Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phấn khởi khi nhận thấy những thay đổi tích cực trong tư duy và phương thức sản xuất nông nghiệp của người dân, đặc biệt là khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cùng các đại biểu đã lắng nghe chia sẻ về kết quả ban đầu của Dự án sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, hiện đại và phát thải thấp tại xã Phú Thành A, huyện Tam Nông như: mô hình điểm của Hợp tác xã nông nghiệp Thắng Lợi tại huyện Tháp Mười trong khuôn khổ Đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao và phát thải thấp; mô hình lúa - cá tại thành phố Hồng Ngự; phát triển lúa sinh thái kết hợp bảo tồn Sếu tại Vườn Quốc gia Tràm Chim và sản xuất lúa giống của Hợp tác xã Giống nông nghiệp Định An tại huyện Lấp Vò. Công ty Du lịch WildBird cũng đã đóng góp với các hoạt động phát triển du lịch sinh thái độc đáo.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá cao quá trình thực hiện và kêu gọi Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp, cùng các sở, ngành và địa phương, tiếp tục hỗ trợ nông dân trong việc thực hành nông nghiệp có trách nhiệm, góp phần bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp, ông Nguyễn Phước Thiện, đã tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng và cam kết tỉnh sẽ nghiên cứu, triển khai trong thời gian tới.
Về Đề án 01 triệu héc ta lúa chất lượng cao và phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị các huyện, thành phố và nông dân tích cực tham gia, với mục tiêu trước tiên là phải giảm giá thành sản xuất, giảm phân bón và thuốc hóa học để bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và người sản xuất, xây dựng nền nông nghiệp xanh, bền vững hơn.
Dự án sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, hiện đại và phát thải thấp tại xã Phú Thành A, huyện Tam Nông, đã được triển khai trên diện tích 170 ha, trải qua 4 vụ sản xuất lúa từ Đông Xuân và Hè Thu năm 2023 đến 2024. Quy mô diện tích từ 20 ha ban đầu đã mở rộng lên 80 ha. Bên cạnh đó, nông dân còn thực hiện mô hình kết hợp trữ cá mùa lũ năm 2023 trên diện tích 170 ha và mô hình quản lý rơm rạ theo hướng tuần hoàn năm 2024 với việc trồng nấm.
Nông dân trồng lúa đã áp dụng các kỹ thuật như sạ cụm và sạ thưa, giúp giảm lượng giống gieo sạ từ 40-60% so với cách sản xuất truyền thống, tương đương với mức giảm từ 50-70 kg/ha. Sử dụng phân hữu cơ để thay thế một phần phân vô cơ, giảm khoảng 30-40% lượng phân vô cơ, tương đương với mức giảm từ 100-150 kg/ha. Cơ giới hóa đã được áp dụng từ khâu xuống giống đến thu hoạch, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất.
Ngọc Thư