Dự báo cuối năm về một số vấn đề tiền tệ - tín dụng

15:00 29/08/2022

Trong những tháng đầu năm 2022, hoạt động tiền tệ - tín dụng đã có nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên cũng có một số vấn đề đặt ra với lĩnh vực này như: tăng trưởng dư nợ tín dụng, nợ xấu, trái phiếu doanh nghiệp, tỷ giá ngoại tệ...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. 

Vai trò mà tiền tệ - tín dụng đem lại đã mang đến những kết quả tích cực. Vai trò quan trọng nhất của tiền tệ - tín dụng là góp phần kiềm chế lạm phát. Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm thời kỳ 2014-2021 được kiểm soát theo mục tiêu, thấp xa so với 2004-2013 (2,78% so với 10,53%). Trong 7 tháng đầu năm 2022, CPI bình quân tăng 2,54% - còn thấp hơn mục tiêu cả năm (khoảng 4%) và chỉ bằng khoảng 1/3 của nhiều nền kinh tế.

Dư nợ tín dụng đang trong xu hướng tăng trưởng tăng chậm lại. Việc tín dụng tăng chậm lại không phải không có căn cứ. Rõ nhất là do dư nợ tín dụng so với GDP gần như liên tục tăng lên và hiện ở mức cao (năm 2015 là 89,7%; năm 2016 là 97,6%; năm 2017 là 103,5%; năm 2018 là 102,9%; năm 2019 là 110,2%; năm 2020 là 114,3%; năm 2021 là 113,2%).

Nếu dư nợ tín dụng năm nay tăng 14% - cao hơn dự báo về tốc độ tăng GDP theo giá thực tế (khoảng 11%), thì tỷ lệ trên của năm nay cũng sẽ tiếp tục tăng lên, đạt mức 126,5% (so với GDP đã tính lại, nếu so với GDP chưa tính lại, thì tỷ lệ này đã vượt qua mốc 150%). Tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP cao sẽ là yếu tố tiềm ẩn của lạm phát. Trong khi có những dự báo và lo ngại về lạm phát, thì sự thận trọng của Ngân hàng Nhà nước là cần thiết.

An toàn hệ thống các tổ chức tín dụng chưa thực sự bền vững, chủ yếu do nợ xấu và trái phiếu doanh nghiệp. Nợ xấu nội bảng vẫn ở mức cơ bản an toàn, nhưng nợ có nguy cơ trở thành nợ xấu và phần nợ xấu bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam chưa xử lý được vẫn còn ở mức cao. Nợ xấu lớn nhất nằm ở bất động sản. Dư nợ tín dụng vào lĩnh vực bất động sản trong nửa đầu năm tăng tới 14,07%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng 9,35% chung toàn bộ nền kinh tế; tổng số đạt trên 2,36 triệu tỷ đồng, chiếm 20,74% tổng dư nợ tín dụng.

Trái phiếu doanh nghiệp có quy mô đến đầu quý III/2022 đạt khoảng 1,6 triệu tỷ đồng, bằng gần 18,3% GDP và bằng 14,9% dư nợ tín dụng. Nhóm ngân hàng và bất động sản chiếm tỷ trọng cao nhất (65%) giá trị trái phiếu doanh nghiệp.

Tỷ giá VND/USD bình quân 7 tháng tăng thấp (0,08%), nhưng tháng 7/2022 so với tháng 12/2021 tăng 2,14%, dự báo tỷ giá vào ngày 31/12/2022 so với cùng thời điểm năm trước có khả năng vượt qua mốc 3%, cao gấp rưỡi định hướng (2%). Tỷ giá VND/USD tăng sẽ tác động tiêu cực về nhiều mặt, làm giá nhập khẩu tính bằng VND tăng “kép”, làm tăng chi phí đầu vào của sản xuất, gây áp lực đối với lạm phát; làm tăng nợ và trả nợ khi vay và trả nợ bằng VND; ảnh hưởng đến dự trữ ngoại hối, đến thị trường ngoại hối.

P.V (t/h)