Đồng hành cùng địa phương phát triển kinh tế-xã hội

18:10 20/07/2022

20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (PGD NHCSXH) huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đã triển khai nhiều gói vay ưu đãi đến các hộ nghèo, cận nghèo và các gia đình chính sách trên địa bàn.

“Cánh tay nối dài” của người nghèo

Chị Hồ Thị Thời, bản Cẩm Ly, xã Ngân Thủy trước đây là một trong những hộ nghèo của xã. Mặc dù có làm 1 mẫu ruộng, thế nhưng vì quá đông con khiến cuộc sống của gia đình chị lúc nào cũng lâm vào cảnh thiếu ăn. Chị Thời cho hay: “Nhà có làm ruộng nhưng năng suất không cao do lúc đó chỉ biết làm thủ công, sử dụng trâu bò để cày bừa. Cỏ, sâu bệnh cũng không có thuốc phun nên năng suất rất thấp”.

Tưởng như cái nghèo sẽ đeo bám cuộc sống gia đình chị, thì đến năm 2013 chị được tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng CSXH để phát triển kinh tế. Kể về quá trình thoát nghèo, chị Thời tâm sự: Được vay gói thoát nghèo 20 triệu đồng, chị đầu tư thuê máy móc đào 5 hồ cá. Tiền còn thừa, chị đầu tư mua các giống cá, như: Mè, trôi, rô phi... để thả nuôi. Nhờ mô hình nuôi cá, mỗi năm gia đình chị lãi trên 40 triệu đồng, chị dần tích cóp được tiền trả nợ vay và có thêm được khoản tiết kiệm. Có tiền, gia đình chị bắt đầu thuê máy móc về để sản xuất lúa, năng suất lúa vì thế ngày càng nâng cao.

“Thấy nhiều hộ trong vùng chăn nuôi lợn cho hiệu quả kinh tế, trong khi đất vườn còn để hoang nhiều, tôi quyết định vay thêm 50 triệu đồng từ nguồn vốn tín dụng CSXH để đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi. Trung bình mỗi lứa, tôi nuôi khoảng 30 con lợn thịt và nuôi thêm 2 con lợn nái để nhân giống. Với 2 lứa lợn, mỗi năm gia đình tôi có thêm nguồn thu nhập khoảng 50 triệu đồng. Tuy nhiên thời gian gần đây, do thức ăn chăn nuôi tăng giá, thu nhập từ chăn nuôi lợn có giảm nhưng gia đình tôi vẫn duy trì số lượng đàn nuôi”, chị Hồ Thị Thời tâm sự. 

Nguồn vốn tín dụng CSXH triển khai nhiều gói vay ưu đãi đến người dân trên địa bàn huyệnNguồn vốn tín dụng CSXH triển khai nhiều gói vay ưu đãi đến người dân trên địa bàn huyện.
Nguồn vốn tín dụng CSXH triển khai nhiều gói vay ưu đãi đến người dân trên địa bàn huyện

Từ một hộ nghèo không đủ ăn, đủ mặc, gia đình chị Hồ Thị Thời đã vươn lên thoát nghèo và trở thành hộ có thu nhập cao tại địa phương. Cũng nhờ có nguồn vốn mà 7ha đất rừng vợ chồng chị khai hoang trước đây được chị thuê người để trồng keo tràm. Hiện tại, 7ha keo tràm của chị đã cho thu hoạch nhiều đợt với mức trung bình thu về khoảng 300 triệu đồng/đợt.

Có thể thấy những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã đến với những bản làng dân tộc thiểu số xa xôi, giúp họ thoát cảnh đói ăn và vươn lên làm giàu. Cũng nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, nhiều hộ gia đình đã vực dậy phát triển kinh tế sau thiên tai, dịch bệnh.

Phát huy vai trò dẫn vốn đến với người dân

Huyện Lệ Thủy có diện tích tự nhiên 1.401,8km2, trong đó đồi núi chiếm 80% diện tích. Trong những năm qua, tình hình kinh tế-xã hội của huyện phát triển khá toàn diện. Tuy nhiên, do điều kiện tự nhiên thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai bão lũ cộng với đợt dịch Covid-19 vừa qua khiến cho đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Số người chưa có việc làm và thiếu việc làm còn nhiều, tỷ lệ hộ nghèo một số xã còn cao. Trước những khó khăn của bà con nhân dân, PGD NHCSXH huyện Lệ Thủy đã triển khai các chương trình vay theo các nghị định của Chính phủ nhằm giúp người dân có nguồn vốn để phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống. 

Ông Đặng Đại Ngôn, Giám đốc PGD NHCSXH huyện Lệ Thủy cho biết: Trong 20 năm qua, đơn vị đã quan tâm xây dựng được đội ngũ cán bộ bảo đảm về chất lượng, giỏi một việc, biết nhiều việc, nỗ lực vượt khó với tinh thần trách nhiệm cao, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ được giao. Từ 2 chương trình tín dụng nhận bàn giao ban đầu với dư nợ nhận bàn giao là 32,3 tỷ đồng. Đến nay, PGD NHCSXH huyện đang triển khai cho vay 15 chương trình tín dụng chính sách, tổng dư nợ đến ngày 30/6/2022 đạt 557,1 tỷ đồng với 12.173 khách hàng đang vay vốn. Phương thức cho vay chủ yếu tại PGD NHCSXH hiện nay là cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc thông qua các tổ chức chính trị-xã hội gồm Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên huyện.

Có được kết quả như trên, là nhờ sự nỗ lực của Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện-một trong những nhân tố quan trọng tạo nên sự thành công của tín dụng CSXH. Bên cạnh đó là vai trò lãnh đạo của chính quyền các cấp, ngành, đặc biệt là vai trò của chủ tịch xã và trưởng các thôn (bản, tổ dân phố) trong việc quản lý, giám sát hoạt động của tổ TK-VV ở cơ sở bảo đảm tuân thủ đúng quy định. 

Nguồn vốn tín dụng CSXH giúp các hộ đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên làm giàu
Nguồn vốn tín dụng CSXH giúp các hộ đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên làm giàu.

Trong 20 năm hoạt động, với sự chỉ đạo tích cực của Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh cùng với sự quan tâm của các cấp ngành và sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân trên địa bàn huyện, toàn bộ tổ chức mạng lưới hoạt động tín dụng CSXH tại huyện Lệ Thủy đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Trọng Lãnh