Chiều ngày 20/4, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai – bác sĩ Lê Quang Trung – cho biết Sở sẽ triển khai chỉ đạo yêu cầu lãnh đạo các bệnh viện, trung tâm y tế tại các huyện và thành phố trên địa bàn tiến hành rà soát kỹ lưỡng hoạt động tư vấn, giới thiệu và bán các sản phẩm như sữa và thực phẩm chức năng cho người bệnh.
Theo đó, các cơ sở khám chữa bệnh cần tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ mọi hoạt động liên quan đến quảng cáo, tiếp thị, kê đơn hoặc tư vấn sử dụng các sản phẩm không phải là thuốc – như sữa hoặc thực phẩm chức năng – nhưng lại được giới thiệu sai lệch với công dụng như phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán, điều trị hoặc điều chỉnh chức năng cơ thể. Sở Y tế tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh, tuyệt đối không được lợi dụng danh nghĩa chuyên môn y học để quảng cáo sai sự thật, gây hiểu nhầm cho người bệnh. Đồng thời, các bệnh viện phải đảm bảo công tác dinh dưỡng đúng theo quy định chuyên môn.
![]() |
Đồng Nai rà soát nhân viên y tế tư vấn, bán sữa, thực phẩm chức năng trong bệnh viện. |
Bác sĩ Lê Quang Trung cũng khẳng định quan điểm xử lý nghiêm minh: “Các đơn vị y tế cần kiểm tra, rà soát đội ngũ nhân viên y tế có hành vi tư vấn, giới thiệu hoặc bán sữa, thực phẩm chức năng cho người bệnh và thân nhân. Nếu phát hiện sai phạm, phải xử lý nghiêm khắc, tuyệt đối không bao che, dung túng cho các hành vi vi phạm.”.
Trước đó, Bộ Y tế đã ban hành Văn bản số 2350/BYT-KCB gửi đến Giám đốc các bệnh viện trực thuộc Bộ và Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố, yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật trong hoạt động khám chữa bệnh. Văn bản được ban hành trong bối cảnh nhiều vụ việc liên quan đến nhân viên y tế tư vấn sử dụng sữa và sản phẩm dinh dưỡng từ các doanh nghiệp phân phối hàng giả đang bị điều tra, gây hoang mang dư luận.
Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện nghiêm túc rà soát lại toàn bộ các loại sữa và sản phẩm dinh dưỡng đang được tư vấn, kê đơn hoặc sử dụng cho người bệnh, cần làm rõ sản phẩm đó được sử dụng từ thời điểm nào, cho đối tượng nào, và thông tin chi tiết cần được minh bạch với người bệnh. Trong trường hợp có bệnh nhân gặp vấn đề sức khỏe liên quan đến những sản phẩm này, cơ sở y tế phải chịu trách nhiệm, vì đã trực tiếp tư vấn, hướng dẫn sử dụng.
Động thái mạnh mẽ từ Bộ Y tế và Sở Y tế địa phương không chỉ nhằm siết chặt quản lý hoạt động tư vấn và phân phối sản phẩm trong các cơ sở y tế, mà còn là thông điệp cứng rắn chống lại tình trạng lợi dụng danh nghĩa y học để trục lợi, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người bệnh một cách thực chất.