệ như trước.

Giá dầu khí sẽ vẫn ở mức thấp

Sau sự sụt giảm sản lượng dầu thô vào năm 2020, sản lượng dầu thô dự kiến ​​sẽ trở lại mức 2019 vào năm 2023 và duy trì ở mức khoảng 13 đến 14 triệu thùng/ngày vào năm 2050. Năm 2019, xuất khẩu dầu của Mỹ lần đầu tiên vượt quá nhập khẩu kể từ năm 1973. Xuất khẩu dầu của Mỹ dự kiến ​​sẽ tăng lên 20,29 triệu thùng. It nhất cho đến năm 2022, giá khí đốt tự nhiên vẫn ở mức thấp hơn 3 đô la Mỹ / gallon.

Nền kinh tế Trung-Mỹ trở nên gắn bó

Trung Quốc đã trở thành một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2014 và hiện cũng là nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới đạt mức tăng trưởng dương vào năm 2020. Quốc gia này đã lớn mạnh đến mức sẽ tiếp tục có tác động lớn hơn đến nền kinh tế Mỹ so với trước đây.

Vào tháng 12 năm 2019, Hoa Kỳ và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận về giai đoạn đầu của Hiệp định thương mại. Trung Quốc cam kết mua một số lượng lớn hàng hóa và dịch vụ của Mỹ trong vài năm tới. Hoa Kỳ sẽ tiếp tục áp mức thuế 25% đối với hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc trị giá 250 tỷ đô la Mỹ và mức thuế 7,5% đối với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc trị giá 120 tỷ đô la Mỹ. Tính đến tháng 4 năm 2021, Trung Quốc đã không đạt được các mục tiêu mua sắm theo Hiệp định thương mại, Chính phủ Biden cũng đang xem xét hiệp định. Bất kỳ thay đổi nào của Trung Quốc trong khuôn khổ cải cách kinh tế toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến giá trị của đồng đô la Mỹ, bao gồm cả tăng trưởng kinh tế chậm lại. Lãi suất cao hơn có thể gây tăng chi phí cho các khoản vay đối với các công ty và người tiêu dùng Hoa Kỳ.

Đồng đô la ổn định

Giá trị của đồng đô la Mỹ đạt mức cao nhất là 126,5 vào ngày 23 tháng 3 năm 2020 do ảnh hưởng từ dịch bệnh khiến các nhà đầu tư đổ xô vào đồng tiền này như một cách đảm bảo tài sản an toàn. Đến ngày 18 tháng 6 năm 2021, tỷ giá đã giảm xuống 113,33. Mặc dù có một số yếu tố có khả năng làm suy yếu đồng đô la nhưng với vai trò là đồng tiền dự trữ của thế giới, tiền tệ của Mỹ vẫn sẽ duy trì giá trị và được sử dụng trong các giao dịch quốc tế nhiều hơn bất kỳ loại tiền tệ nào khác.

Thị trường bất động tăng mạnh

Do lãi suất thấp, giá nhà đất sẽ tiếp tục tăng dài hạn trong những năm tới. Theo Hiệp hội Môi giới Bất động sản Quốc gia (NAR), dịch bệnh sẽ ảnh hưởng đến thị trường bất động sản vào năm 2021. Sau đợt giảm ban đầu trong vài tháng đầu của đại dịch, giá nhà đã phục hồi và tăng mạnh. Doanh số bán nhà đã giảm vào tháng 1 và tháng 2 năm 2021, tăng vào tháng 3 và sau đó lại giảm 4,4% vào tháng 4. Doanh số sụt giảm chủ yếu do lượng hàng tồn kho không đủ. Freddie Mac dự đoán giá nhà sẽ tăng 6,6% vào năm 2021 và giảm xuống 4,4% vào năm 2022. Tuy nhiên khi tiêm chủng được phổ biến rộng rãi, nhu cầu nhà ở sẽ trở lại mức trước khi có dịch.

TL